Gia Lai kiềm chế tai nạn giao thông trong thanh-thiếu niên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Công an tỉnh Gia Lai vừa triển khai đợt cao điểm ra quân tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) tại 4 huyện là “điểm nóng” về tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến thanh-thiếu niên.
Gia tăng TNGT liên quan thanh-thiếu niên 
Theo thống kê của Công an huyện Đak Đoa, 3 tháng đầu năm, trên địa bàn huyện xảy ra 12 vụ TNGT, làm chết 6 người, bị thương 13 người (tăng 2 vụ, 4 người chết, 2 người bị thương so với cùng kỳ năm 2020). Đáng chú ý, 7/12 vụ TNGT liên quan thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số (DTTS).
Tương tự, tại 4 huyện, thị xã phía Đông Nam tỉnh (Phú Thiện, Krông Pa, Ia Pa và Ayun Pa) đã xảy ra 13 vụ TNGT (giảm 3 vụ), làm 11 người chết (giảm 6 người chết), 9 người bị thương (tăng 3 người bị thương). Trong đó, có 10/13 vụ TNGT liên quan đến thanh-thiếu niên DTTS, làm chết 7 người, bị thương 6 người.
Riêng huyện Phú Thiện đã xảy ra 3 vụ TNGT, làm chết 4 người, bị thương 2 người (giảm 5 vụ, giảm 4 người chết, giảm 3 người bị thương). Tất cả các vụ TNGT xảy ra trên địa bàn huyện Phú Thiện đều liên quan thanh-thiếu niên DTTS và phần lớn dưới 18 tuổi, không có giấy phép lái xe. 
Diễu hành tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông trên quốc lộ 25-đoạn qua huyện Phú Thiện. Ảnh: Lê Hòa
Diễu hành tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông trên quốc lộ 25-đoạn qua huyện Phú Thiện. Ảnh: Lê Hòa
Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh-cho rằng: Đây là vấn đề nhức nhối kéo dài trong nhiều năm qua, nhưng vẫn chưa được kiềm chế hiệu quả. Việc bố trí lực lượng làm công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT chưa thực sự hợp lý. Ngoài ra, một số ngành, đoàn thể, chính quyền cơ sở chưa thực sự “kề vai sát cánh” cùng lực lượng Công an trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật và vận động gia đình thực hiện các biện pháp quản lý, giáo dục số thanh-thiếu niên thường xuyên có biểu hiện tụ tập gây mất trật tự công cộng, trật tự ATGT…
“Thực tế trên đặt ra vấn đề cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm hạn chế TNGT. Trách nhiệm này không chỉ riêng ngành Công an”-Thiếu tướng Rah Lan Lâm đề cập.
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Ngày 8-3-2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 281/KH-UBND về việc “Tổ chức cao điểm tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT đường bộ trong thanh-thiếu niên DTTS”. Thực hiện kế hoạch này, Công an tỉnh phối hợp với Công an 4 địa phương gồm: Phú Thiện, Đức Cơ, Đak Pơ và Đak Đoa tổ chức ra quân tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT năm 2021.
Mục tiêu chính của đợt cao điểm là tập trung đẩy mạnh việc tuyên truyền về pháp luật ATGT đến với đông đảo người dân, nhất là bà con vùng sâu, vùng xa, vùng có tình hình TNGT diễn biến phức tạp. Theo đó, mỗi huyện chọn 1 xã phức tạp về trật tự ATGT để tập trung lực lượng, biện pháp nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT cho người dân.
Thượng tá Lương Thị Thu Quỳnh-Trưởng phòng PC08 (Công an tỉnh) tặng mũ bảo hiểm cho người dân xã Ia Ke (huyện Phú Thiện). Ảnh Lê Hòa
Thượng tá Lương Thị Thu Quỳnh-Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) tặng mũ bảo hiểm cho người dân xã Ia Ke (huyện Phú Thiện). Ảnh: Lê Hòa

Quý I-2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 84 vụ TNGT, làm chết 64 người, 58 người bị thương (giảm 4 vụ, tăng 8 người chết, giảm 20 người bị thương so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó, TNGT liên quan đến đồng bào DTTS tăng 3 vụ, tăng 4 người chết.

Đại tá Lê Quang Trung-Trưởng Công an huyện Phú Thiện-cho biết: Xã Ia Ake được chọn làm điểm. Công an huyện giao lực lượng Cảnh sát Giao thông làm nòng cốt phối hợp với các lực lượng khác tăng cường tuần tra, kiểm soát các tuyến đường, nhất là khung giờ cao điểm nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong đó, tập trung vào các lỗi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT như: vi phạm quy định về nồng độ cồn, tốc độ; sử dụng phương tiện không đảm bảo điều kiện an toàn kỹ thuật; không có giấy phép lái xe…
“Riêng tại xã Ia Ake, Công an huyện thống kê có 19 thanh-thiếu niên thường có hành vi vi phạm quy định của Luật Giao thông Đường bộ, tụ tập, càn quấy, gây mất trật tự công cộng. Trên cơ sở đó đã tiến hành gọi hỏi, răn đe, yêu cầu ký cam kết không vi phạm. Đồng thời, giao Công an xã tiếp tục quản lý, tuyên truyền cá biệt đến các đối tượng và gia đình các cháu”-Đại tá Lê Quang Trung thông tin.
Nhấn mạnh việc thực hiện đợt cao điểm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT năm 2021, Thiếu tướng Rah Lan Lâm cho rằng: “Phải tuyên truyền đến tận các thôn, làng, tổ dân phố và phải linh động kết hợp đa dạng các hình thức: tuyên truyền cá biệt; phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong cộng đồng; tuyên truyền qua mạng xã hội (Zalo, Facebook…); thành lập các tổ công tác tuyên truyền về tận thôn, làng, tổ dân phố với hình thức sinh động.
Riêng với thanh-thiếu niên càn quấy thì phải có giải pháp vận động gia đình, dòng họ, thôn, làng, chính quyền địa phương nâng cao công tác quản lý, giáo dục; nếu vi phạm nhiều lần ngoài xử lý vi phạm hành chính có thể tổ chức giáo dục tại cộng đồng dân cư, thậm chí thông báo rộng rãi qua phương tiện truyền thông để răn đe, phòng ngừa. Song song với đó, công tác tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự ATGT phải được triển khai quyết liệt, hiệu quả”. 
LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

(GLO)- Pleiku đã khai thác và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa con người đã được vun đắp qua suốt chiều dài lịch sử. Đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; là khát vọng vươn lên vì bình yên, hạnh phúc của cá nhân, gia đình, cộng đồng và Tổ quốc…
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.
Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

(GLO)- Xót thương những mảnh đời bất hạnh, suốt 40 năm qua, bà Phạm Thị Hồng (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Được nuôi dạy chu đáo tại nhà số 57 Trần Nhật Duật, các cháu đều trìu mến gọi bà Hồng là mẹ nuôi.