Sao cứ thản nhiên ném đá vào tương lai?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi đánh giá một công nghệ, một phương pháp, xem nó là hữu ích hay vô bổ, thành công hay thất bại, nên nhìn vào đâu, nếu không nhìn vào sản phẩm mà nó tác động?
Trong vòng hơn một tháng qua, có cả trăm bài báo bàn cãi, bình luận xung quanh công nghệ giáo dục và Giáo sư Hồ Ngọc Đại. Trên mạng xã hội, số lượt người tham gia bàn luận câu chuyện này khó mà tính đếm. Có người đặt câu hỏi, trong số đó có bao nhiêu phần trăm bàn luận, tranh biện một cách nghiêm túc, thẳng thắn, thấu đáo những vấn đề khoa học và thực tiễn liên quan đến công nghệ này? Có bao nhiêu phần trăm thuộc sản phẩm truyền thông của nhóm lợi ích tung hỏa mù nhiễu loạn thông tin? Có bao nhiêu phần trăm thuộc hội chứng đám đông?
Công nghệ giáo dục mà Giáo sư Hồ Ngọc Đại chủ trương mấy chục năm qua, theo cách hiểu của tôi, phải chăng chính là một phương pháp, một cách thức tiếp cận giáo dục mà ở đó học sinh là trung tâm? Sản phẩm giáo dục mà công nghệ hướng tới chính là con người, con người-cá nhân-khác biệt, “không giống ai”, “chính là nó”. Chí ít, quá trình giáo dục theo phương pháp Hồ Ngọc Đại đã và sẽ tạo ra một lớp học sinh ham đến trường học vì “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”; học không phải để làm quan, không chăm chăm bám vào hệ thống cơ quan nhà nước để tồn tại, mà học để làm người, nên người, “mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười" (Nguyễn Du), “thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà bay” (Tố Hữu). Đây chính là khát vọng của đất nước này, dân tộc này: “Bốn nghìn năm ta lại là ta” (Tố Hữu). “Ta lại là ta” với đầy giá trị khác biệt, tự tin, bản lĩnh, chứ ta không là tây, là tàu, là thứ nửa tây nửa tàu, là “nhờ nhờ nước hến”.
Theo quan sát của tôi, khác với tuyên ngôn “đánh đổ nền giáo dục hiện tại”, công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại tồn tại mấy chục năm qua không hề phủ nhận, triệt tiêu phương pháp giáo dục cũ. Nó song hành cùng những phương pháp, cách thức giáo dục truyền thống khác. Nếu có xung đột, thì đó là xung đột tích cực, khiến cái mới phải điều chỉnh cho phù hợp; cái cũ, cái truyền thống phải thay đổi để bắt kịp những đổi thay của xã hội.
GS Hồ Ngọc Đại. Ảnh: Lê Anh Dũng
Những ai từng tiếp xúc với Giáo sư Hồ Ngọc Đại hầu hết đều có cảm nhận tích cực về nhà khoa học này. Ông là nhà khoa học có tư tưởng, có triết thuyết, hay “nói ngược”, “làm ngược”, khác người, tự tin đến ngạo nghễ. Tư tưởng giáo dục của nhà khoa học một đời đeo đuổi vì sự nghiệp trồng người theo cách thức khác biệt không chỉ tác động, thay đổi tư duy (và cả tư tưởng) hàng ngàn học trò trực tiếp thụ hưởng công nghệ giáo dục này, mà còn tác động, lan tỏa đến các đối tượng ngoài mái trường thực nghiệm, ở các cấp học, và không chỉ là học trò, không chỉ ở môi trường nhà trường.
Khi đánh giá một công nghệ, một phương pháp, xem nó là hữu ích hay vô bổ, thành công hay thất bại, nên nhìn vào đâu, nếu không nhìn vào sản phẩm mà nó tác động? Vậy thì sản phẩm của công nghệ giáo dục mang dấu ấn Hồ Ngọc Đại chính là lớp lớp học trò, sau khi ra khỏi ngôi trường thực nghiệm có trở nên èo uột, hư hỏng, hay ngược lại, phát triển tự nhiên, hài hòa, tự tin đứng trên đôi chân của mình? Cái cách đánh vần theo hình tròn, hình vuông hay tam giác có mang lại kết quả cuối cùng là học sinh sớm đọc thông viết thạo hay ngu ngơ, rờ rậm trước mỗi con chữ? Một đối tượng giáo dục có thể có nhiều phương pháp tiếp cận. Phương pháp nào sớm mang lại kết quả bền vững, thì đấy là phương pháp hiệu quả.
Xã hội chúng ta đang mong muốn lớp lớp học sinh-thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước phát triển một cách tự nhiên, trở thành con người tử tế, không lệ thuộc vào những áp đặt, định kiến của người lớn. Hơn lúc nào hết, chúng ta kỳ vọng thế hệ trẻ- chủ nhân tương lai, sẽ làm chủ cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, mỗi cá nhân tự tin đóng góp trí tuệ xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường với những giá trị sáng tạo, khác biệt, sớm đưa dân tộc mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Tư tưởng công nghệ giáo dục Hồ Ngọc Đại đeo đuổi không hề xa vời, viển vông, khi cứu cánh của nó chính là con người mang sứ mệnh giải đáp câu hỏi lớn: Anh là ai? Chúng ta là ai?
Vậy mà chúng ta thản nhiên ném đá vào nó?
Trong câu chuyện liên quan đến công nghệ giáo dục và Giáo sư Hồ Ngọc Đại, nếu như có điều gì đáng trách, thậm chí đáng phê phán, chính là cách quản lý rất không công nghệ của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Không thể hiểu nổi, một đề tài với một mô hình thực nghiệm công nghệ giáo dục tác động trực tiếp đến nền giáo dục nước nhà, nhưng kéo dài nhiều chục năm mà không được tổng kết, đánh giá và kết luận một cách công khai, đĩnh đạc, rành rọt. Đó là trình độ, năng lực hay bản bản lĩnh?
Cái đáng phê phán nữa là cái cách ném đá rất công nghệ, bài bản, lớp lang do một nhóm người nào đó chủ trương, và biến thành hội chứng đám đông, đến độ người ta nhìn vị giáo sư - cha đẻ của công nghệ giáo dục, như một tội đồ. Trong “chiến dịch ném đá” này, người ta thấy thấp thoáng nhóm lợi ích tranh dành thị phần trong hoạt động giáo dục, khi họ lái câu chuyện đi quá xa, ra ngoài lề khoa học công nghệ.
Uông Ngọc Dậu

Có thể bạn quan tâm

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

(GLO)- Pleiku đã khai thác và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa con người đã được vun đắp qua suốt chiều dài lịch sử. Đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; là khát vọng vươn lên vì bình yên, hạnh phúc của cá nhân, gia đình, cộng đồng và Tổ quốc…
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.
Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

(GLO)- Xót thương những mảnh đời bất hạnh, suốt 40 năm qua, bà Phạm Thị Hồng (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Được nuôi dạy chu đáo tại nhà số 57 Trần Nhật Duật, các cháu đều trìu mến gọi bà Hồng là mẹ nuôi.