Phú Thiện: Nhiều heo giống được cấp hỗ trợ ngã bệnh rồi chết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để hỗ trợ người dân tái đàn, UBND huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) giao Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện triển khai Dự án phát triển chăn nuôi heo theo hướng chăn nuôi sạch liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, sau khi người dân nhận heo về nuôi thì một số con bị bệnh chết.

Nhiều hộ có heo chết

Với số vốn 1,7 tỷ đồng, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện phối hợp với Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Khánh Dân triển khai Dự án. Giữa tháng 2-2021, 458 con heo giống (heo cái lai nuôi sinh sản và heo đen địa phương) với trọng lượng 8-10 kg/con đã được cấp cho 229 hộ dân của 9 xã.

Tuy nhiên sau đó, heo bị bệnh, bỏ ăn nhiều ngày rồi chết. Một số hộ đem heo được cấp nuôi chung với đàn heo của gia đình khiến bệnh lây lan, thiệt hại nặng nề.

Hiện 2 con heo được cấp cho bà Nguyễn Thị Lường (thôn Thanh Trang, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện) chỉ còn lại 1 con. Ảnh: Khánh Phong
Hiện 2 con heo được cấp cho bà Nguyễn Thị Lường (thôn Thanh Trang, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện) chỉ còn lại 1 con. Ảnh: Khánh Phong

Bà Nguyễn Thị Lường (thôn Thanh Trang, xã Ia Peng) được cấp 2 con heo giống về nuôi khoảng 15 ngày thì 1 con bị chết. “Heo ho nhiều, xù lông, bỏ ăn, không rõ nguyên nhân. Cán bộ thú y xã tiêm đủ loại thuốc nhưng 1 con không sống nổi, con còn lại cũng ngắc ngoải”-bà Lường nói.  

Ông Ngô Quang Hướng (cùng thôn) cũng nhận hỗ trợ 2 con heo giống kèm thêm thuốc kháng sinh và men tiêu hóa. Ông Hướng thả vào chuồng nuôi cùng với 5 con heo khác. Một thời gian sau, trong đàn xuất hiện 3 con heo bị bệnh.

“Tôi đã bỏ 250 ngàn đồng mua thuốc đặc trị để tiêm cho heo. Tuy nhiên, được 5-6 ngày thì da heo nổi hột. Sau đó, bệnh hen suyễn và bệnh đậu lan ra đàn heo làm 3 con chết. Mặc dù hành nghề thú y và có kinh nghiệm nuôi heo gần 30 năm nhưng tôi cũng không cứu được đàn heo”-ông Hướng cho hay.

Ông Ngô Quang Hướng (thôn Thanh Trang, xã Ia Peng) bên đàn heo của gia đình. Ảnh: Khánh Phong
Ông Ngô Quang Hướng (thôn Thanh Trang, xã Ia Peng) bên đàn heo của gia đình. Ảnh: Khánh Phong

Cơ quan chuyên môn nói gì?

Trước tình trạng heo hỗ trợ tái đàn bị bệnh chết, ông Nguyễn Thế Hiếu Tâm-cán bộ thú y xã Ia Peng-cho biết: “Toàn xã có 15 hộ dân được cấp heo giống (2 con heo/hộ). Khi các hộ nhận heo thì cũng được cấp thuốc kháng sinh và hướng dẫn sử dụng cho heo. Tuy nhiên, sau một thời gian thì heo ngã bệnh rồi chết, không hiểu nguyên nhân vì sao. Riêng gia đình tôi cũng được hỗ trợ 2 con heo giống. Sau khi nhận về phát hiện heo bị phát ban nổi đậu, tôi đã sử dụng thuốc anggin và dental kháng sinh để tiêm nhưng 1 con đã chết”.

Tại xã Chư A Thai, bà Trần Thị Minh Tánh-cán bộ thú y xã-cho hay: Xã có 62 hộ dân được hỗ trợ tái đàn heo với tổng cộng 124 con. Tuy nhiên, đã có 9 con heo bị chết. Cán bộ thú y đã xuống kiểm tra và hướng dẫn bà con mua thuốc về tiêm, nhưng có con sống con chết.

Đại diện đơn vị cấp heo giống, ông Phạm Văn Dân-Giám đốc Hợp tác xã Khánh Dân-khẳng định: Heo giống được cấp đảm bảo chất lượng khi đã được cách ly, tiêm chủng đầy đủ. Sau khi cấp, heo đều khỏe mạnh. Heo bị bệnh có thể do lây nhiễm từ đàn heo nhà trước đó. Nhiều hộ dân được cấp heo hỗ trợ ở gần nhau nên khả năng lây lan càng cao. “Đối với những trường hợp có heo chết, heo bị bệnh thì chúng tôi đã có kế hoạch thu về, cấp lại con khác cho người dân”-ông Dân nói.

Trao đổi với P.V, ông Bùi Trọng Thành-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện-cho biết: Trong đợt này, huyện cấp 458 con heo giống, nhiều nhất là 2 xã Chư A Thai và Ia Yeng (mỗi xã 62 hộ). Sau khi triển khai, chúng tôi đã tổ chức tập huấn hướng dẫn cho bà con về kỹ thuật chăm sóc. Trước khi bàn giao, số heo giống đều đã lấy mẫu xét nghiệm kiểm tra trong thời gian 21 ngày. Sau khi nhận heo về, người dân nếu thấy xảy ra vấn đề gì thì báo ngay cho địa phương để có sự phối hợp xử lý với điều kiện các hộ cam kết thực hiện: có chuồng trại, không nên nuôi nhốt chung với đàn heo nhà, giữ ấm, đảm bảo vệ sinh...

“Xã Ia Piar có 5 con heo bị chết thì Phòng đã cấp bổ sung cho người dân. Qua kiểm tra sơ bộ, chúng tôi cũng thấy một số hộ dân không thực hiện theo quy định chăn nuôi đã cam kết”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện thông tin.

KHÁNH PHONG

Có thể bạn quan tâm

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

(GLO)-

Những ngày này, người dân trên địa bàn làng Sơn và thôn Đức Hưng (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) đang quay quắt vì hạn, không chỉ thiếu nước sản xuất mà nước sinh hoạt cũng không còn. Trước những khó khăn ấy, Công ty TNHH một thành viên 72 đã huy động xe chở nước miễn phí cho người dân.

Mô hình gắn kết hộ: Thiết thực, nhân văn

Mô hình gắn kết hộ: Thiết thực, nhân văn

(GLO)- Năm 2006, Binh đoàn 15 bắt đầu triển khai thực hiện mô hình “gắn kết hộ” giữa hộ công nhân người Kinh và hộ công nhân người dân tộc thiểu số (DTTS). Đến nay, mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh trên địa bàn biên giới.
Giỗ Tổ trong tiết Thanh minh

Giỗ Tổ trong tiết Thanh minh

(GLO)- Dân gian Việt Nam từ xa xưa lưu truyền bài ca dao: “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba/Khắp miền truyền mãi câu ca/Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”.

Khởi sắc Bar Măih

Khởi sắc Bar Măih

(GLO)- Từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo xã Bar Măih (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) ngày càng khởi sắc.