Xót xa những phận đời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ai cũng đều mong muốn một cuộc sống bình yên, hạnh phúc bên những người thân yêu. Nhưng ước mơ rất đỗi bình thường ấy lại quá xa vời với nhiều người, trong đó có những mảnh đời bất hạnh ở làng Tai Glai (xã Ia Ko, huyện Chư Sê, Gia Lai).
Những gia cảnh bất hạnh
Nằm trong con ngõ nhỏ, căn nhà cấp 4 với những viên ngói xộc xệch, những mảng tường bong tróc ẩm mốc theo thời gian là nơi sinh sống của gia đình ông bà Hoàng Viết Thắng-Hoàng Thị Lịch (dân tộc Tày). Hai vợ chồng quê ở Cao Bằng, năm 1999 do cuộc sống khó khăn nên họ rời quê hương vào Đak Lak mưu sinh. Nhưng cảnh nghèo không có đất sản xuất, năm 2003, cả 2 lại dắt díu nhau cùng 4 con thơ về vùng đất Ia Ko nhận khoán 1 ha cà phê của Công ty TNHH một thành viên Cà phê Việt Đức làm kế sinh nhai. Những tưởng cuộc sống bớt khổ, nhưng không may đứa con gái đầu lòng là Hoàng Thị Chà càng lớn càng có biểu hiện mắc bệnh tâm thần, cả ngày không nói nhưng khi bức xúc là la hét, đập phá đồ đạc trong nhà. Vợ chồng bà Lịch đưa con đi khám và bác sĩ kết luận cháu bị tâm thần phân liệt, để chữa trị không chỉ tốn kém tiền bạc mà còn cần rất nhiều thời gian.
“Gia cảnh nghèo khó nên chúng tôi không có điều kiện đưa cháu đi chữa trị thêm. Giờ thì cả ngày cháu ngồi thu lu trong góc nhà, không nói không rằng, tới giờ cơm mẹ phải dắt tay đến bàn ăn. Năm nay 20 tuổi tròn mà cháu chưa bao giờ gọi được tên bố, tên mẹ. Nếu không bị bệnh có khi giờ cháu đã lập gia đình cũng nên”-bà Lịch chua xót kể. Cuộc sống gia đình bà Lịch hiện rất khó khăn, thu nhập chỉ dựa vào 1 ha cà phê nhận khoán, thời gian còn lại thì đi làm thuê làm mướn kiếm sống qua ngày. Mấy năm nay cà phê khi mất mùa, lúc mất giá khiến cảnh nhà càng thêm lao đao.
     Bà Hoàng Thị Lịch bên con gái Hoàng Thị Chà. Ảnh: Đ.Y
Bà Hoàng Thị Lịch bên con gái Hoàng Thị Chà. Ảnh: Đ.Y
Cùng làng, cùng cảnh có người thân bị bệnh tâm thần là gia đình bà Trần Thị Dinh. Bà Dinh kể, ông Hoàng Văn Dương (SN 1964, chồng bà) vốn đang khỏe mạnh bỗng cuối năm 2005 phát bệnh tâm thần, tối ngày la hét do ảo tưởng có người muốn chém giết mình. Có hôm, ông Dương vùng lên siết cổ vợ nhưng may có các con phát hiện kịp thời nên chưa xảy ra án mạng. “Từ ngày bị bệnh tâm thần, ông ấy suốt ngày lầm lì, thi thoảng lại lảm nhảm. Lúc tỉnh táo, ông nói mình khỏe mạnh, không cần thuốc thang, điều trị gì. Nhưng hôm nào quên cho uống thuốc thì gặp ai, ông cũng lấy gậy đuổi đánh”-bà Dinh cho hay.   
Một trường hợp khác là chị Kpuih Vít (20 tuổi), con gái ông Siu Sâu cũng ở cùng làng. Khi chúng tôi đến thăm, trước ngôi nhà nhỏ ở cuối làng, chị Vít đang tha thẩn nghịch đất cát. Nhìn con gái, ông Sâu không nén nổi tiếng thở dài: “Bạn hàng xóm cùng lứa đứa nào cũng ngại, không ai chơi cùng nó. Nhiều hôm nó bỏ đi lang thang không biết đường về, cả nhà phải nháo nhào đi tìm”.
Mong lắm sự hỗ trợ
Tai Glai là ngôi làng khá đặc biệt bởi có nhiều người mắc bệnh tâm thần nhất xã Ia Ko (7 người); ngoài ra còn có không ít đối tượng bảo trợ xã hội với những hoàn cảnh rất đáng thương. 
Chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ tạm bợ nằm cuối con đường đất đỏ ngoằn ngoèo, là nơi sinh sống của 4 chị em mồ côi Siu Hương (SN 2001). Cả 4 chị em Hương dắt díu nhau đi làm thuê nên không có nhà. Chị Võ Thị Mai-cán bộ xã Ia Ko-cho biết: Cuối năm 2014, bố Hương là ông Rơ Lan Pinh mắc bệnh hiểm nghèo qua đời. Đầu năm 2019, mẹ các em là bà Siu Huet cũng mất vì ốm nặng. Bố mẹ không còn, Hương gánh vác trách nhiệm chăm lo, nuôi dưỡng các em. 3 em Siu Khốt (SN 2005), Siu Phết (SN 2007) và Siu Vih (SN 2009) đang tuổi ăn tuổi học, nhưng vì cảnh nghèo nên phải nghỉ giữa chừng để theo chị đi làm thuê. Thương chị em Hương, chính quyền địa phương luôn tìm cách hỗ trợ nhưng cũng chỉ là tạm thời. “Rất may là sau khi chúng tôi kêu gọi giúp đỡ, một tổ chức từ thiện đã ủng hộ 25 triệu đồng để chị em Hương sửa chữa lại nhà. Hiện chúng tôi đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để 3 em dưới 18 tuổi được hưởng chế độ trợ cấp xã hội. Thể theo mong muốn của các em, chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện cho 3 em của Hương về Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp tỉnh hoặc Làng trẻ em SOS Pleiku để được nuôi dưỡng, chăm sóc, học tập”-chị Mai chia sẻ.
Trao đổi với P.V, ông Trần Xuân Cảnh-Chủ tịch UBND xã Ia Ko-cho biết: “Chính quyền xã đã tuyên truyền cho các hộ có người bị tâm thần hiểu nguyên nhân và triệu chứng của bệnh để đưa đi chữa trị, nhưng nhiều trường hợp vì nhận thức hạn chế nên chưa quan tâm đúng mức. Đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm, hỗ trợ gia đình có người bệnh được điều trị đúng hướng, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Bên cạnh đó, chúng tôi kêu gọi các nhà hảo tâm chia sẻ yêu thương với những hoàn cảnh trẻ mồ côi, không nơi nương tựa như trường hợp chị em Siu Hương”.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm

Chung tay hỗ trợ làng đặc biệt khó khăn Plei Hlốp

Chung tay hỗ trợ làng đặc biệt khó khăn Plei Hlốp

(GLO)- Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 5-12-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về tăng cường công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số, Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) vừa tổ chức kết nghĩa với làng Plei Hlốp.
“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

(GLO)- Nhà nghèo, nuôi 3 con nhỏ, lại thêm người chồng đột nhiên bị mù cả 2 mắt nên gánh nặng cơm áo hàng ngày càng đè lên đôi vai gầy của chị Rơ Châm Thủy (SN 1984, trú tại làng Kênh, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai).
602 phần quà tặng người nghèo, người khuyết tật huyện Krông Pa, Đak Đoa và Đak Pơ

602 phần quà tặng người nghèo, người khuyết tật huyện Krông Pa, Đak Đoa và Đak Pơ

(GLO)- Ngày 16 và 17-3, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai phối hợp với Hội Chữ thập đỏ các huyện: Krông Pa, Đak Đoa, Đak Pơ và Đoàn từ thiện Phước Huệ (phường 15, Quận 6, TP. Hồ Chí Minh) tặng quà cho người dân tộc thiểu số nghèo, bệnh nhân phong, người khuyết tật tại địa phương.