Xôi lá sen Phố núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng sớm, Pleiku se lạnh sau những cơn mưa đầu mùa. Cầm trên tay gói xôi lá sen ấm nóng, thơm lựng mùi hành phi quyện với hương nếp dẻo thơm mà lòng ấm áp lạ. Chầm chậm thưởng thức món ăn truyền thống gói trong lá sen tươi bên cạnh thức uống đặc trưng của cao nguyên Pleiku, cảm giác như một món quà đầu ngày.
Xôi là thức quà sáng phổ biến hàng đầu không chỉ ở Phố núi Pleiku. Cũng vẫn là vị xôi ngọt hay mặn, chỉ khác mỗi cách thức gói nhưng lại mang đến ấn tượng mạnh về thị giác và cảm xúc. 
Khác với các loại xôi được gói mang đi trong hộp nhựa, bì ni lông, hộp xốp, cầm gói xôi bọc trong lá sen tươi cảm giác món ăn dân dã như ngon hơn bởi màu xanh của lá như còn vương vấn hương sen tinh khiết. Có lẽ vì vậy mà sáng sớm trời mưa đã có nhiều người đứng chờ trước hàng “Xôi lá sen” ở số 200 đường Cách Mạng Tháng Tám.
Từng bó lá sen cuộn chặt được chủ quán giở ra, đặt tấm lá tròn nhỏ vừa vặn lên mặt bàn, luôn tay xúc từng muỗng xôi vàng óng ánh, dẻo dền đặt vào giữa mặt lá. Tùy vào khẩu vị của khách mà chủ quán cho thêm các loại gia vị mặn như: chà bông, thịt nướng, lạp xưởng, gà xé, trứng kho…
Chỉ riêng món xôi mặn ở đây cũng có hàng chục vị khác nhau. Xôi ngọt thì có xôi bắp, xôi đậu đen, xôi đậu phụng, xôi gấc, xôi lá cẩm màu sắc vô cùng bắt mắt. Món xôi mặn hay ngọt đều rắc thêm hành phi vàng thơm lựng, béo ngậy.
Gói xôi bắp trong lá sen là một tổng hòa về màu sắc và hương vị. Màu trắng ngà của những hạt bắp đồ cùng gạo nếp dẻo quyện bung nở, rắc thêm đậu xanh hấp chín bở tơi cùng vài sợi dừa nạo trắng muốt, thêm chút muối đậu và cuối cùng là muỗng dầu phi hành lên trên cùng khiến gói xôi óng ánh dậy mùi thơm. Món xôi bắp bình dân bỗng trở nên hấp dẫn bội phần khi gói trong lá sen xanh.

Xôi lá sen. Ảnh: Hồng Ngọc
Xôi lá sen. Ảnh: Hoàng Ngọc
Xôi là món ăn quen thuộc, hợp khẩu vị với số đông. Một gói xôi nhỏ đáp ứng đầy đủ tiêu chí cho những người cần một bữa sáng nhanh gọn, giàu năng lượng để làm việc và hợp túi tiền. Là món ăn thân quen, chỉ khác ở một tấm lá gói khiến món ăn trở nên quen mà lạ. Người ăn thanh cảnh hay cần no bụng cũng cảm thấy kích thích khi cầm trên tay nắm xôi gói bằng lá thay cho các chất liệu công nghiệp.
Chị Lê Thị Linh-chủ quán Xôi lá sen-cho biết, từ lâu đã ấp ủ ý định sẽ mở một hàng xôi thật ngon và độc đáo, gây được ấn tượng cho khách hàng. Bên cạnh sưu tầm các công thức nấu xôi ngon của người Hà Nội, Huế, Sài Gòn thì điều khiến chị “đau đầu” nhất là tìm nguyên liệu gói xôi. 
Từng bó lá se được chủ quán đặt mua ở xứ sen Đồng Tháp về để gói xôi cho khách
Từng bó lá se được chủ quán đặt mua ở xứ sen Đồng Tháp về để gói xôi cho khách. Ảnh: Hoàng Ngọc
Chị chia sẻ: “Khi mở hàng ăn này, tôi dùng lá sen để gói. Sen là biểu tượng cho sự thanh cao, thuần khiết, cây đẹp không chỉ có hoa, dùng lá gói xôi là món ăn truyền thống trong ẩm thực của người Việt là sự kết hợp khá hài hòa. Tuy vậy, cái khó là sen chỉ có vào mùa hè. Ở Gia Lai có nhiều hồ sen rộng hàng chục héc ta có thể làm nguyên liệu dồi dào nhưng nếu hết mùa sen thì sẽ như thế nào. May mắn là tôi tìm được nguồn cung cấp từ tỉnh Đồng Tháp. Mỗi lá sen về tới tay chi phí khoảng 2.000 đồng nhưng bù lại, họ đảm bảo nguồn cung quanh năm. Ưu điểm của lá sen Đồng Tháp là đường kính nhỏ, vừa vặn cho một gói xôi. Hiện mỗi ngày chúng tôi dùng trên 200 lá để gói xôi cho khách”. 
Điều khiến chị Linh thấy vui nhất chính là nhận được phản hồi tích cực của khách hàng. Mọi người đều cảm thấy thích thú với món xôi gói bằng lá thay vì hộp xốp, hộp nhựa. “Dùng lá sen không chỉ khiến xôi nóng lâu, giữ  hương vị ngon hơn, mà còn tác động tới tình cảm của khách đối với món ăn. Đây cũng là vật liệu thân thiện với môi trường và bảo vệ sức khỏe khách hàng”-chị Linh cho hay.
HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

(GLO)- Pleiku đã khai thác và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa con người đã được vun đắp qua suốt chiều dài lịch sử. Đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; là khát vọng vươn lên vì bình yên, hạnh phúc của cá nhân, gia đình, cộng đồng và Tổ quốc…
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.
Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

(GLO)- Xót thương những mảnh đời bất hạnh, suốt 40 năm qua, bà Phạm Thị Hồng (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Được nuôi dạy chu đáo tại nhà số 57 Trần Nhật Duật, các cháu đều trìu mến gọi bà Hồng là mẹ nuôi.