Lương khởi điểm của giáo viên sẽ nâng lên đáng kể

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trước năm học mới, vấn đề thừa, thiếu giáo viên cũng như những dự kiến thay đổi về trình độ đào tạo, lương giáo viên... được ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT chia sẻ khá chi tiết.

 

Khoảng 1/4 giáo viên phải đào tạo lại

Luật Giáo dục mới được ban hành có nhiều thay đổi liên quan đến giáo viên (GV), trong đó có quy định về nâng chuẩn đào tạo với GV mầm non, tiểu học, THCS. Bộ có phương án xử lý thế nào với đội ngũ GV có trình độ đào tạo trung cấp, CĐ hiện nay?

Luật Giáo dục sửa đổi bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.7.2020. Tuy nhiên, ngành đã xúc tiến các công việc, xây dựng các nghị định, thông tư từ bây giờ. Đặc biệt vừa rồi có công văn từ Chính phủ, các văn bản liên quan về vấn đề giáo dục.

Có các chính sách thay đổi lớn đối với đội ngũ GV. Trước đây, bậc mầm non chuẩn trình độ đào tạo chỉ là trung cấp, giờ được nâng lên trình độ CĐ. GV tiểu học thì nâng chuẩn từ trung cấp lên ĐH. GV cấp THCS từ CĐ lên ĐH. Như vậy, tới đây, toàn bộ hệ thống GV phổ thông sẽ có chuẩn tối thiểu là trình độ ĐH, mầm non là CĐ.



 

Ông Hoàng Đức Minh - ẢNH: T.MAI
Ông Hoàng Đức Minh - ẢNH: T.MAI



Bộ đã có phương án bồi dưỡng, lộ trình đào tạo cho GV khi chưa đạt chuẩn để đáp ứng được yêu cầu công việc. Đây là bài toán lớn trong công tác của ngành, bởi GV vừa phải thực hiện công việc vừa phải thực hiện đào tạo lại. Đội ngũ GV hiện nay khoảng 1,3 triệu nhưng lực lượng cần phải đào tạo lại để nâng chuẩn từ mầm non, tiểu học và THCS là khoảng 400.000 - 500.000, một lượng tương đối lớn. Có những việc nâng chuẩn rất nặng, như tiểu học từ chuẩn trung cấp vọt lên thành ĐH - đó là một khoảng rất lớn. Bậc THCS, còn đến 40% đội ngũ chưa đạt trình độ ĐH. Nếu tính trung bình tất cả các cấp thì tổng khoảng 25% đội ngũ cần đào tạo lại. Dự kiến tháng 4.2020 sẽ có nghị định về thực hiện lộ trình đào tạo đáp ứng chuẩn đào tạo theo luật Giáo dục.

Tất cả các chuẩn nghề nghiệp GV, cán bộ quản lý được đưa vào luật và trở thành khung quy định với khung năng lực, phẩm chất. Trước đây, những chuẩn đó không được nói đến một cách tường minh trong các văn bản quy phạm mà chỉ là những mong đợi của ngành thích ứng với thực tiễn. Tới đây, các tiêu chuẩn của giám đốc sở, trưởng phòng giáo dục cũng đang được ngành xây dựng và công bố cùng các chương trình bồi dưỡng để hệ thống quản lý ở cấp phòng, sở cũng như cấp dưới đều có các chuẩn nghề nghiệp phù hợp yêu cầu luật Giáo dục mới và đáp ứng yêu cầu của ngành.

Sẽ khẳng định lại tiền lương, phụ cấp phù hợp với tính đặc thù của ngành và phù hợp với các yêu cầu, chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Đó cũng là một căn cứ để thiết kế bảng lương theo Nghị quyết 27.


 

 Với việc nâng chuẩn trình độ đào tạo theo luật Giáo dục sửa đổi thì lương giáo viên cũng sẽ tăng đáng kể - ẢNH: NGỌC THẮNG
Với việc nâng chuẩn trình độ đào tạo theo luật Giáo dục sửa đổi thì lương giáo viên cũng sẽ tăng đáng kể - ẢNH: NGỌC THẮNG



Lương sẽ tính theo vị trí việc làm

Dự kiến bảng lương mới của GV sẽ được tính như thế nào?

Bậc lương sẽ gắn với trình độ đào tạo và gắn với hệ thống thang bậc lương chung nhưng có phụ cấp ưu đãi nghề. Tinh thần là bảng lương của ngành giáo dục thì không theo bảng lương riêng so với các ngành nghề khác, nhưng định vị các bậc lương theo thực tiễn trình độ đào tạo đã được nâng lên theo chuẩn. Đây cũng là căn cứ để khởi đầu bậc lương cho GV bậc mầm non, tiểu học, THCS một cách logic và được nâng lên so với hiện nay.


 


Đảm bảo không để xảy ra tình trạng bất cập một cách cơ học: cứ tuổi cao là phụ cấp cao, khác biệt lớn so với giáo viên mới vào nghề như trước đây.




Tới đây, mức lương khởi điểm sẽ nhân với các hệ số, ví dụ quy ra bậc 1 là 6 triệu đồng, bậc 2 là 7 và bậc 3 là 8 triệu đồng… Như vậy, lương của GV, đặc biệt là mầm non, tiểu học và THCS sẽ được nâng lên, nhất là với những GV mới vào ngành.

Phụ cấp ưu đãi của các ngành là 30% thì ngành GD-ĐT đang xây dựng và cố gắng bảo vệ quan điểm mức phụ cấp ưu đãi sẽ được mức tối đa (là 30%). Hy vọng sẽ có được một hệ thống lương để thu nhập của GV cao hơn so với hiện nay và cũng giải quyết được những bất cập cho những GV mới vào ngành khi hệ số lương như hiện tại là quá thấp.

Tuy nhiên, dự kiến trong tổng cơ cấu 30% đó, không phải tất cả GV đều được 30% mà có những xê dịch, sẽ tính toán theo tính chất công việc của các cấp, các nhóm theo hạng chức danh. Hiện nay, chỉ có 3 hạng chức danh. Cơ cấu phụ cấp sẽ không bị giãn như trước đây là hoàn toàn chỉ theo độ tuổi (thâm niên) mà phân định theo mức độ phức tạp của các đối tượng trong cùng một cấp và của các cấp khác nhau. Đảm bảo không để xảy ra tình trạng bất cập một cách cơ học: cứ tuổi cao là phụ cấp cao, khác biệt lớn so với GV mới vào nghề như trước đây.

Trong hình dung và mong muốn của chúng tôi thì việc xây dựng bảng lương mới với ngành GD-ĐT sẽ đảm bảo được tính toán theo đặc thù cống hiến, trả lương theo đúng vị trí việc làm.

Tuyển thêm người chứ không bắt giáo viên làm thêm


Chương trình giáo dục phổ thông mới có những thay đổi liên quan trực tiếp tới công việc của GV. Ví dụ, cấp tiểu học đang dạy học 2 buổi/ngày không bắt buộc, tới đây bắt buộc nên khối lượng công việc của GV sẽ tăng lên. Vậy, lương GV có được tăng theo?

Với việc nâng chuẩn trình độ đào tạo theo luật Giáo dục sửa đổi thì lương GV cũng sẽ tăng đáng kể. Ví dụ, GV tiểu học khởi đầu trước đây chuẩn trình độ là trung cấp có hệ số lương cơ bản 1,86 thì nay lên thành 2,34. Như vậy, ngay hệ số cơ bản, nếu tính so với hiện nay thì đã gấp rưỡi.

Đó là theo luật Giáo dục sửa đổi, còn với việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới thì lại là việc khác. Ví dụ, việc dạy học 1 buổi hay 2 buổi/ngày sẽ được tính toán bắt đầu từ chương trình, sau đó tính toán ra khối lượng công việc và liên quan đến số lượng người làm việc. Nếu như trước đây 1 buổi/ngày thì số lượng GV/lớp ít, tới đây khối lượng công việc nhiều hơn thì số lượng GV trên một định mức đó sẽ phải nhiều hơn. Như vậy, bắt buộc dạy học 2 buổi/ngày thì phải tuyển thêm người và phải định mức lại GV/lớp học. Khi công việc tăng lên gấp rưỡi thì sẽ tuyển dụng thêm người và định mức lại chứ không phải GV sẽ phải làm tăng giờ. Trường hợp bất khả kháng, không đủ người, GV phải cáng đáng thêm việc thì có thể được trả thêm lương thừa giờ. Việc này thì sẽ theo quy định của trả lương thừa giờ chứ không phải là lương của GV được tăng.


 


Thiếu trên 45.000 giáo viên mầm non

Ông Hoàng Đức Minh cho biết đến thời điểm này số lượng GV ở bậc mầm non vẫn thiếu nhiều, trên 45.000 GV. Tuy nhiên, trong tổng thể để thực hiện việc hài hòa giữa các công việc, địa phương và vùng miền thì đến đầu năm nay cùng với việc bổ sung thêm 20.300 GV mầm non cho 14 tỉnh có tăng trưởng nóng và 5 tỉnh Tây nguyên thì cơ bản không còn tình trạng có học sinh mà không có GV đứng lớp, đảm bảo đúng được theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng ở đâu có học sinh là ở đó phải có GV. Tuy nhiên, với định mức hiện nay theo quy định thì vẫn chưa đủ.

Theo ông Hoàng Đức Minh, cách đây hơn 1 tuần, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã có công văn thể hiện toàn bộ bức tranh về thừa, thiếu nhu cầu GV gửi sang Bộ Nội vụ để có phương án tiếp tục đề xuất, bổ sung GV; đặc biệt là những vùng khó khăn, vùng có khu công nghiệp, tăng trưởng nóng và cả những “vùng trũng” khác. Khi có bức tranh rõ ràng về nhu cầu GV thừa, thiếu, Bộ trưởng GD-ĐT yêu cầu gắn địa phương với các cơ sở đào tạo GV để đặt hàng nhu cầu, giải quyết việc không để thừa GV, phí phạm nguồn nhân lực trong thời gian tới.

Tuệ Nguyễn (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

 Đak Pơ trao mô hình sinh kế cho 2 phụ nữ nghèo

Đak Pơ trao mô hình sinh kế cho 2 phụ nữ nghèo

(GLO)- Chiều 22-3, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội LHPN xã Phú An và Câu lạc bộ tấm lòng vàng thị xã An Khê thực hiện phần việc “trách nhiệm với cộng đồng” và phát động cuộc thi “Phụ nữ Gia Lai khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.
Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

(GLO)- Xót thương những mảnh đời bất hạnh, suốt 40 năm qua, bà Phạm Thị Hồng (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Được nuôi dạy chu đáo tại nhà số 57 Trần Nhật Duật, các cháu đều trìu mến gọi bà Hồng là mẹ nuôi.
“Nhân lên hạnh phúc cho mọi người”

“Nhân lên hạnh phúc cho mọi người”

(GLO)- Đó là chủ đề của Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20-3) năm nay. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai Nguyễn Văn Hạnh, mỗi người hãy tự làm cho mình sống hạnh phúc, cùng vun đắp cho gia đình hạnh phúc, xã hội hạnh phúc để có một đất nước hạnh phúc.