Văn hóa... đeo khẩu trang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kể từ ngày 16-3-2020, người dân thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại các nơi công cộng có tập trung đông người như: siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng... để phòng-chống dịch Covid-19.
Người dân thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng tập trung đông người. Ảnh: Thảo Nguyên
Người dân thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Ảnh: Thảo Nguyên
Để mọi người dân biết và chấp hành quy định trên, việc phổ biến, tuyên truyền, vận động, giáo dục là rất cần thiết. Trên các kênh truyền thông, chúng tôi được biết, đa số người dân đã chấp hành khi đi tới những nơi công cộng có tập trung đông người. Chủ các sự kiện, phương tiện, điểm dịch vụ... cũng đã tạo điều kiện cho người tham gia thực hiện đeo khẩu trang. Đó là những việc làm rất đáng khuyến khích, biểu dương, phát huy, nhân rộng.
Tuy vậy, theo quan sát của chúng tôi, nhiều nơi và không ít người chưa chấp hành việc bắt buộc đeo khẩu trang khi đến những nơi đông người. Trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói chung, TP. Pleiku nói riêng, nhiều người vẫn không đeo khẩu trang, nhất là người mua bán ở các chợ dân sinh, chợ tạm, công viên, quảng trường, các điểm bán hàng vỉa hè, đường phố... Trong những ngày Tết cổ truyền vừa qua, học sinh, sinh viên từ các nơi về Pleiku đón Tết, có điều kiện tụ tập, sinh hoạt tập thể... nhưng nhiều người trong số họ không chấp hành việc đeo khẩu trang.
Tuyên truyền, vận động, khuyến cáo... để mọi người biết, thực hiện các quy định là việc làm tích cực, rất cần thiết. Song chưa đủ, mà cần phải có chế tài điều chỉnh; trong đó, chính quyền cơ sở và ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, thanh tra, xử phạt là một trong những biện pháp buộc các đối tượng trong khuôn khổ điều chỉnh của các quy định phải chấp hành.
Về vấn đề này, chúng ta làm chưa nghiêm túc. Nhiều địa phương thực hiện chức trách quản lý nhà nước trên địa bàn chưa tốt, thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc do trình độ yếu kém, chủ quan, coi công tác phòng-chống dịch là của... cấp trên?
Vấn đề nữa, chúng tôi được biết, những người không đeo khẩu trang ở nơi công cộng bị phạt hành chính; nhưng khi đeo rồi vứt khẩu trang bừa bãi ra nơi công cộng cũng bị phạt. Theo báo cáo của UBND TP. Pleiku, tính đến 17 giờ ngày 23-2, các đơn vị chức năng của thành phố đã xử phạt 216 trường hợp không đeo khẩu trang tại nơi công cộng với số tiền 216 triệu đồng. Tuy nhiên, chưa thấy công bố có bao nhiêu trường hợp bị phạt về hành vi vứt khẩu trang sau khi đã sử dụng ra nơi công cộng?
Nâng cao ý thức của cộng đồng về chấp hành các quy định luật pháp nói chung và những quy định về phòng-chống dịch Covid-19 là một quá trình. Trong quá trình ấy, ngoài công tác tuyên truyền, giáo dục thì cần phải có biện pháp hành chính mạnh, chế tài xử phạt nghiêm nhằm điều chỉnh những hành vi của người dân theo khuôn khổ của pháp luật.
Thiết nghĩ, nếu coi hành động, mối quan hệ của cộng đồng và mọi cá nhân là văn hóa thì việc chấp hành các quy định của pháp luật nói chung và quy định về việc đeo khẩu trang nơi công cộng nhằm phòng-chống dịch Covid-19 là một việc làm có văn hóa-văn hóa đeo khẩu trang. Cán bộ, công chức, viên chức hãy là những nguời có văn hóa trong việc đeo khẩu trang phòng-chống dịch bệnh nơi công cộng.
Và, nếu có thể, cùng với những nội dung cần có trong quy ước, nội quy, quy chế của các cơ quan, trường học, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp, khu dân cư... thì việc đeo khẩu trang phòng-chống dịch ở nơi công cộng là một trong những nội dung cần nghiên cứu, bổ sung.
BÍCH HÀ

Có thể bạn quan tâm

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

(GLO)- Pleiku đã khai thác và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa con người đã được vun đắp qua suốt chiều dài lịch sử. Đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; là khát vọng vươn lên vì bình yên, hạnh phúc của cá nhân, gia đình, cộng đồng và Tổ quốc…
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.
Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

(GLO)- Xót thương những mảnh đời bất hạnh, suốt 40 năm qua, bà Phạm Thị Hồng (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Được nuôi dạy chu đáo tại nhà số 57 Trần Nhật Duật, các cháu đều trìu mến gọi bà Hồng là mẹ nuôi.