Cựu chiến binh Chư Sê giúp nhau thoát nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bằng những việc làm cụ thể, nhiều năm qua, các cấp Hội Cựu chiến binh ở huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã hỗ trợ nhiều hội viên xóa nhà dột nát, vươn lên thoát nghèo.
Theo chân ông Hoàng Anh Bắc-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) thị trấn Chư Sê, chúng tôi đến thăm gia đình hội viên Kpă Năm (SN 1940, thôn Kê). Gia đình ông Kpă Năm vừa được hỗ trợ xây dựng nhà “Nghĩa tình đồng đội”. Đón chúng tôi trong căn nhà mới, ông Năm cho biết: Năm 1963, ông tham gia kháng chiến chống Mỹ ở Mặt trận Tây Nguyên. Sau khi đất nước thống nhất, ông trở về địa phương và lập gia đình. Vì không có đất sản xuất, sức khỏe ngày càng suy giảm nên cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Nhiều năm nay, ông sống trong căn nhà xiêu vẹo đóng tạm bằng mấy tấm tôn, cứ mưa to gió lớn là ông phải ngủ nhờ nhà hàng xóm.
Thấu hiểu hoàn cảnh ông Năm, cuối năm 2020, Hội CCB thị trấn hỗ trợ gia đình xây dựng căn nhà “Nghĩa tình đồng đội” có diện tích 70 m2. Kinh phí xây nhà là 60 triệu đồng, trong đó, Quỹ “Nghĩa tình đồng đội” hỗ trợ 40 triệu đồng, Quỹ “Vì người nghèo” 10 triệu đồng, gia đình vay mượn thêm 10 triệu đồng. Được sự giúp đỡ tận tình bằng ngày công của hội viên và dân làng, chỉ trong thời gian ngắn, căn nhà được xây dựng xong.
Ông Kpă Năm (thôn Kê, thị trấn Chư Sê) bên căn nhà
Ông Kpă Năm (thôn Kê, thị trấn Chư Sê) bên căn nhà "Nghĩa tình đồng đội". Ảnh: R'Ô HOK

Ngoài hỗ trợ xây nhà, Hội CCB thị trấn Chư Sê còn tặng gia đình ông Năm 2 con bò sinh sản trị giá 14,8 triệu đồng. “Vừa rồi, bò mới đẻ thêm 1 con bê cái nữa nên mình rất vui. Bây giờ có nhà mới khang trang, kiên cố rồi, mình sẽ tích cực phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống để đáp lại tấm lòng của đồng đội”-ông Năm phấn khởi nói.

Chủ tịch Hội CCB thị trấn Chư Sê cho biết: “Toàn huyện có 731 hội viên sinh hoạt ở 21 chi hội thôn, làng, tổ dân phố. Từ năm 2016 đến nay, thông qua Quỹ “Nghĩa tình đồng đội” và vận động quyên góp từ các Mạnh Thường Quân, Hội đã xây dựng được 6 căn nhà (60 triệu đồng/căn) và trao 6 cặp bò mẹ con (16 triệu đồng/cặp) cho các hội viên thuộc diện khó khăn. Hiện tại, Hội còn 2 hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội”.
Tại xã Ia Pal, nhiều năm nay, mô hình hỗ trợ sinh kế được Hội CCB xã quan tâm thực hiện và phát huy hiệu quả nên không còn hội viên thuộc diện hộ nghèo, phải ở nhà dột nát. Ông Lưu Gia Quyến-Phó Chủ tịch Hội CCB xã-cho hay: “Toàn xã có 214 hội viên sinh hoạt ở 5 chi hội thôn, làng. Để giúp các hội viên hoàn cảnh khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế, Hội đã tập trung vận động quyên góp hỗ trợ bằng nhiều hình thức khác nhau. Gần đây nhất, các hội viên đã xây dựng quỹ chung để triển khai mô hình nuôi bò xoay vòng. Sau khi bò sinh sản một thời gian, bò mẹ sẽ chuyển cho các hội viên khó khăn khác nuôi. Với cách làm này, đến nay đã có 13 cặp bò sinh sản được trao cho 9 hội viên”.
Mô hình nuôi bò xoay vòng của Hội CCB xã Ia Pal giúp gia đình ông Kpă Chăn (làng Ia Pết) có thêm 2 con bò. Ảnh: R'Ô Hok
Mô hình nuôi bò xoay vòng của Hội CCB xã Ia Pal giúp gia đình ông Kpă Chăn (làng Ia Pết) có thêm 2 con bò. Ảnh: R'Ô HOK

Cựu chiến binh Kpă Chăn (làng Ia Pết, xã Ia Pal) bộc bạch: “Năm 2019, mình được Hội CCB xã cho nuôi xoay vòng 1 con bò sinh sản. Nhờ được đồng đội hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, tiêm phòng bệnh nên bò phát triển rất nhanh và đẻ được 2 con bê khỏe đẹp. Vừa rồi, mình đã chuyển giao con bò mẹ cho hội viên khác nuôi. Bây giờ, ngoài 2 con bê, mình còn nuôi thêm 6 con dê nữa. Mình sẽ cố gắng chăm sóc thật tốt để bò sinh sản thật nhiều, giúp gia đình có thêm thu nhập”.

Trao đổi với P.V, ông Đỗ Quang Đại-Chủ tịch Hội CCB huyện Chư Sê-thông tin: Để giúp các hội viên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, ngoài vận động quyên góp xây nhà “Nghĩa tình đồng đội”, Hội còn triển khai xây dựng quỹ nội bộ được hơn 3 tỷ đồng, giúp 150 hội viên vay với mức bình quân 20 triệu đồng/hội viên. Ngoài ra, Hội tín chấp cho 194 hội viên vay vốn Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện với tổng dư nợ 61,6 tỷ đồng. Đồng thời, có 4 cơ sở Hội triển khai mô hình chuyển giao vật nuôi để giúp nhau phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo gồm xã Dun, Ia Pal, Ia Hlốp và thị trấn Chư Sê. “Hiện nay, toàn huyện chỉ còn 24 hộ hội viên nghèo. Hàng năm, Hội thường xuyên đánh giá, rà soát, phân loại, xác định điều kiện hoàn cảnh của các hội viên để có biện pháp hỗ trợ phù hợp”-ông Đại cho biết thêm.
R'Ô HOK

Có thể bạn quan tâm

"Đặc sản" kiến vàng của người Jrai

"Đặc sản" kiến vàng của người Jrai

(GLO)-Kiến vàng là món ăn yêu thích và có từ lâu đời trong văn hóa ẩm thực của người Jrai sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Để tìm bắt loại sản vật này, người dân phải mất nhiều thời gian và phải chịu được cảm giác đau khi bị kiến đốt.
Bánh tráng: Món ăn dân dã

Bánh tráng: Món ăn dân dã

(GLO)- Ngày nay, hầu như nhà nào cũng có vài ràng bánh tráng gạo dự trữ trong nhà. Đó là món bánh tiện dụng, dễ dùng, chỉ cần nhúng qua nước sạch để một lát là có ngay một thức ăn nhanh, ngon. Bánh tráng ăn thay cơm hoặc nướng lên ăn cho vui khi lai rai vài chén cùng bạn bè.
Thí sinh Nguyễn Cẩm Nhung đạt giải nhất kỳ thi thứ 6 tìm hiểu 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Thí sinh Nguyễn Cẩm Nhung đạt giải nhất kỳ thi thứ 6 tìm hiểu 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

(GLO)- Ngày 15-4, Ban tổ chức Cuộc thi tìm hiểu “70 năm Chiến thắng Điện Biên phủ và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn” với chủ đề “Điện Biên Phủ và đường Hồ Chí Minh-Ý chí, trí tuệ Việt Nam” đã thông báo danh sách thí sinh đạt giải tại kỳ thi thứ 6.
Bàn giao 2 công trình giếng khoan và tặng quà cho người nghèo tại huyện Phú Thiện, Chư Sê

Bàn giao 2 công trình giếng khoan và tặng quà cho người nghèo tại huyện Phú Thiện, Chư Sê

(GLO)- Ngày 11-4, Ban Thường trực Giáo hội Phật giáo huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) cùng Nhóm Thiện nguyện tỉnh An Giang phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Phú Thiện, Chư Sê tổ chức khánh thành công trình giếng khoan cho các trường học và tặng quà cho người nghèo, học sinh khó khăn trên địa bàn.