Vui buồn chuyện nghề phóng viên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tháng 6 về mang hơi thở mùa hè kèm theo những cơn mưa lất phất bay, làm lòng tôi nao nao những cảm xúc không cất thành tên. Chợt nhận ra tôi đã gắn bó với nghề phóng viên được 11 năm với biết bao nỗi niềm.
Những ngày đầu chập chững bước vào nghề là bao kỷ niệm với vô vàn cảm xúc không thể nào quên. Bởi phóng viên “nhà đài” phải ôm trọn mọi việc, từ đi cơ sở, viết, quay, đọc và dựng phóng sự. Còn tôi khi ấy chỉ có trong tay gỏn gọn tấm bằng đại học chính quy với vốn kinh nghiệm sống non nớt của một sinh viên mới ra trường. Thế nên sếp tôi có lời tuyên bố “Làm không được là trả về Phòng Nội vụ”. Lời “đe dọa” đó trở thành nỗi sợ hãi ám ảnh tôi mỗi ngày đi làm. Nhưng có lẽ “duyên nghiệp” và một chút vốn sẵn có cộng thêm sự giúp đỡ, chỉ bảo nhiệt tình của anh bạn đồng nghiệp đã giúp tôi vượt qua bao khó khăn, gian nan.
Thấm thoắt đã 11 năm, có thể nói, tôi đã trải qua biết bao buồn vui với nghề báo. Tôi nhớ năm ấy khi tác nghiệp ở lễ khai giảng của một trường THCS, vì vừa quay vừa đặt máy ghi âm trên bục phát biểu để làm tin phát thanh rồi phải di chuyển qua các trường học bên cạnh nên tôi quên máy ghi âm và bị ai đó lấy mất. Sự việc đã gây khó xử cho cả Ban Giám hiệu nhà trường. Hay trong một lần đi làm phóng sự Tết, khi thấy tôi đến đặt vấn đề, một cán bộ ở cơ sở vừa xua tay vừa nói: “Không phỏng vấn gì hết, bận lắm, bận lắm”. Mặc tôi giải thích, ông này vẫn nói “Thôi về đi. Tết nhất nhiều việc lắm, không có thời gian”. Hay mỗi lần đi xin báo cáo để lấy số liệu cũng bị gây khó dễ, thậm chí bị từ chối. Mới đây nhất, trong một lần tác nghiệp ở hội trường nhỏ, để có bức ảnh đẹp, tôi phải chọn vị trí đứng chụp ảnh và vô tình làm vỡ chai nước thủy tinh của một vị đại biểu. Còn rất nhiều rất nhiều tình huống dở khóc dở cười mà nghề phóng viên gặp phải. Ngày mới bước vào nghề, gặp những tình huống khó khăn, tôi chỉ biết khóc và đôi lúc có ý định từ bỏ công việc này. Rồi theo thời gian, nghề phóng viên đã tôi luyện nên tôi với “một cái đầu lạnh, trái tim nóng” để có thể gắn bó với công việc.
Phóng viên tác nghiệp tại điểm tiêm vắc xin phòng Covid-19 ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Hùng Hoa Lư
Phóng viên tác nghiệp tại điểm tiêm vắc xin phòng Covid-19 ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hùng Hoa Lư
Nghề phóng viên có nhiều khó khăn, vất vả với những tình huống, sự cố nghề nghiệp, nhưng luôn tồn tại những niềm vui, kỷ niệm, cảm xúc không thể nào quên. Đó là những quả bí được mùa của bác nông dân dúi vào tay với nụ cười rạng ngời “cầm về để nấu canh ăn dần đi con”; là những dòng tin nhắn, cuộc gọi với lời cảm ơn, tiếng cười giòn giã của nhân vật khi bài viết được đăng tải; là những bữa cơm dân dã, đạm bạc nhưng ấm tình người của bà con vùng sâu; là đôi mắt chờ đợi của các em nhỏ khi chờ nhận chiếc áo mới, chiếc cặp sách dịp đầu năm học.
Khi nói đến nghề phóng viên, trong tâm trí tôi luôn khắc sâu câu nói của một anh bạn đồng nghiệp: “Thật ra viết báo là để lấy nhuận bút. Nhưng mình phải làm sao cho xứng đáng với đồng tiền mình nhận được, tôn trọng chính mình và từng câu chữ mình viết ra”. Khi mà công nghệ 4.0 đang bùng phát thì bất kỳ phóng viên nào cũng có thể hoàn thành một tác phẩm thật nhanh chóng với thủ thuật “copy” và “paste” (cóp và dán-N.V) thông qua “bác Google”. Cũng chính vì thế mà thỉnh thoảng lại xuất hiện chuyện “đạo văn” hay tinh vi hơn là xào xáo để thành những tác phẩm tưởng như chưa được phát hành, cho đến khi bị phát hiện, bị tước thẻ nhà báo, phạt tiền, mà đau khổ hơn là mất đi danh dự, mất một cái tên trong giới báo chí. Bản thân tôi cũng đã có lúc tự vấn lương tâm vì vội vàng bất cẩn trong con chữ của mình để rồi sau đó đọc lại cảm thấy áy náy, xấu hổ vì tâm chưa vững, ngòi bút chưa sâu. Sau những lần tự vấn như thế, tôi luôn cố gắng chăm chút, đọc đi đọc lại từng câu chữ để khi tin, bài được gửi đi, lòng cảm thấy sự nhẹ nhàng, thanh thản của một người đã nỗ lực hết sức với nghề nghiệp của mình.
Nghề phóng viên đã cho tôi đi nhiều nơi, chứng kiến nhiều mảnh đời với bao hoàn cảnh, số phận. Tôi chợt nhận ra cuộc sống không bao giờ là hoàn hảo cả. Nhưng dù cuộc sống có thế nào đi chăng nữa thì vẫn luôn tồn tại những điều kỳ diệu. Là phóng viên của đài huyện nên có lẽ những khó khăn, vất vả, sự nguy hiểm chưa thể sánh với các đồng nghiệp ở đài, báo tỉnh và trung ương. Nhưng tất cả hương vị của nghề đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi, đồng hành cùng tôi mỗi lần đi tác nghiệp để hôm nay đây tôi thấy lâng lâng khi ngoài cái tên cha mẹ đặt cho, tôi còn có cái tên “Phóng viên”.
PHƯƠNG LIÊN

Có thể bạn quan tâm

Dubai ngập lụt do mưa lớn

Dubai ngập lụt do mưa lớn

(GLO)- Thành phố Dubai thuộc Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) ngày 16/4 hứng lượng mưa kỷ lục 160 mm, gấp đôi lượng mưa trung bình một năm ở nước này.
"Đặc sản" kiến vàng của người Jrai

"Đặc sản" kiến vàng của người Jrai

(GLO)-Kiến vàng là món ăn yêu thích và có từ lâu đời trong văn hóa ẩm thực của người Jrai sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Để tìm bắt loại sản vật này, người dân phải mất nhiều thời gian và phải chịu được cảm giác đau khi bị kiến đốt.
Bánh tráng: Món ăn dân dã

Bánh tráng: Món ăn dân dã

(GLO)- Ngày nay, hầu như nhà nào cũng có vài ràng bánh tráng gạo dự trữ trong nhà. Đó là món bánh tiện dụng, dễ dùng, chỉ cần nhúng qua nước sạch để một lát là có ngay một thức ăn nhanh, ngon. Bánh tráng ăn thay cơm hoặc nướng lên ăn cho vui khi lai rai vài chén cùng bạn bè.
Thí sinh Nguyễn Cẩm Nhung đạt giải nhất kỳ thi thứ 6 tìm hiểu 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Thí sinh Nguyễn Cẩm Nhung đạt giải nhất kỳ thi thứ 6 tìm hiểu 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

(GLO)- Ngày 15-4, Ban tổ chức Cuộc thi tìm hiểu “70 năm Chiến thắng Điện Biên phủ và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn” với chủ đề “Điện Biên Phủ và đường Hồ Chí Minh-Ý chí, trí tuệ Việt Nam” đã thông báo danh sách thí sinh đạt giải tại kỳ thi thứ 6.
Bàn giao 2 công trình giếng khoan và tặng quà cho người nghèo tại huyện Phú Thiện, Chư Sê

Bàn giao 2 công trình giếng khoan và tặng quà cho người nghèo tại huyện Phú Thiện, Chư Sê

(GLO)- Ngày 11-4, Ban Thường trực Giáo hội Phật giáo huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) cùng Nhóm Thiện nguyện tỉnh An Giang phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Phú Thiện, Chư Sê tổ chức khánh thành công trình giếng khoan cho các trường học và tặng quà cho người nghèo, học sinh khó khăn trên địa bàn.