Bỏ sổ hộ khẩu từ ngày 1-7 năm sau, kịp không?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Lãnh đạo Bộ Công an tái khẳng định quyết tâm đưa Luật cư trú (sửa đổi) thi hành ngay từ 1-7-2021, nếu được Quốc hội đồng ý, chấm dứt sự tồn tại của sổ hộ khẩu giấy, đồng thời cấp thẻ căn cước công dân cho toàn bộ người dân vào nửa đầu năm 2021.

Người dân làm thủ tục hành chính tại phường 4, Q.Tân Bình (TP.HCM) luôn phải kèm theo hộ khẩu và chứng minh nhân dân - Ảnh: TỰ TRUNG
Người dân làm thủ tục hành chính tại phường 4, Q.Tân Bình (TP.HCM) luôn phải kèm theo hộ khẩu và chứng minh nhân dân - Ảnh: TỰ TRUNG


Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến lo ngại rằng từ nay đến ngày 1-7-2021 khó bảo đảm điều kiện kỹ thuật cho kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú với các bộ, ngành, địa phương một cách đồng bộ.

Lo gấp quá, dân gặp khó

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, để phương thức quản lý cư trú mới theo quy định của dự thảo Luật cư trú (sửa đổi) có thể được thực hiện cần phải đáp ứng ít nhất hai điều kiện cơ bản.

Thứ nhất, phải hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú và cấp đầy đủ số định danh cá nhân cho mọi công dân.

Thứ hai, tất cả các cơ quan đăng ký cư trú theo quy định mới của luật (cơ quan công an từ cấp xã) phải được trang bị đủ máy móc, thiết bị, hạ tầng mạng và có cán bộ, chiến sĩ đủ năng lực để thực hiện việc cập nhật, quản lý, xử lý thông tin về cư trú trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú.

Trước quyết tâm cao của Bộ Công an trong việc triển khai các công việc có liên quan để đảm bảo điều kiện thi hành luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí thời điểm Luật cư trú (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2021, như đề xuất của Chính phủ.

Tuy nhiên, tổng hợp ý kiến các đại biểu Quốc hội, vẫn có hai nhóm ý kiến khác nhau, và tiếp tục được các đại biểu bày tỏ tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 4-9.

Nhóm ý kiến thứ nhất đề nghị cho phép người dân được tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp để chứng minh thông tin về nơi cư trú thay thế cho giấy tờ xác nhận về cư trú theo quy định của luật này khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự có yêu cầu thông tin về nơi cư trú cho đến hết ngày 31-12-2022.

Lý do của đề xuất này là lo ngại rằng thời gian từ nay đến 1-7-2021 khó bảo đảm điều kiện kỹ thuật cho kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú với các bộ, ngành, địa phương một cách đồng bộ.

Trong khi đó gần 30 loại thủ tục hành chính cấp bộ và hàng chục thủ tục hành chính địa phương vẫn liên quan đến giấy tờ về hộ khẩu, cư trú. Ví dụ như: đăng ký nhập học đối với học sinh phổ thông, đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu theo bảo hiểm y tế, đăng ký sử dụng các dịch vụ điện, nước, viễn thông...

Thành viên Ủy ban Pháp luật, đại biểu Phạm Văn Hòa nhận định: "Ngành công an có thể thu thập được thông tin cư dân nhưng các cơ quan, ban ngành khác với các dịch vụ từ bảo hiểm xã hội, y tế, hộ nghèo, khám sức khỏe, nghĩa vụ quân sự, đăng ký học hành... mà các ngành không áp dụng được, phải về địa phương xác nhận, đó cũng là một loại giấy phép con".

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung cũng băn khoăn về tính khả thi nếu luật có hiệu lực từ giữa năm sau.

Bà lấy ví dụ: năm học vừa qua chỉ riêng TP.HCM tăng thêm 55.000 học sinh, tuyển dụng mới gần 7.000 giáo viên, nếu trường hợp cơ sở dữ liệu về dân cư, cư trú chưa hoàn thiện, chưa kết nối được vào thời điểm 1-7-2021 thì sẽ thế nào, khi mà các thủ tục cần giấy xác nhận về hộ khẩu, về cư trú số lượng rất lớn.

Bà Dung lo rằng ngay cả khi Bộ Công an hoàn thiện cơ sở dữ liệu nhưng các bộ, ngành khác không sẵn sàng kết nối cũng sẽ gây khó cho dân.

Các đại biểu Phạm Văn Hòa, Trần Thị Dung thuộc nhóm ý kiến thứ hai là luật cần thời gian chuyển tiếp, cho phép người dân tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu giấy đến cuối năm 2022 để đề phòng những rắc rối do nguy cơ thiếu đồng bộ, kết nối yếu giữa các ngành, lĩnh vực có thể xảy ra.

 

 


Chính phủ cần cam kết trước Quốc hội là nếu chấm dứt hoàn toàn sự tồn tại của sổ hộ khẩu từ 1-7-2021, những thủ tục có liên quan đến công dân với loại giấy tờ này kể từ ngày đó sẽ thuộc trách nhiệm của các cơ quan nhà nước phải xác minh, chứng minh, không được đẩy phiền hà cho người dân.

Đại biểu PHẠM VĂN HÒA

Thủ tướng chỉ đạo: bộ, ngành phải kết nối
Thủ tướng chỉ đạo: bộ, ngành phải kết nối



Trước các băn khoăn nêu trên, Thứ trưởng Bộ Công an, thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc bảo lưu quan điểm của bộ và của Chính phủ là thống nhất thời điểm thi hành luật 1-7-2021, điều này cũng được Bộ trưởng Tô Lâm báo cáo tại phiên họp mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ông Ngọc khẳng định Bộ Công an đảm bảo kế hoạch thực hiện dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được Thủ tướng phê duyệt, sẽ đưa vào vận hành chính thức cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ ngày 1-7-2021, đáp ứng được yêu cầu quản lý cư trú đối với công dân.

Dự kiến đến tháng 12-2020 việc xác lập số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân Việt Nam sẽ hoàn thành. Thủ tướng đã phê duyệt dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. Ngay đầu năm 2021, đồng loạt 63 tỉnh, thành phố sẽ thực hiện cấp thẻ căn cước công dân.

Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, một trong những nội dung quan trọng của dự luật này là quy định cấm hành vi lạm dụng thông tin về nơi thường trú, nơi tạm trú để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Cùng với tiến trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng và hoàn thiện chính phủ điện tử, đề nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, sửa đổi các thủ tục hành chính theo hướng không yêu cầu công dân phải xuất trình giấy tờ xác nhận về cư trú, tạo thuận lợi tối đa cho người dân khi thực hiện các thủ tục, giao dịch.

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ sau khi tiếp nhận nội dung giải trình của Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, đại biểu Phạm Văn Hòa hoan nghênh quyết tâm cao và các công việc mà Bộ Công an đang triển khai.

Ông cho rằng nếu các bộ, ngành có liên quan cũng đang triển khai các điều kiện đảm bảo thi hành luật này như Bộ Công an khi đó chúng ta mới có thể yên tâm.

"Từ nay đến kỳ họp Quốc hội tháng 10, Chính phủ cần rà soát, có báo cáo tới các đại biểu Quốc hội về công việc các bộ, ngành có liên quan đang triển khai ra sao, để từ đó đại biểu đủ cơ sở thông qua dự án luật" - đại biểu Hòa nói.

Được biết, sau Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 4-9, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã yêu cầu thiết kế dự thảo luật theo hai phương án như đã nêu trên để trình Quốc hội quyết định.


Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc - thứ trưởng Bộ Công an

Về công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc cho biết: "Thủ tướng đã chỉ thị các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương xác định nhu cầu, mức độ khai thác thông tin dân cư trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành".


Theo LÊ KIÊN (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

(GLO)- Pleiku đã khai thác và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa con người đã được vun đắp qua suốt chiều dài lịch sử. Đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; là khát vọng vươn lên vì bình yên, hạnh phúc của cá nhân, gia đình, cộng đồng và Tổ quốc…
 Đak Pơ trao mô hình sinh kế cho 2 phụ nữ nghèo

Đak Pơ trao mô hình sinh kế cho 2 phụ nữ nghèo

(GLO)- Chiều 22-3, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội LHPN xã Phú An và Câu lạc bộ tấm lòng vàng thị xã An Khê thực hiện phần việc “trách nhiệm với cộng đồng” và phát động cuộc thi “Phụ nữ Gia Lai khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.
Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

(GLO)- Xót thương những mảnh đời bất hạnh, suốt 40 năm qua, bà Phạm Thị Hồng (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Được nuôi dạy chu đáo tại nhà số 57 Trần Nhật Duật, các cháu đều trìu mến gọi bà Hồng là mẹ nuôi.