Ly hôn tuổi xế chiều

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ly hôn trong giới trẻ không còn là điều xa lạ, nhưng đáng nói là những năm gần đây, nhiều cặp đôi tuổi ngoại ngũ tuần trở lên cũng quyết “đường ai nấy bước”. Ở cái tuổi xế chiều, họ vẫn đưa nhau ra tòa vì không thể hòa hợp sau thời gian dài chung sống.
Năm 2020, trong tổng số 950 vụ ly hôn mà Tòa án nhân dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thụ lý, có hơn 40 vụ ở độ tuổi từ 50 trở lên. Tuy chiếm tỷ lệ khá nhỏ nhưng đây vẫn là vấn đề xã hội đáng quan tâm.  
Thẩm phán Trần Thị Tố Uyên cho hay: Đa số các vụ ly hôn tuổi xế chiều xảy ra khi con cái đã trưởng thành. Vì vậy, tòa án không giải quyết chuyện con chung mà chỉ tập trung vào vấn đề hôn nhân và tranh chấp tài sản. Tuy nhiên, phần lớn các cặp vợ chồng này đều tự thỏa thuận trong việc phân chia tài sản.
“Phải đưa nhau ra tòa ở tuổi này là vạn bất đắc dĩ. Bản thân họ đều không mong muốn, phần nữa là ngại ngùng với gia đình, hàng xóm nhưng do không thể tiếp tục chung sống nên buộc phải ly hôn”-thẩm phán Trần Thị Tố Uyên nhìn nhận.
Tháng 8-2020, Tòa án nhân dân TP. Pleiku giải quyết ly hôn cho 1 cặp vợ chồng ở tuổi xế chiều. Người vợ trên 50 tuổi, chồng gần 60, cả 2 đều buôn bán tại nhà. Mâu thuẫn phát sinh khi người chồng không đặt niềm tin do thấy vợ giao tiếp vui vẻ với nhiều khách hàng. Cho rằng mình bị kiểm soát quá nhiều, người vợ đâm đơn ly dị. Sau nhiều lần hòa giải không thành, cả 2 đã “đường ai nấy bước”.
Tranh minh họa: Internet
Tranh minh họa: Internet
Thẩm phán Trần Thị Tố Uyên kể: Tòa đang cho 1 cặp đôi thời gian tìm phương án phù hợp để đoàn tụ. Nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2021 tới đây, khi gia đình, con cháu sum họp thì cơ hội hòa giải, đoàn tụ rất lớn. Nếu sau đó họ vẫn không tìm ra được tiếng nói chung thì tòa sẽ giải quyết theo yêu cầu.
Người vợ trong vụ việc này đã 60 tuổi, là nội trợ; còn người chồng trên 60 tuổi, là công chức vừa nghỉ hưu. Nguyên nhân họ muốn chia tay là do không tìm được tiếng nói chung, không hòa hợp nhưng sợ con cái buồn vì gia đình đổ vỡ nên phải tiếp tục chung sống. Giờ đây, khi các con đã phương trưởng, họ muốn giải thoát cho nhau.
Thẩm phán Vũ Thu Hương cũng kể lại 1 vụ ly hôn ở độ tuổi này khiến chị vô cùng ám ảnh. Theo hồ sơ, ông P.H.N. và bà N.T.B.T. (cùng SN 1964, trú thôn 4, xã Chư Á) về sống chung với nhau sau khi cả 2 đều trải qua cuộc hôn nhân không như mong muốn. Nhưng sau đó, không đồng tình khi thấy ông N. thường qua lại chăm sóc vợ cũ và con cái, bà T. quyết định nộp đơn ly hôn dù ông N. không đồng ý.
Trong quá trình tòa giải quyết, giữa đôi bên xảy ra tranh chấp về tài sản. Khi tòa mới tổ chức hòa giải được 10 ngày, ông N. và bà T. đều cho biết sẽ tự thỏa thuận với nhau thì xảy ra việc ông N. giết vợ bằng hàng chục nhát dao rồi tự vẫn. Vụ này, tòa phải đình chỉ giải quyết vào ngày 28-10-2019.
Nói về lý do các cặp vợ chồng lớn tuổi nộp đơn ly hôn, 2 thẩm phán trên nhận định: Mâu thuẫn thường xuất phát từ sự thiếu quan tâm, chăm sóc nhau; thiếu sự hòa hợp trong cách nghĩ, lối sống; một bên có người thứ 3 khi còn chung sống…
“Nhiều cặp vợ chồng là công chức, viên chức hoặc công tác trong lực lượng vũ trang vì muốn giữ thể diện cho nhau nên tiếp tục chung sống, đến khi nghỉ hưu là ly dị. Giải quyết những vụ này cũng không căng thẳng gì vì họ hiểu biết về pháp luật, đa số đều thỏa thuận tự phân chia tài sản”-thẩm phán Vũ Thu Hương cho biết. 
Theo 2 thẩm phán của Tòa án nhân dân TP. Pleiku, ly hôn tuổi xế chiều có mặt tích cực, đó là giúp đôi bên có được cuộc sống cá nhân thoải mái, toại nguyện sau khoảng thời gian phải gò ép vì sĩ diện, hy sinh vì gia đình, con cái. Song mặt tiêu cực là nó ảnh hưởng nhất định đến tâm lý xã hội, các thế hệ sau, khiến niềm tin vào hôn nhân và tình cảm gia đình bị lung lay, giảm sút. 
Có một trường hợp hòa giải thành khiến thẩm phán Trần Thị Tố Uyên vẫn nhớ khá lâu. Số là, năm 2016, cặp vợ chồng đều là công chức đã nghỉ hưu quyết định nộp đơn ly hôn. Mâu thuẫn khá đơn giản, phát sinh sau khoảng thời gian nghỉ hưu do tâm lý người vợ quá nhạy cảm, đòi hỏi sự quan tâm lớn từ phía chồng và những người xung quanh; trong khi đó người chồng có phần độc đoán, khó tính. Sau nhiều lần hòa giải, người chồng đã hiểu ra và rút đơn. Và đó là niềm vui hiếm hoi của những người làm nghề “cầm cân nảy mực” này. 
LAM NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

(GLO)-

Những ngày này, người dân trên địa bàn làng Sơn và thôn Đức Hưng (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) đang quay quắt vì hạn, không chỉ thiếu nước sản xuất mà nước sinh hoạt cũng không còn. Trước những khó khăn ấy, Công ty TNHH một thành viên 72 đã huy động xe chở nước miễn phí cho người dân.

Chiến trường xưa lưu dấu

Chiến trường xưa lưu dấu

(GLO)- Ngày 18-4, đoàn cựu chiến binh Ban Liên lạc truyền thông Đại đoàn Đồng Bằng (Sư đoàn 320, Quân đoàn 3) trong chuyến về thăm chiến trường xưa đã tổ chức dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Đức Cơ và Nhà bia chiến thắng Chư Bồ-Đức Cơ.
Giỗ Tổ trong tiết Thanh minh

Giỗ Tổ trong tiết Thanh minh

(GLO)- Dân gian Việt Nam từ xa xưa lưu truyền bài ca dao: “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba/Khắp miền truyền mãi câu ca/Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”.

Khởi sắc Bar Măih

Khởi sắc Bar Măih

(GLO)- Từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo xã Bar Măih (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) ngày càng khởi sắc.