Phải cắt hàng loạt điều kiện kinh doanh giáo dục

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất bãi bỏ hàng loạt điều kiện kinh doanh như thành lập trường phải phù hợp quy hoạch, “đủ nguồn lực tài chính”, hay “đủ đồ dùng cá nhân cho mỗi trẻ em”, “thuận lợi cho trẻ em đến trường”…

Theo phương án của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều điều kiện kinh doanh (ĐKKD) trong hai Nghị định Nghị định số 73/2012/NĐ-CP và Nghị định số 46/2017/NĐ-CP sẽ được cắt giảm, đơn giản hóa.

Theo đó, tổng số ĐKKD hiện là 212, Bộ đề nghị bãi bỏ 81 điều kiện, đơn giản hóa 29 điều kiện. Như vậy, tổng số ĐKKD đề nghị cắt giảm, đơn giản hóa là 110 (chiếm 51,9%).

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bỏ nhiều điều kiện chung chung, không hợp lý

Cụ thể, với Nghị định số 46/2017/NĐ-CP, Bộ đề xuất cắt giảm 72 ĐKKD, đơn giản hóa 22 ĐKKD. Trong đó, bãi bỏ các điều kiện về đề án thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ, tiểu học, THCS, THPT, trung tâm ngoại ngữ, tin học "phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương". Vì theo Luật Quy hoạch năm 2017 thì không còn quy hoạch mạng lưới cơ sở này.

Đồng thời, Bộ đề nghị bỏ điều kiện hoạt động là “có quyết định về việc thành lập hoặc cho phép thành lập trường”. “Việc có quyết định thành lập hay không cơ quan cho phép hoạt động phải biết”, Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải.

Đồng thời bỏ quy định các trường phải có “có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu” vì không cần thiết, chỉ cần đạt tiêu chuẩn và bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục là đủ.

Bộ đề nghị bỏ điều kiện “có đủ nguồn lực tài chính theo quy định để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động giáo dục”  vì quy định chung chung, hình thức, không có tiêu chí xác định rõ.

Riêng với giáo dục mầm non, Bộ đề nghị bỏ quy định “Đề án thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến xây dựng trường; tổ chức bộ máy, nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển”. Lý do là  nội dung đề án đã được quy định rất cụ thể trong thành phần hồ sơ thành lập.

Đồng thời bỏ điều kiện “được đặt tại khu dân cư phù hợp quy hoạch chung, thuận lợi cho trẻ em đến trường” vì khó để xác định trên thực tế; ngoài ra, nên để nhà đầu tư được lựa chọn địa điểm xây dựng trường phù hợp với điều kiện và nhu cầu của mình.

Đề nghị bỏ điều kiện “Có quy chế tổ chức và hoạt động của trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ” vì không cần thiết, quy định này mang tính hình thức và không có quy định cụ thể về nội dung quy chế.

Riêng với đều kiện thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, hiện nay phải đáp ứng điều kiện “đáp ứng nhu cầu gửi trẻ em của các gia đình”. Bộ đề nghị bỏ quy định này vì không cần thiết, khó xác định.

Đề nghị bỏ điều kiện “đủ đồ dùng cá nhân cho mỗi trẻ em” vì không cần thiết, nhà trường không có trách nhiệm phải trang bị đồ dùng cá nhân cho trẻ em.

Tuy nhiên, Bộ vẫn giữ lại điều kiện “trang thiết bị đối với một nhóm trẻ độc lập gồm có chiếu hoặc thảm cho trẻ em ngồi chơi, giường nằm, chăn, gối, màn cho trẻ em ngủ, dụng cụ đựng nước uống, giá để đồ chơi, giá để khăn và ca, cốc cho trẻ em, có đủ bô đi vệ sinh cho trẻ em dùng và một ghế cho giáo viên”.

Với điều kiện để trường trung học hoạt động, bỏ quy định “có chương trình giáo dục và tài liệu giảng dạy, học tập theo quy định phù hợp với mỗi cấp học”. Lý do là vì không cần thiết, nhà trường bắt buộc phải thực hiện theo chương trình do Bộ ban hành.

Với trung tâm tin học, ngoại ngữ, Bộ bỏ điều kiện “số lượng giáo viên phải bảo đảm tỷ lệ trung bình không quá 25 học viên/1 giáo viên/ca học”, và có “phòng làm việc cho bộ máy hành chính theo cơ cấu tổ chức của trung tâm để phục vụ công tác quản lý, đào tạo”, “có thư viện, cơ sở thí nghiệm, thực tập, thực hành và các cơ sở vật chất khác đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo và hoạt động khoa học công nghệ”. Theo Bộ, nên để nhà đầu tư có quyền chủ động trong việc quyết định quy mô, tính chất đầu tư trên những quy định tối thiểu.

Về điều kiện để trường đại học hoạt động đào tạo, Bộ bỏ điều kiện “đất đai”, “cơ sở vật chất, thiết bị”, địa điểm xây dựng trường vì đã được quy định trong điều kiện thành lập trường. Đồng thời, đề nghị bỏ điều kiện đội ngũ giảng viên cơ hữu và cán bộ quản lý đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, “đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu” vì không cần thiết.

Bỏ quy định đầu tư ít nhất 150 triệu đồng/sinh viên

Với Nghị định số 73/2012/NĐ-CP về cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài, Bộ đề nghị bỏ quy định dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục đại học phải có suất đầu tư ít nhất là 150 triệu đồng/sinh viên.

Đồng thời, bỏ quy định “cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động từ hai mươi năm trở lên tại Việt Nam phải có kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất của cơ sở giáo dục và phải được UBND cấp tỉnh đồng ý về việc giao đất hoặc cho thuê đất để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất”.

Cùng với đó, không quy định điều kiện về 5 năm kinh nghiệm đối với giáo viên là người nước ngoài giảng dạy tại cơ sở đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn, cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.

Bộ cũng đề xuất không quy định điều kiện cấp giấy chứng nhận đầu tư riêng đối với từng loại hình cơ sở giáo dục; không quy định điều kiện cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án đầu tư mở phân hiệu của cơ sở giáo dục…

Bộ nêu rõ, căn cứ phương án đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, các đơn vị thuộc Bộ tổ chức triển khai soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật hoặc nghiên cứu, kiến nghị, trình cấp có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật theo đúng quy trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Trong quá trình soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, các đơn vị cần tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của cá nhân, tổ chức có liên quan để đảm bảo việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định về điều kiện đâu tư kinh doanh không làm phát sinh thêm các điều kiện khác.

Hà Chính/chinhphu.vn

Có thể bạn quan tâm

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

(GLO)- Pleiku đã khai thác và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa con người đã được vun đắp qua suốt chiều dài lịch sử. Đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; là khát vọng vươn lên vì bình yên, hạnh phúc của cá nhân, gia đình, cộng đồng và Tổ quốc…
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.
Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

(GLO)- Xót thương những mảnh đời bất hạnh, suốt 40 năm qua, bà Phạm Thị Hồng (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Được nuôi dạy chu đáo tại nhà số 57 Trần Nhật Duật, các cháu đều trìu mến gọi bà Hồng là mẹ nuôi.