Thăng trầm nghề trồng rau ở vùng ven đô thị Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với diện tích hơn 15 ha, vùng chuyên canh rau ăn lá các loại đem lại nguồn thu nhập chính của gần 200 hộ nông dân thuộc tổ 3 và tổ 6 (phường Thống Nhất, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Câu chuyện bám đất, giữ nghề gần 30 năm qua ở làng trồng rau ven đô cũng lắm thăng trầm.
Một thời cây rau xà lách
Bên bình trà Thái nóng ấm thơm nồng giữa một sáng mùa đông hanh hao nắng, lão nông Phan Mạnh Đoàn (tổ 3, phường Thống Nhất) cho biết, ông thuộc lớp người khởi nghiệp nghề trồng rau theo hướng hàng hóa, chuyên canh ở vùng này. Gần 30 năm trước, đất mới đãi người mới, cây rau xà lách giúp nhà nông có thu nhập khá ổn định. Hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, chu kỳ sinh trưởng chừng 30 ngày, cứ thu hoạch xong lứa rau này là làm đất xuống giống lứa mới.
Liên hoàn độ 10 tháng/năm (trừ những tháng mưa dầm), mặt đất vườn chỉ tuyền mỗi cây rau xà lách. Mỗi chiều như mọi chiều, từng sọt tre cỡ lớn đầy ắp rau xà lách, xếp ngay ngắn theo lớp, đặt dọc các con hẻm vào vườn, chờ thương lái đến cân rồi bốc lên xe chở đi. Thế mà, 6 năm trở lại đây cây rau xà lách “dở chứng”, chẳng biết bởi vì đâu cứ qua 1/3 thời gian sinh trưởng là lụi dần. Thì cũng tìm lắm thầy, nhiều thuốc như nạo hốt lớp đất cũ, thay vào lớp đất mới, rồi phân gio, vôi trấu… mà tình hình không hề cải thiện. 
“Chúng tôi đã cắt cử người mang mẫu đất, mẫu cây kèm với đơn thưa trình nội dung sự việc trực tiếp đến Viện Nghiên cứu giống cây trồng Đà Lạt nhờ tìm nguyên nhân, chỉ bảo cách chữa trị nhưng chưa nhận được đáp lời thỏa đáng. Rồi thay vì chuyên canh, chúng tôi trồng xen canh các loại rau khác, dành mỗi năm 1-2 lứa rau xà lách. Theo cách ấy, có vườn thì có kết quả, có vườn lại không, tuy là các vườn liền kề nhau. Về sau, nhiều nhà vườn chẳng buồn trồng thăm dò, quên luôn cây xà lách”-ông Đoàn bộc bạch.
Gia đình ông Nguyễn Văn Huyền (tổ 3, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) thu hoạch cải thảo. Ảnh: Đ.P
Gia đình ông Nguyễn Văn Huyền (tổ 3, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) thu hoạch cải thảo. Ảnh: Đình Phê

Chuyện bám đất, giữ nghề

Khi chúng tôi đến thăm, ông Nguyễn Văn Huyền (cũng ở tổ 3) đang cùng vợ và 2 cô con gái thu hoạch cải thảo trên đám vườn rộng gần 2 sào, chia luống theo khu vực trồng cải thảo, hành ăn lá, mồng tơi, rau muống hạt. Dừng tay chốc lát, ông hồi nhớ: Nghề trồng rau nuôi sống cả gia đình ông, là nguồn thu duy nhất để 2 cô con gái lần lượt vào đại học, 1 cô đã ra trường có việc làm. Câu chuyện cây rau “thất bát” giá cả, nhiều loại sâu bệnh, chi phối bởi khí hậu thất thường, đến bị thương lái nắm tay “làm giá” là có thật. Nhưng suy cho cùng, lấy thu bù chi, lấy được giá bù mất giá thì bình quân thu nhập từ nghề cũng đủ ngày công lao động phổ thông. 

“Nghề trồng rau không quá nặng nhọc, cần sự cần mẫn. Chính đức cần cù-yêu cầu của nghề, cùng với việc biết phụ giúp cha mẹ từ khi còn bé vô hình trung hình thành nhân cách lớp trẻ. Thế hệ con cái chúng tôi độ tuổi từ mười tám, đôi mươi, cả lớp lớn hơn xấp xỉ tuổi 30 ở xóm này đều nhờ thu nhập từ cây rau nuôi lớn và được học hành, có nghề nghiệp ổn định. Bậc làm cha làm mẹ cũng chỉ mong con cái có vậy! Nên chúng tôi cố gắng bám và giữ lấy nghề trồng rau”-ông Huyền chia sẻ.
Theo lời giới thiệu của ông Đoàn Mạnh Linh-Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường, tôi tìm đến nhà ông Phạm Xuân Dinh (ở tổ 6). Ông thuộc lớp nông năng động, có vườn rau 3 sào, mùa nào thức nấy.
Sau câu chuyện về cây xà lách một thời thăng trầm, ông khẳng định: “Nhìn chung nghề trồng rau những năm gần đây cho thu nhập giảm hơn so với trước. Lý do, diện tích trồng được mở rộng thay cho diện tích trồng cây công nghiệp vốn “vang bóng một thời” như hồ tiêu, cà phê không chỉ trên địa bàn tỉnh. Tựu trung, bởi cung vượt cầu. Tuy thế, đất làm vườn ở đây vẫn giữ giá 700 triệu đồng/sào nhưng cũng rất ít người sang nhượng vì lý do bỏ nghề. Thì nhà nông bám đất, giữ nghề nên ở tổ 3 và tổ 6 vẫn duy trì hơn 15 ha rau xanh với hơn 200 hộ chuyên canh, mùa nào thức nấy”.
NGUYỄN ĐÌNH

Có thể bạn quan tâm

"Đặc sản" kiến vàng của người Jrai

"Đặc sản" kiến vàng của người Jrai

(GLO)-Kiến vàng là món ăn yêu thích và có từ lâu đời trong văn hóa ẩm thực của người Jrai sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Để tìm bắt loại sản vật này, người dân phải mất nhiều thời gian và phải chịu được cảm giác đau khi bị kiến đốt.
Bánh tráng: Món ăn dân dã

Bánh tráng: Món ăn dân dã

(GLO)- Ngày nay, hầu như nhà nào cũng có vài ràng bánh tráng gạo dự trữ trong nhà. Đó là món bánh tiện dụng, dễ dùng, chỉ cần nhúng qua nước sạch để một lát là có ngay một thức ăn nhanh, ngon. Bánh tráng ăn thay cơm hoặc nướng lên ăn cho vui khi lai rai vài chén cùng bạn bè.
Thí sinh Nguyễn Cẩm Nhung đạt giải nhất kỳ thi thứ 6 tìm hiểu 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Thí sinh Nguyễn Cẩm Nhung đạt giải nhất kỳ thi thứ 6 tìm hiểu 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

(GLO)- Ngày 15-4, Ban tổ chức Cuộc thi tìm hiểu “70 năm Chiến thắng Điện Biên phủ và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn” với chủ đề “Điện Biên Phủ và đường Hồ Chí Minh-Ý chí, trí tuệ Việt Nam” đã thông báo danh sách thí sinh đạt giải tại kỳ thi thứ 6.
Bàn giao 2 công trình giếng khoan và tặng quà cho người nghèo tại huyện Phú Thiện, Chư Sê

Bàn giao 2 công trình giếng khoan và tặng quà cho người nghèo tại huyện Phú Thiện, Chư Sê

(GLO)- Ngày 11-4, Ban Thường trực Giáo hội Phật giáo huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) cùng Nhóm Thiện nguyện tỉnh An Giang phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Phú Thiện, Chư Sê tổ chức khánh thành công trình giếng khoan cho các trường học và tặng quà cho người nghèo, học sinh khó khăn trên địa bàn.