Công an huyện Đak Đoa phát huy hiệu quả mạng xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Công an huyện Đak Đoa đã lập 111 nhóm Zalo tương ứng với 111 thôn, làng nhằm mục đích tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân và quản lý an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Tháng 3-2020, Công an huyện Đak Đoa thành lập nhóm Zalo xuyên suốt từ huyện đến Công an các xã, thị trấn và toàn bộ 111 thôn, làng trên địa bàn. Sau hơn 1 năm triển khai kênh thông tin Zalo Official Account (ZOA) đã có trên 3.000 thành viên tham gia, mang lại hiệu quả rõ nét, gợi mở cách thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật hữu ích. Đại úy Đàm Mai Minh Tuấn-Phó Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (Công an huyện Đak Đoa) thông tin: Việc cấp thẻ căn cước công dân được thông báo trên các nhóm Zalo thôn, làng. Người dân lên lấy số thứ tự, cán bộ trực tiếp cấp căn cước nhắn tin thời gian cấp theo mã số trên các nhóm, giúp bà con tiết kiệm thời gian, công sức đi lại. Nhờ đó, Đak Đoa trở thành đơn vị đầu tiên vượt chỉ tiêu dự án cấp căn cước công dân trong toàn tỉnh.
Không chỉ vậy, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các nhóm Zalo thôn, làng đã trở thành cầu nối để lực lượng chức năng tuyên truyền công tác phòng-chống dịch cũng như nắm bắt việc khai báo y tế từ người dân trong công tác truy vết, khoanh vùng, phòng-chống dịch một cách hiệu quả. “Đến nay, nội dung thông tin tuyên truyền được thực hiện một cách ngắn gọn, giúp người dân dễ dàng nắm bắt. Cùng với đó, việc tiếp nhận nguồn tin từ người dân cũng rất kịp thời”-Đại úy Tuấn nhấn mạnh.
Công an xã Ia Băng (huyện Đak Đoa) hướng dẫn người dân cài đặt Zalo. Ảnh: Hà Phương
Công an xã Ia Băng (huyện Đak Đoa) hướng dẫn người dân cài đặt Zalo. Ảnh: Hà Phương
Công an huyện bố trí 100% cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị cùng Công an các xã, thị trấn tham gia các nhóm Zalo thôn, làng với mục đích tuyên truyền pháp luật, giải đáp thắc mắc của người dân một cách kịp thời. Thông qua những nhóm Zalo này, người dân cung cấp rất nhiều thông tin có liên quan đến an ninh trật tự tại địa phương cho lực lượng Công an. Thiếu úy Phạm Doãn Tường Hiếu-cán bộ Đội Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc-cho hay: “Thời điểm các nhóm Zalo thôn, làng mới hoạt động, anh em trong đơn vị gặp nhiều khó khăn vì đồng bào dân tộc thiểu số chưa quen dùng mạng xã hội. Vậy nhưng, sau quá trình tuyên truyền, vận động, đến nay, nhiều người hưởng ứng, tham gia thường xuyên”.
Xã Ia Băng là một trong những địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, huy động đông đảo người dân tham gia nhóm Zalo thôn, làng. Đại úy Nguyễn Phi Hùng-Trưởng Công an xã-cho biết: 11 thôn, làng đều triển khai nhóm Zalo. Lúc mới thành lập chỉ có khoảng 30 thành viên tham gia, chủ yếu là cán bộ địa phương. Công an xã cử cán bộ xuống các thôn, làng trực tiếp hướng dẫn người dân cách sử dụng Zalo và đưa vào nhóm. Trước đây, khi thông báo một vấn đề nào đó đến người dân phải mất thời gian in ấn, mang đến từng nhà. Khi kết nối vào nhóm Zalo thì chỉ cần đăng tải các thông tin lên nhóm là người dân đã nhanh chóng tiếp nhận”.
Ông Trần Hữu Xanh (thôn 5, xã Ia Băng) bộc bạch: “Việc tương tác thông tin qua nhóm Zalo giữa lực lượng chức năng với người dân là rất hữu ích, giúp bà con nắm bắt thông tin kịp thời. Cùng với đó, kênh thông tin này giúp chúng tôi phản ánh trực tiếp các vấn đề về trật tự xã hội tại địa phương đến lực lượng chức năng một cách nhanh chóng, được Công an xã tiếp nhận, xử lý kịp thời”.
HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

(GLO)- Pleiku đã khai thác và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa con người đã được vun đắp qua suốt chiều dài lịch sử. Đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; là khát vọng vươn lên vì bình yên, hạnh phúc của cá nhân, gia đình, cộng đồng và Tổ quốc…
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.
Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

(GLO)- Xót thương những mảnh đời bất hạnh, suốt 40 năm qua, bà Phạm Thị Hồng (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Được nuôi dạy chu đáo tại nhà số 57 Trần Nhật Duật, các cháu đều trìu mến gọi bà Hồng là mẹ nuôi.