Ngôi nhà ấm áp tình thương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh đã trở thành điểm tựa để trẻ em mồ côi tự tin vượt lên số phận. Đặc biệt, khi đã trưởng thành, các em lại quay về làm việc tại Trung tâm.
Đong đầy yêu thương
Chiều muộn, sau khi hướng dẫn các cụ già tập phục hồi chức năng, chị Rơ Châm Thuyên nhanh chân mang những phần cơm đến nơi ở của những người bị khuyết tật vận động. Dù hôm nay không phải là ngày trực, nhưng chị vẫn lên hỗ trợ mọi người chăm sóc các cụ. Mỗi việc làm của chị Thuyên đều tỉ mỉ, ân cần và đầy tình thương.  
Trò chuyện cùng tôi, Thuyên cho biết: Trung tâm đã bao bọc, che chở chị suốt 20 năm qua. Quê ở xã Ia Phí (huyện Chư Păh), bố mẹ mất khi Thuyên mới 7 tuổi, ông bà ngoại cũng nghèo khó chẳng thể nuôi nổi người cháu bé bỏng. Thấy hoàn cảnh khó khăn, cán bộ xã Ia Phí làm thủ tục đưa Thuyên lên Trung tâm nhờ nuôi dưỡng. Đó cũng là lần đầu tiên, Thuyên rời xa người thân và ngôi làng từng gắn bó. “Vào Trung tâm mấy tháng, mình vẫn không nguôi nỗi nhớ nhà, thường ngồi khóc một mình. May nhờ có các mẹ ở Trung tâm luôn động viên, an ủi nên mình dần dần quen với cuộc sống ở đây”-chị Thuyên tâm sự.
Việc học hành của chị Thuyên cũng nhận được sự giúp đỡ của các cô, các mẹ và bạn bè. Ở Trung tâm, có nhiều bạn cùng độ tuổi, mỗi bạn có một sở trường, môn học nổi bật nên có thể hỗ trợ nhau trong học tập. Dựa vào thành tích học tập, Trung tâm đều có định hướng, tư vấn để giúp em tìm được ngành nghề phù hợp. Nhờ sự chăm chỉ học hành, năm 2015, Thuyên đỗ chuyên ngành Điều dưỡng tại Trường Trung cấp Y Gia Lai (nay là Trường Cao đẳng Gia Lai).
Chị Rơ Châm Thuyên (bìa phải) chăm sóc các cụ già tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh. Ảnh T.B
Chị Rơ Châm Thuyên (bìa phải) chăm sóc các cụ già tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh. Ảnh: Thủy Bình
Một trường hợp khác là anh Rơ Châm Lực (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ). Mồ côi mẹ từ năm 8 tuổi, bố bị bệnh tâm thần nên Lực được đưa vào Trung tâm từ năm 2006. Cũng như bao đứa trẻ khác, những ngày đầu, Lực luôn buồn bã, nhớ nhà, không chịu ăn và khóc đòi về. Mọi người ở Trung tâm kiên trì động viên, tổ chức nhiều hoạt động vui chơi và kéo Lực vào tham gia. Sau nhiều tháng, Lực dần hòa đồng hơn, chịu đi học cùng các bạn và được đánh giá là có thành tích học tập khá.
Sau khi tốt nghiệp THPT, Lực học chuyên ngành Kỹ thuật chế biến món ăn ở Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai (nay là Trường Cao đẳng Gia Lai). Được tạo điều kiện ăn ở, học hành, Lực luôn biết ơn sự cưu mang, che chở của Trung tâm. Anh Lực tâm sự: “Nếu không sống ở Trung tâm, không có sự động viên, giúp đỡ của các cô, các mẹ thì chắc em không được trưởng thành như ngày hôm nay”.
Trở lại để giúp mọi người
Sau khi tốt nghiệp, Thuyên và Lực đều được tạo điều kiện quay trở lại Trung tâm để làm việc với mức lương hiện tại trên 3,5 triệu đồng/tháng.
Về làm điều dưỡng tại Trung tâm từ năm 2017, công việc của chị Thuyên là theo dõi, chăm sóc sức khỏe, giúp các cụ già phục hồi chức năng. Đã từng lớn lên ở đây nên chị Thuyên quen với môi trường sống, có mối quan hệ gắn bó với các cụ, các em. Tuy nhiên, do chưa từng làm nhiệm vụ chăm sóc nên chị cũng gặp những khó khăn nhất định, các cụ, các em mỗi người một bệnh, người cao tuổi tính nết thất thường, hay cáu gắt, la mắng các nhân viên. Chị Thuyên cố gắng gần gũi, thường xuyên tâm sự để hiểu biết nhu cầu, tâm lý của từng người để khắc phục khó khăn. Được Trung tâm bố trí sẵn chỗ ở nên chị đều có mặt để giúp đỡ các cụ. “Công việc nào cũng gặp khó khăn nếu mình không quyết tâm. Khi coi các cụ như người thân, chăm sóc bằng sự thương yêu thì sẽ thấy công việc nhẹ nhàng hơn”-chị Thuyên bộc bạch.
Anh Rơ Châm Lực và chị Rơ Châm Thuyên luôn gần gũi, động viên các em nhỏ ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh. Ảnh: Thủy Bình
Anh Rơ Châm Lực và chị Rơ Châm Thuyên luôn gần gũi, động viên các em nhỏ ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh. Ảnh: Thủy Bình
Với anh Lực, mọi người ở đây cũng như người thân, luôn đồng cảm sâu sắc và sẵn sàng sẻ chia. Năm 2020, sau khi tốt nghiệp, anh Lực quay về Trung tâm với vai trò đầu bếp. Anh Lực luôn cố gắng để mỗi bữa ăn đều đầy đủ chất dinh dưỡng, giúp mọi người thêm sức khỏe. Sau khi phát cơm xong, công việc hoàn thành, nhưng anh Lực lúc nào cũng nán lại, ghé vào phòng của các cụ bị khuyết tật để thăm hỏi, hỗ trợ. Anh tiếp tục ghé lại chỗ các em nhỏ để kiểm tra bài vở, động viên các em cố gắng học tập. “Vì đã có gia đình nên em không sống ở Trung tâm mà thuê trọ ở ngoài. Buổi tối, em phục vụ quán cà phê để kiếm thêm thu nhập. Được các mẹ ở Trung tâm cưu mang, lại được tạo công việc ổn định, em thấy cuộc đời mình thật may mắn”-Lực chia sẻ.
Chính sự tâm huyết, gần gũi mà anh chị Lực và Thuyên đều nhận được sự yêu thương của mọi người. Bà Nguyễn Thị Mai chia sẻ: “Khi chăm sóc các cụ già khó tính, bệnh tật, cháu Lực và Thuyên vẫn luôn vui vẻ, nhiệt tình. Hễ có thời gian rảnh, họ còn đến đọc báo, kể chuyện cho các cụ vơi bớt nỗi cô đơn”.
Bà Tạ Thị Anh Đào-Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh-cho biết: “Đã có nhiều người vào làm việc ở Trung tâm, nhưng sau đó, vì không thể chịu nổi áp lực nên xin nghỉ. Vì thế, việc ký hợp đồng làm việc với các em từng sống ở Trung tâm sau khi tốt nghiệp là rất phù hợp. Đặc biệt, với nhiều đối tượng đặc thù, các em luôn có sự đồng cảm, thấu hiểu và sẻ chia, coi mọi người như người nhà nên luôn tận tâm, trách nhiệm với công việc. Các em cũng là những tấm gương sáng để các trẻ tại Trung tâm học tập, noi theo”.
THỦY BÌNH

Có thể bạn quan tâm

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

(GLO)- Pleiku đã khai thác và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa con người đã được vun đắp qua suốt chiều dài lịch sử. Đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; là khát vọng vươn lên vì bình yên, hạnh phúc của cá nhân, gia đình, cộng đồng và Tổ quốc…
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.
Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

(GLO)- Xót thương những mảnh đời bất hạnh, suốt 40 năm qua, bà Phạm Thị Hồng (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Được nuôi dạy chu đáo tại nhà số 57 Trần Nhật Duật, các cháu đều trìu mến gọi bà Hồng là mẹ nuôi.