Mô hình "Thôn, làng phụ nữ kiểu mẫu" ở Gia Lai: Hiệu quả và lan tỏa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Có môi trường xanh-sạch-đẹp” là 1 trong 6 tiêu chí của mô hình “Thôn, làng phụ nữ kiểu mẫu” do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Gia Lai triển khai thực hiện trong thời gian qua. Nhờ thực hiện tốt tiêu chí này, cảnh quan môi trường ở các làng phụ nữ kiểu mẫu trở nên sạch sẽ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Đến làng Iắt (xã Ia Boòng, huyện Chư Prông), chúng tôi bắt gặp hình ảnh chị em phụ nữ đang làm cỏ, tưới nước cho con đường hoa và dọn vệ sinh để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Chị Rơ Lan Giang-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Iắt-cho biết: “Việc thu gom rác tại nơi công cộng đã trở thành việc làm thường xuyên từ khi làng triển khai mô hình làng phụ nữ kiểu mẫu gắn với xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số”.
Phụ nữ làng Iắt (xã Ia Boòng, huyện Chư Prông) dọn dẹp vệ sinh nơi công cộng chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Ảnh: Hồng Thương
Phụ nữ làng Iắt (xã Ia Boòng, huyện Chư Prông) dọn dẹp vệ sinh nơi công cộng chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Ảnh: Hồng Thương
Theo chị Giang, mô hình “Thôn, làng phụ nữ kiểu mẫu” có 6 tiêu chí, trong đó, tiêu chí “có môi trường xanh-sạch-đẹp” được ưu tiên vì dễ thực hiện. Hàng tháng, Chi hội tổ chức dọn vệ sinh các khu vực công cộng, đồng thời, vận động hội viên hỗ trợ nhau đào hố rác, di dời chuồng trại gia súc ra sau nhà. Ngoài ra, 60 hộ dân trong làng được Hội LHPN huyện hỗ trợ gần 200 cây ăn quả để cải tạo vườn tạp; Chi hội và Ban Nhân dân thôn hỗ trợ gỗ, ngày công cho 7 hộ nghèo xây dựng chuồng trại chăn nuôi.
Đến nay, 100% hộ chăn nuôi có chuồng trại xa nhà ở; gần 100% hộ có nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh. Làng hiện chỉ còn 4 hộ nghèo, tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm hẳn, an ninh trật tự được giữ vững.
Còn chị Siu Diêu thì bày tỏ: “Ngoài được tặng bò, cấp phân bón, hỗ trợ vay vốn làm nhà tắm và nhà tiêu hợp vệ sinh, gia đình tôi còn được hỗ trợ đào hố rác, hướng dẫn phân loại rác thải. Vì thế, gia đình cũng luôn sẵn sàng tham gia dọn vệ sinh, chăm sóc con đường hoa để giúp cho cảnh quan của làng sạch, đẹp. Đặc biệt, làng đang chuẩn bị tổ chức lễ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và đây là món quà lớn đối với người dân làng Iắt khi Tết Nguyên đán cận kề”.
Điều chúng tôi cảm nhận rõ khi tới thăm làng Tao Kó (xã Ia Rong, huyện Chư Pưh) là cảnh quan môi trường đã được sắp xếp, quét dọn sạch sẽ, ngăn nắp. Chủ tịch Hội LHPN xã Huỳnh Thị Thanh Nguyệt cho hay: Hội thường xuyên phối hợp với Chi hội Phụ nữ làng Tao Kó tuyên truyền, vận động hội viên chăm lo phát triển kinh tế, hạn chế sinh con thứ 3 và gìn giữ vệ sinh môi trường.
Ngoài 2 hộ được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ 6 triệu đồng xây nhà vệ sinh, Hội LHPN xã còn hỗ trợ 1 hộ dân 5 triệu đồng và giúp nhiều hộ vay vốn ưu đãi để xây dựng nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh, di dời chuồng trại ra xa nhà ở; đồng thời, phối hợp với Chi hội vận động hội viên tham gia mô hình “Vườn rau sạch và cây ăn quả” với 50 hộ tham gia.
Phụ nữ làng Tao Kó trồng và chăm sóc con đường hoa của làng
Phụ nữ làng Tao Kó (xã Ia Rong, huyện Chư Pưh) trồng và chăm sóc con đường hoa của làng. Ảnh: Hồng Thương
Nói về kết quả thực hiện mô hình, chị Nguyễn Thị Chi-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Tao Kó-chia sẻ: Đến nay, chúng tôi cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng làng phụ nữ kiểu mẫu. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng cao. Đặc biệt, làng chỉ còn 12 hộ nghèo; 100% hộ dân có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% hộ thực hiện tốt 3 tiêu chí: nhà sạch, bếp sạch, ngõ sạch; các cơ sở sản xuất kinh doanh đều chấp hành đầy đủ thủ tục về môi trường.
Trao đổi với P.V, bà Vũ Thị Bích Ngọc-Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh-cho biết: “Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 206 mô hình “Thôn, làng phụ nữ kiểu mẫu”. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình và chỉ đạo các cấp Hội phối hợp duy trì tốt các mô hình này nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ, đặc biệt là chăm lo phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường để cải thiện chất lượng cuộc sống”. 

6 tiêu chí trong xây dựng mô hình “Thôn, làng phụ nữ kiểu mẫu” gồm: không có hộ đói, giảm hộ nghèo, tăng hộ khá; không có hộ gia đình vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội và bạo lực gia đình; giảm số hộ vi phạm pháp lệnh dân số, tảo hôn và không có trẻ em suy dinh dưỡng, không có trẻ em bỏ học hoặc đến tuổi đi học mà ko được đến trường; có nhà sinh hoạt cộng đồng và duy trì các tổ chức hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao; có chi hội phụ nữ vững mạnh và có ít nhất 1 đảng viên nữ tại thôn/làng và có môi trường xanh-sạch-đẹp. 

HỒNG THƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

(GLO)- Pleiku đã khai thác và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa con người đã được vun đắp qua suốt chiều dài lịch sử. Đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; là khát vọng vươn lên vì bình yên, hạnh phúc của cá nhân, gia đình, cộng đồng và Tổ quốc…
 Đak Pơ trao mô hình sinh kế cho 2 phụ nữ nghèo

Đak Pơ trao mô hình sinh kế cho 2 phụ nữ nghèo

(GLO)- Chiều 22-3, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội LHPN xã Phú An và Câu lạc bộ tấm lòng vàng thị xã An Khê thực hiện phần việc “trách nhiệm với cộng đồng” và phát động cuộc thi “Phụ nữ Gia Lai khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.
Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

(GLO)- Xót thương những mảnh đời bất hạnh, suốt 40 năm qua, bà Phạm Thị Hồng (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Được nuôi dạy chu đáo tại nhà số 57 Trần Nhật Duật, các cháu đều trìu mến gọi bà Hồng là mẹ nuôi.