Vào rừng cắt đót mưu sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm nào cũng vậy, cứ cuối tháng 11 Âm lịch, nhiều người dân ở xã Hải Yang (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) lại sắp xếp hành trang vào rừng cắt đót mang về bán kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Hơn 6 giờ, vợ chồng anh Dưng (làng Kông Hiot, xã Hải Yang) cùng người dân trong làng bắt đầu hành trình lên rừng cắt đót. Những chiếc xe máy trườn lên từng con dốc, gần trưa mới đến được khu vực có cây đót. Đàn ông thì leo lên đỉnh núi để cắt, còn phụ nữ thì cắt những đám đót mọc ven hai bên đường.
Anh Dưng bộc bạch: “Mùa này, cả làng chia nhau từng tốp vào rừng để tìm đót. Thời điểm này, cây đót bắt đầu trổ bông nên giá bán được cao chứ hết tháng Giêng thì cây trổ bông rộ nên giá thấp. Trung bình mỗi ngày, một người cắt được từ 35 kg đến 40 kg đót. Nếu may mắn gặp được khu vực nhiều đót thì cắt hơn nửa tạ. Mới đầu mùa đót nên chúng tôi bán từ 5.500 đồng đến 6.000 đồng/kg. Mỗi ngày, vợ chồng tôi cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng".

Theo những người dân gắn bó nhiều năm với nghề này, tầm đầu tháng Chạp là cây đót bắt đầu trổ bông và kéo dài đến hết tháng Giêng năm sau. Dù chỉ khoảng 2 tháng nhưng loại cây này giúp bà con có được khoản thu nhập trong lúc nông nhàn.

Hơn 10 năm gắn bó với cây đót giúp cuộc sống của gia đình chị Đinh Thị Thai (thôn 4, xã Hải Yang) ổn định hơn. Vài năm đầu theo người dân trong làng đi cắt đót về bán, đến nay, chị đã trở thành người thu mua đót.

“Diện tích đót năm nay giảm nhiều do một số vùng người dân phá bỏ để trồng keo. Vì vậy, muốn tìm được nhiều đót, bà con phải đi sâu vào rừng, trèo lên những vách đá cheo leo. Giá đót đầu mùa dao động từ 5.000 đồng đến 6.000 đồng/kg. Chỉ có đót đầu mùa là đẹp, vừa đủ độ dẻo dai, dày lá bẹ, còn cuối mùa thì cây trổ bông rộ, rụng cám nhiều khiến cây mất ký”-chị Thai cho hay.

Anh Dưng (làng Kông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa) chuẩn bị chở đót về nhà. Ảnh: Hà Phương
Anh Dưng (làng Kông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa) chuẩn bị chở đót về nhà. Ảnh: Hà Phương
Trời nhá nhem tối nhưng thỉnh thoảng vẫn còn người đưa đót đến bán cho chị Thai. Lau vội những giọt mồ hôi trên khuôn mặt rám nắng, chị Đinh Thị Liên (thôn 4, xã Hải Yang) nhanh tay khiêng 5 bó đót đặt lên bàn cân. Gần 50 kg, giá thu mua là 5.700 đồng/kg, hôm nay chị kiếm được gần 300.000 đồng. Chị Liên tâm sự: “Cả thôn tôi cứ đến mùa là rủ nhau lên rừng cắt đót về bán kiếm tiền”.
Theo chia sẻ của những người mưu sinh từ công việc này thì họ cũng phải đối diện với không ít khó khăn, nguy hiểm. Bởi lẽ, đường lên rừng gập ghềnh, lởm chởm đá, di chuyển bằng xe máy thì vất vả, còn đi bộ thì lâu hơn, lại không tìm được nhiều đót. Trong khi đó, một số khu vực, đót chỉ mọc trên cao hoặc bên sườn đồi, muốn cắt được đót phải men theo sườn núi rất nguy hiểm.
HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

 Đak Pơ trao mô hình sinh kế cho 2 phụ nữ nghèo

Đak Pơ trao mô hình sinh kế cho 2 phụ nữ nghèo

(GLO)- Chiều 22-3, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội LHPN xã Phú An và Câu lạc bộ tấm lòng vàng thị xã An Khê thực hiện phần việc “trách nhiệm với cộng đồng” và phát động cuộc thi “Phụ nữ Gia Lai khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.
Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

(GLO)- Xót thương những mảnh đời bất hạnh, suốt 40 năm qua, bà Phạm Thị Hồng (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Được nuôi dạy chu đáo tại nhà số 57 Trần Nhật Duật, các cháu đều trìu mến gọi bà Hồng là mẹ nuôi.
“Nhân lên hạnh phúc cho mọi người”

“Nhân lên hạnh phúc cho mọi người”

(GLO)- Đó là chủ đề của Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20-3) năm nay. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai Nguyễn Văn Hạnh, mỗi người hãy tự làm cho mình sống hạnh phúc, cùng vun đắp cho gia đình hạnh phúc, xã hội hạnh phúc để có một đất nước hạnh phúc.