Ia Kha quan tâm hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị trấn Ia Kha (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều phong trào, hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ hội viên, phụ nữ từng bước vươn lên thoát nghèo.
Cách đây 2 năm, gia đình chị Bùi Thị Vương (tổ 2) vay 40 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để phát triển kinh tế. Vợ chồng chị quyết định mở tiệm tạp hóa để buôn bán và nhận phân phối, quảng bá rượu ghè truyền thống của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình. Đầu năm 2020, gia đình chị được Hội LHPN và Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn hỗ trợ 6 triệu đồng để phát triển chăn nuôi. “Ban đầu, tôi mua 1 cặp heo đen để nuôi. Được một thời gian, thấy heo phát triển chậm, tôi bán đi chuyển sang nuôi 2 con heo nái. Tôi dự định, sau khi heo đẻ lứa đầu sẽ bán giống lấy tiền mở rộng chuồng, các lứa tiếp theo giữ lại để phát triển đàn”-chị Vương cho hay. Nhờ sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, cuối năm 2020, gia đình chị Vương đã thoát nghèo.
Theo bà Puih H’Nam-Phó Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Ia Kha, từ năm 2016 đến nay, thông qua hoạt động ủy thác vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, Hội đã tạo điều kiện cho 131 hội viên, phụ nữ nghèo và cận nghèo được vay vốn làm ăn. Đáng mừng là 100% hội viên sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và đóng tiền tiết kiệm đều đặn hàng tháng. Bên cạnh đó, Hội xây dựng 11 câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”; 1 CLB “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng”; 1 CLB “Phụ nữ nói không với tín dụng đen” và nhiều tổ góp vốn xoay vòng, nhóm phụ nữ vần đổi công giúp nhau trong lao động sản xuất.
Hội LHPN thị trấn Ia Kha (huyện Ia Grai) trao tiền hỗ trợ hội viên Thiều Thị Sáu có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Anh Huy
Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Ia Kha (huyện Ia Grai) trao tiền hỗ trợ hội viên Thiều Thị Sáu có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Anh Huy
Bà Rơ Lan Oan-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ kiêm Chủ nhiệm CLB “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế” làng Kép-cho biết: “Chi hội có 50 hội viên, trong đó có 45 hội viên người dân tộc thiểu số. Từ trước đến nay, chúng tôi giúp nhau bằng hình thức vần đổi công. Cứ 10-15 chị tập trung giúp 1 chị trong công việc đồng áng. Hoạt động này vừa thắt chặt tình đoàn kết, vừa giúp nhau lúc khó khăn, nhất là với những gia đình ít lao động”. Nói về việc thành lập CLB, bà Oan cho biết thêm, Chi hội còn 12 hội viên nghèo. Với mong muốn giúp hội viên có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, đầu năm 2021, Chi hội vận động 10 chị tham gia CLB. Bước đầu, các thành viên đã mạnh dạn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ giống cây ăn quả.
Riêng với CLB “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng” sau 3 năm thành lập đã thu hút 36 thành viên tham gia, từng bước giúp hội viên hình thành thói quen tiết kiệm trong chi tiêu. Bà Rơ Mah Nhi-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Yam, Chủ nhiệm CLB-chia sẻ: “Vì chị em không có thói quen tích lũy nên thời gian đầu vận động rất khó. Hầu hết chị em đều lấy lý do không có tiền. Tuy nhiên, cuộc họp nào mình cũng vận động, giải thích, có bao nhiêu thì tiết kiệm bấy nhiêu, mỗi ngày 1-2 ngàn đồng. Đến khi chị em hiểu ra việc tiết kiệm giúp ích cho gia đình lúc khó khăn, hoạn nạn và có thể giúp đỡ những người xung quanh thì ai cũng tham gia”.
Không chỉ giúp hội viên thay đổi nếp nghĩ, thực hành tiết kiệm trong chi tiêu, Hội LHPN xã còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên hưởng ứng cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Từ năm 2016 đến nay, Hội đã vận động 38 hộ hội viên làm nhà tiêu hợp vệ sinh, di dời 17 chuồng trại chăn nuôi ra xa nhà ở và đào 352 hố rác trong vườn; xây dựng 9 mô hình “Hàng rào xanh”, “Con đường hoa”; ra mắt 3 mô hình “Phụ nữ nói không với rác thải nhựa”; thành lập 13 đoạn đường phụ nữ tự quản tại 13/13 chi hội. Ngoài ra, Hội thành lập và duy trì có hiệu quả 3 CLB “Không sinh con thứ 3 trở lên”, 21 “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”, mô hình “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” và CLB “Gia đình hạnh phúc”. Qua các buổi sinh hoạt mô hình, CLB đã từng bước giúp hội viên biết cách tổ chức, sắp xếp cuộc sống và xây dựng gia đình hạnh phúc. Đến cuối năm 2020 có 94% gia đình hội viên, phụ nữ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, góp phần thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Cũng theo Phó Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Ia Kha, việc đồng hành, hỗ trợ hội viên, phụ nữ đã góp phần tập hợp, phát triển hội viên và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội. Nhiệm kỳ 2016-2021, Hội đã phát triển mới 287 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn thị trấn lên 2.139 người; không có chi hội trung bình và yếu kém. Đặc biệt, các hoạt động của Hội đã góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thị trấn từ 356 hộ năm 2016 xuống còn 111 hộ vào cuối năm 2020.
ANH HUY

Có thể bạn quan tâm

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

(GLO)- Pleiku đã khai thác và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa con người đã được vun đắp qua suốt chiều dài lịch sử. Đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; là khát vọng vươn lên vì bình yên, hạnh phúc của cá nhân, gia đình, cộng đồng và Tổ quốc…
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.
Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

(GLO)- Xót thương những mảnh đời bất hạnh, suốt 40 năm qua, bà Phạm Thị Hồng (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Được nuôi dạy chu đáo tại nhà số 57 Trần Nhật Duật, các cháu đều trìu mến gọi bà Hồng là mẹ nuôi.