Tăng tuổi nghỉ hưu: Phải có lộ trình!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Người lao động trực tiếp - nhất là công nhân may, giáo viên mầm non... không hề muốn tăng tuổi nghỉ hưu như đề xuất trong dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi).



Ngày 15-5, tại Hà Nội và TP HCM đã diễn ra 2 hội thảo góp ý dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) do Tổng LĐLĐ Việt Nam và LĐLĐ TP HCM tổ chức. Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm, góp ý và bày tỏ bức xúc nhiều nhất là việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) mà dự thảo đề cập. Nhiều ý kiến cho rằng quy định nâng tuổi nghỉ hưu của cả lao động nam và nữ là không phù hợp với điều kiện thực tế.

Thiệt thòi thuộc về người lao động

Bà Phạm Hải Hà, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Công ty TNHH Linh kiện điện tử SEI Việt Nam (KCN Thăng Long, TP Hà Nội), cho biết để góp ý cho dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), công ty đã phát phiếu khảo sát ý kiến của 400 công nhân (CN), cả trực tiếp lẫn gián tiếp và cán bộ quản lý. Kết quả, chỉ có 2/400 ý kiến đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu từ 55 lên 60 đối với nữ; 5/400 ý kiến đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu với nam từ 60 lên 62.

Theo bà Hà, NLĐ không muốn tăng tuổi nghỉ hưu là do lo ngại không đủ sức khỏe để có thể đáp ứng được yêu cầu công việc. Họ cũng lo sợ chủ doanh nghiệp (DN) sẽ không nhận lao động lớn tuổi.

Là người trực tiếp sản xuất, bà Nguyễn Thị Thu Hiền (48 tuổi), CN may tại tỉnh Thái Nguyên, cho biết do đặc thù công việc nên mắt kém và mờ rất nhanh, càng lớn tuổi càng nhìn không rõ. "Nếu tăng tuổi nghỉ hưu và nghỉ hưu muộn, liệu chúng tôi có theo được hay không? Tôi cho rằng rất khó để đủ sức khỏe đáp ứng yêu cầu công việc. Do đó, không nên tăng tuổi nghỉ hưu với lao động trực tiếp. Cá nhân tôi không hề mong muốn" - bà bày tỏ.


 

 Việc tăng tuổi nghỉ hưu cần phải được tính toán thật kỹ nhằm giảm tác động tới các vấn đề xã hội Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Việc tăng tuổi nghỉ hưu cần phải được tính toán thật kỹ nhằm giảm tác động tới các vấn đề xã hội Ảnh: HOÀNG TRIỀU


Theo ông Nguyễn Hữu Trí - Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Bình Chánh, TP HCM - việc tăng tuổi nghỉ hưu trong giai đoạn này tạm thời không nên áp dụng. "Việc lấy tuổi thọ làm cơ sở để đánh giá tuổi hưu có xác đáng hay không? Thực tế, CN ngành gia công hầu như bỏ việc sớm, trước thời điểm hưởng hưu. Tôi khảo sát một số DN trên 1.000 lao động tại địa bàn để hỏi xem mỗi năm làm chế độ hưu cho bao nhiêu người thì số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay" - ông Trí dẫn chứng.

Ông Phạm Văn Hiền, CĐ các KCX-KCN TP HCM (Hepza), phân tích: Tại các KCN ở TP HCM, rất nhiều DN vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong một thời gian nhất định, sau đó rút vốn đầu tư. Nhiều CN ở các DN này đã ở ngưỡng 50 tuổi, rất khó xin việc để tiếp tục làm cho đến khi đủ tuổi hưu.

"Mất việc, họ phải bươn chải để kiếm sống. Khi cơ hội tìm việc hầu như bằng không, việc tăng tuổi nghỉ hưu dẫn đến khó khăn, thiệt thòi cho CN hiện nay và sắp tới. Theo tôi, nên giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu hiện tại. Nếu muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu thì phải phân loại theo từng ngành nghề cụ thể, đặc thù cũng như một cơ chế mở cho NLĐ lựa chọn" - ông Hiền đề xuất.

Phải có tầm nhìn dài hạn

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết quan điểm của Tổng LĐLĐ Việt Nam là đồng ý với quy định tuổi nghỉ hưu trong dự thảo nhưng phải quán triệt đầy đủ tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 về cải cách chính sách BHXH.

Theo đó, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình, giải quyết việc làm, thất nghiệp; không gây sốc, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động; bảo đảm số lượng và chất lượng cơ cấu dân số; bình đẳng giới, cân đối quỹ BHXH trong dài hạn, xu hướng già hóa dân số, tính chất loại hình lao động.

"Cần cân nhắc, xem xét tuổi nghỉ hưu với nhóm lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù. Đối với đối tượng này, có thể xem xét chưa tăng tuổi nghỉ hưu hoặc có lộ trình tăng chậm hơn hay có các chính sách hỗ trợ linh hoạt, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động" - ông Quảng nhìn nhận.

TS Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhấn mạnh điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là vấn đề rất "nóng". Theo kinh nghiệm của quốc tế thì hầu hết các quốc gia khi điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đều không nhận được sự đồng tình, ủng hộ của NLĐ. Do đó, ông Lợi đề nghị Chính phủ cần thận trọng, đánh giá rõ tác động tích cực và tiêu cực đối với thị trường lao động khi thực hiện lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu; phản ứng của các đối tượng bị tác động ở các ngành nghề, lĩnh vực, từ đó có phương án tối ưu khi xem xét điều chỉnh tuổi nghỉ hưu.

Ở góc độ chuyên gia, ông Đặng Quang Điều, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, cho biết chưa đồng thuận với việc tăng tuổi nghỉ hưu ở thời điểm hiện nay. Bởi lẽ, Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng và thời kỳ này sẽ kéo dài từ năm 2007 - 2047. Trong thời kỳ dân số vàng, số người trong độ tuổi lao động sẽ gấp đôi số người không trong độ tuổi lao động.

"Áp lực tìm việc làm rất lớn mà lại đặt vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu là chưa phù hợp. Trên quốc tế cũng không có nước nào nâng tuổi nghỉ hưu trong thời kỳ dân số vàng" - ông Điều khẳng định, đồng thời đề nghị chỉ nên nâng tuổi nghỉ hưu sau khi kết thúc thời kỳ cơ cấu dân số vàng.

Cũng theo ông Điều, việc nâng tuổi nghỉ hưu sẽ đi ngược lại chủ trương tinh giản biên chế hiện nay. "Trong khi chúng ta đang khuyến khích những cán bộ lớn tuổi về hưu sớm, về hưu trước tuổi, giờ chúng ta lại đặt vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, rõ ràng không thuận" - ông Điều băn khoăn.

 


Luật phải mang hơi thở cuộc sống

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết: "Pháp luật không phải là ý chí của những người ngồi ở phòng lạnh để làm chính sách, mà lâu nay chúng ta vẫn nói "chính sách trên trời, cuộc đời dưới đất". Chúng ta đã phải trả giá cho rất nhiều chính sách pháp luật không đi vào được đời sống".

Ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng luật này điều chỉnh quan hệ lao động, trong đó NLĐ là chủ thể quan trọng. Do đó, cần phải tiếp thu tối đa ý kiến xác đáng, mang hơi thở cuộc sống của NLĐ.



VĂN DUẨN - BẠCH ĐẰNG (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

(GLO)- Pleiku đã khai thác và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa con người đã được vun đắp qua suốt chiều dài lịch sử. Đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; là khát vọng vươn lên vì bình yên, hạnh phúc của cá nhân, gia đình, cộng đồng và Tổ quốc…
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.
Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

(GLO)- Xót thương những mảnh đời bất hạnh, suốt 40 năm qua, bà Phạm Thị Hồng (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Được nuôi dạy chu đáo tại nhà số 57 Trần Nhật Duật, các cháu đều trìu mến gọi bà Hồng là mẹ nuôi.