Tình người trong đại dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với phương châm “ai có gì góp nấy”, nhiều tổ chức, cá nhân đã sẻ chia, giúp đỡ những người gặp khó khăn trong mùa dịch, tạo sự lan tỏa tích cực trong cộng đồng. 
1. Gần 1 tháng nay, các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Tấm Lòng Vàng An Khê sắp xếp thời gian để làm muối đậu phộng, muối lá é gửi tặng người dân ở vùng dịch TP. Hồ Chí Minh. Bà Phan Thị Nhung-Chủ nhiệm CLB-cho biết: “Khi TP. Hồ Chí Minh bùng phát dịch, phải giãn cách xã hội, tôi nảy ra ý tưởng làm muối đậu phộng, muối lá é vì có thể để được lâu, lại tiện dụng. Sau đó, tôi bàn bạc, thống nhất với các thành viên CLB bắt tay thực hiện. Kinh phí do thành viên CLB đóng góp và kêu gọi sự chung tay của các Mạnh Thường Quân”.
Câu lạc bộ phân công từng thành viên đi chợ mua nguyên liệu và liên hệ xe chuyển hàng. Vì hạn chế tụ tập đông người nên CLB chia thành 2 nhóm nhỏ, nhóm chuyên rang và nhóm chuyên đóng gói. Mặc dù tiết trời nắng nóng và các công đoạn đều làm thủ công mất khá nhiều thời gian nhưng mọi người đều cố gắng làm thật nhanh để kịp gửi tặng.
Các thành viên CLB Tấm lòng vàng An Khê làm muối đậu phộng, muối lá é gửi tặng người dân ở vùng dịch TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Thủy Bình
Các thành viên CLB Tấm Lòng Vàng An Khê làm muối đậu phộng, muối lá é gửi tặng người dân ở vùng dịch TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Thủy Bình
Những hũ muối được làm tỉ mỉ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Sau khi đóng gói, CLB kết nối với nhóm từ thiện Phước Hạnh (TP. Hồ Chí Minh) nhận và trao tặng công nhân nghèo, người vô gia cư. Triển khai từ giữa tháng 6 đến nay, CLB đã gửi tặng người dân TP. Hồ Chí Minh hơn 450 hũ muối mè, muối đậu phộng. Ngoài ra, CLB còn gửi hơn 1 tấn nhu yếu phẩm, rau củ quả; 1.000 chiếc bánh ú và bánh chưng. Trên mỗi thùng hàng đều ghi dòng chữ “Gởi chút yêu thương đến Sài Gòn”.
2. Cứ vào ngày 14 và 15 (Âm lịch) hàng tháng, người nghèo trên địa bàn TP. Pleiku ấm lòng hơn khi được nhận thực phẩm miễn phí tại cửa hàng Hoa quả Gia Lai (số 25B Nguyễn Đình Chiểu, phường Tây Sơn). Thực phẩm gồm: dầu ăn, mì tôm, nước mắm, các loại rau xanh và trái cây… được chuẩn bị sẵn trong từng túi nhỏ để bà con nhận nhanh gọn, không phải chờ đợi.
Ông Ngô Tiến Dũng làm nghề bán vé số, đang ở trọ cùng con gái tại phường Tây Sơn biết cửa hàng phát thực phẩm miễn phí liền đến nhận sự giúp đỡ. “Thu nhập từ bán vé số chẳng được bao nhiêu nên ăn uống cũng phải tiết kiệm. Nhận thực phẩm từ cửa hàng, bố con tôi đỡ lo bữa ăn mấy ngày sắp tới. Chủ cửa hàng còn nhắc tôi thời gian đợt phát quà tiếp theo. Tôi cảm ơn sự sẻ chia này nhiều lắm”-ông Dũng nói.
Chị Nguyễn Xuân Quỳnh-người lập quầy hàng-cho biết: “Trong đại dịch Covid-19, ai cũng gặp khó khăn. Của ít lòng nhiều, tôi tặng thực phẩm cho những người khó khăn để cùng nhau vượt qua dịch bệnh. Lúc đầu, tôi tự bỏ tiền mua thực phẩm, đóng thành từng túi nhỏ để tặng bà con nghèo. Khi biết đến hoạt động này, một số Mạnh Thường Quân cùng chung tay tổ chức nên quà tặng được nhiều hơn”.
Hoạt động từ tháng 1-2021, cửa hàng tặng mỗi đợt 50-70 suất. Vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngoài tặng thực phẩm, cửa hàng còn tặng khẩu trang, nước sát khuẩn và nhắc nhở bà con tuân thủ thông điệp 5K đề phòng dịch bệnh. 
Chị Nguyễn Xuân Quỳnh-chủ cửa hàng Hoa quả Gia Lai tặng quà cho người dân khó khăn. Ảnh: Thủy Bình
Chị Nguyễn Xuân Quỳnh-chủ cửa hàng Hoa quả Gia Lai tặng quà cho người dân khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Thủy Bình
3. “Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chúng ta cần chia sẻ, trao yêu thương để cùng nhau vượt qua đại dịch”-đó là chia sẻ của chị Trương Cẩm Thạch (thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang) khi nói đến hoạt động mà mình tham gia trong thời gian qua.
Thấy các y-bác sĩ, lực lượng tuyến đầu phải mặc bộ đồ bảo hộ liên tục nhiều giờ, chị Thạch đã đứng ra kêu gọi làm nước ép giải nhiệt trong mùa nắng nóng. Người góp tiền, người góp công, người mang sản phẩm của nhà trồng đến ủng hộ, 1 tuần 3 lần, nhóm chị Thạch làm nước ép gửi đến khu cách ly của huyện Mang Yang, mỗi đợt khoảng 200 ly thay đổi theo từng đợt như nước ép cà rốt, dưa hấu, ổi, chanh dây...
Ngoài làm nước ép, nhóm chị Thạch còn tranh thủ làm những chiếc mũ ngăn giọt bắn. Những chiếc mũ làm từ nhựa trong suốt, nhẹ, dễ dàng sử dụng. Nhóm chị Thạch còn làm tai đeo giả bằng len, giúp người sử dụng thuận lợi hơn khi đeo khẩu trang. Từ ngày 22-6 đến nay, chị Thạch cùng nhóm của mình làm được hơn 5.200 chiếc mũ ngăn giọt bắn gửi tặng lực lượng tuyến đầu ở các tỉnh: Bắc Giang, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai.
Ngày 7-7 vừa qua, chị Thạch phối hợp cùng các thành viên dự án “Nụ cười nhân ái” gửi hơn 4 tấn rau củ quả tặng người dân TP. Hồ Chí Minh. “Dịch bùng phát, ai cũng gặp khó khăn nên tôi đứng ra kêu gọi, kết nối mọi người cùng chung tay hỗ trợ vùng dịch. Tôi hạnh phúc khi bản thân góp một phần công sức chung tay phòng-chống dịch Covid-19”-chị Thạch cho biết.
THỦY BÌNH

Có thể bạn quan tâm

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

(GLO)- Pleiku đã khai thác và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa con người đã được vun đắp qua suốt chiều dài lịch sử. Đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; là khát vọng vươn lên vì bình yên, hạnh phúc của cá nhân, gia đình, cộng đồng và Tổ quốc…
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.
Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

(GLO)- Xót thương những mảnh đời bất hạnh, suốt 40 năm qua, bà Phạm Thị Hồng (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Được nuôi dạy chu đáo tại nhà số 57 Trần Nhật Duật, các cháu đều trìu mến gọi bà Hồng là mẹ nuôi.