Khi vật chất lên ngôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhìn những chiếc bánh kem được trang trí ngồn ngộn tiền, vàng thỏi, đô la, rượu ngoại… nằm chễm chệ trên các kệ bánh thời gian gần đây, người ta không khỏi giật mình. Dĩ nhiên, hiệu bánh rất thức thời khi bán món hàng đáp ứng nhu cầu của khách. Tuy nhiên, cảnh ấy khiến ta phải tự hỏi: Từ khi nào vật chất gần như được đưa lên vị trí tối thượng?

Dù hờ hững đến mấy cũng không thể không nhận thấy các kênh thông tin hiện nay nhan nhản kiểu quảng cáo cổ súy cho việc mua sắm, tiêu dùng của “Thượng đế”, từ thời trang, giày dép, túi xách đến mỹ phẩm, trang sức, xe cộ… Các siêu thị tăng cường khuyến mãi, khiến các bà nội trợ cứ lăn tăn, phân vân mãi trước những món hàng đang giảm giá ít nhiều rồi quyết định bỏ tiền ra mua dù… chưa cần đến.

Một số thanh niên nằng nặc đòi cha mẹ mua cho chiếc xe phân khối lớn để bằng bạn bằng bè dù gia cảnh không mấy khá giả. Nhiều phụ nữ đơn thân vẫn vô tư sập bẫy lừa của những gã đàn ông ngoại quốc làm quen qua mạng xã hội Facebook, mất một số tiền lớn để nhận thùng quà “ảo” từ nước ngoài gửi về. Quảng cáo cho vay không cần thế chấp dán nhan nhản trên các cột điện.

Đời sống như bị khuấy đảo bởi một xã hội tiêu dùng, thực dụng. Con người bị giục giã mua sắm và mua sắm nhiều hơn nữa. Người ta vứt đi những thứ hãy còn mới để mua thêm những hàng hóa khác mới hơn. Chính nhu cầu tiêu dùng quá mức đã gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường khi mà Trái Đất phải oằn mình hứng các loại rác thải vô tội vạ.

Những chiếc bánh trang trí tiền, vàng, đô la... được bày bán tại một số hiệu bánh ở TP. Pleiku. Ảnh: Lam Nguyên
Những chiếc bánh trang trí tiền, vàng, đô la... được bày bán tại một số hiệu bánh ở TP. Pleiku. Ảnh: Lam Nguyên

Đáng nói, từ sự quy đồng hạnh phúc với vật chất, vẻ hào nhoáng bề ngoài cũng lên ngôi. Người ta bị ám ảnh bởi sự sành điệu, sự cuốn hút hình thức. Trên báo mạng nhan nhản các loại tít như: “Dân mạng sôi sục với vẻ ngoài xinh đẹp của nữ sinh trường X”, “Bỏng mắt với vòng 1, vòng 2 của nữ diễn viên Y”, “Người mẫu Z đụng váy hàng hiệu với đồng nghiệp”… Và thực tế là những cái tin hết sức “câu view” này lại thu hút một lượng lớn lượt truy cập so với những thông tin khác đăng tải cùng thời điểm.

Theo các chuyên gia về kỹ năng sống, điều này gây ra sự ngộ nhận, nhầm lẫn, hoang mang giữa các giá trị. Giá trị vật chất lấn át giá trị tinh thần. Những cái nhất thời được tôn vinh thay cho những điều làm nên gốc rễ. Mới đây, đọc tin một cô bé 10 tuổi ở Trung Quốc tự vẫn vì không được cha mẹ mua cho đôi giày ưa thích mà không khỏi xót xa.

Trong tập sách “Quyền lực đích thực”, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nêu một thực trạng trong xã hội ngày nay: Mơ ước về quyền lực, về sự giàu sang thôi thúc con người kiếm tiền và kiếm tiền nhiều hơn nữa mà quên mất thời gian quý giá dành cho bản thân, gia đình.

“Muốn có quyền lực, muốn được danh tiếng hay giàu sang không phải là điều xấu. Nhưng phải nhớ rằng chúng ta theo đuổi quyền lực, danh tiếng hay tiền tài là để được hạnh phúc. Nếu giàu có và quyền lực mà không hạnh phúc thì giàu có và quyền thế để làm gì? Sống một cuộc sống sâu sắc và hạnh phúc, có thì giờ chăm sóc người thương là một thành công khác, một quyền lực khác, một thứ thành công và quyền lực quan trọng hơn nhiều.

Chỉ có một thành công đáng kể đó là thành công khi chuyển hóa tự thân, vượt thắng phiền não, sợ hãi và sân hận. Đây là thứ thành công, thứ quyền lực đem lợi cho chính ta và cho những người khác mà không gây ra một tác hại nào”-Thiền sư Thích Nhất Hạnh quán chiếu.

Chúng ta có thật sự hạnh phúc khi mua sắm nhiều hơn mức cần thiết? Giá trị, chỗ đứng của mỗi người trong lòng những người xung quanh có tỷ lệ thuận với số tài sản, vật chất đang sở hữu?

Rõ ràng, vật chất làm nên sự hài lòng với cuộc sống nhưng chưa hẳn khiến ta hạnh phúc. Hướng con người đến những giá trị tinh thần chính là sự cân bằng thiết yếu trong đời sống hiện tại. Có những cảm xúc ở lại rất lâu trong tâm trí chúng ta, như khi cùng người thân yêu dành ra chút thời gian tìm về với thiên nhiên, lắng nghe một tiếng chim, lắng nghe nhau, chăm sóc một khóm cây xanh, vẽ một bức tranh, giúp đỡ những người khó khăn, học hỏi mỗi ngày... Đó là những giá trị không dễ mua được bằng tiền bạc.

Nhìn ra xung quanh, có những người không hề sành điệu, áo quần túi xách giày dép chẳng lụa là hào nhoáng nhưng lại thương mến quá đỗi bởi sự chân thành, tinh thần hết mình trong công việc, lấp lánh của tri thức đằng sau vẻ ngoài rất mực giản dị.

Những ngày Tết vừa rồi, vào hiệu sách thấy các bạn nhỏ đang chọn mua những cuốn sách yêu thích, tôi chợt thấy vui vui lạ. Ngày gió, lên đồi gặp những em bé đang thả diều cũng thấy đời thật thảnh thơi. Chậm lại những bước chân, nghĩ đến câu của cổ nhân: “Tri túc hà thời túc” (biết đủ là đủ) càng thấy thật thấm ý.
 

LAM NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

(GLO)- Pleiku đã khai thác và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa con người đã được vun đắp qua suốt chiều dài lịch sử. Đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; là khát vọng vươn lên vì bình yên, hạnh phúc của cá nhân, gia đình, cộng đồng và Tổ quốc…
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.
Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

(GLO)- Xót thương những mảnh đời bất hạnh, suốt 40 năm qua, bà Phạm Thị Hồng (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Được nuôi dạy chu đáo tại nhà số 57 Trần Nhật Duật, các cháu đều trìu mến gọi bà Hồng là mẹ nuôi.