Đoàn Luật sư tỉnh Gia Lai bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ ngày thành lập đến nay, Đoàn Luật sư tỉnh Gia Lai đã không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động, cơ bản đáp ứng nhu cầu tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý của người dân, góp phần tích cực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong các hoạt động tố tụng cũng như các vấn đề liên quan đến pháp lý.
Ông Nguyễn Văn Lộc-Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh-cho biết: Đoàn Luật sư tỉnh hiện có 44 thành viên. Thời gian qua, đội ngũ luật sư đã tích cực tham gia nhiều hoạt động, trong đó nổi bật là những hoạt động hướng về cộng đồng. Đoàn Luật sư tỉnh đã tích cực tuyên truyền, phổ biến, tư vấn và trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân, nhất là đối tượng yếu thế trong xã hội như người nghèo, người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em... Trung bình mỗi năm, các thành viên tham gia tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí cho khoảng 100 trường hợp.
Hiện tại, có 9 luật sư của Đoàn Luật sư tỉnh ký hợp đồng làm cộng tác viên với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh. Các luật sư thường xuyên cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; giúp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật cho đối tượng yếu thế.
Luật sư Lê Đình Quốc chia sẻ: “Tôi thấy rất vui vì được làm công việc đúng với chuyên môn, trách nhiệm của luật sư. Hiện nay, nhiều người vì không có đủ điều kiện kinh tế, hạn chế về nhận thức pháp luật mà đành cam chịu thiệt thòi quyền lợi, không biết cách lên tiếng khi gặp phải những vấn đề bất hợp lý trong đời sống xã hội”. 
Đoàn Luật sư Gia Lai hiện có 44 thành viên. Ảnh: Văn Ngọc
Đoàn Luật sư tỉnh Gia Lai hiện có 44 thành viên. Ảnh: Văn Ngọc
Ông Nguyễn Văn Lộc cho hay: Trong giai đoạn 2015-2020, Đoàn Luật sư tỉnh đã thực hiện 2.212 vụ việc. Trong đó, tham gia án hình sự là 1.412 vụ việc; tham gia án dân sự, kinh doanh, hôn nhân, lao động, hành chính 200 vụ việc; tham gia tư vấn pháp luật giúp hơn 500 lượt công dân và thực hiện các dịch vụ khác 100 vụ việc... 
Theo ông Lộc, để đạt được hiệu quả trong các mặt hoạt động, Đoàn Luật sư tỉnh cũng đã chú trọng đào tạo, bồi dưỡng luật sư nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Hàng năm, hầu hết luật sư đều được tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp. Từ đó, đội ngũ luật sư ngày càng phát triển về số lượng, từng bước nâng cao về chất lượng. Số lượng vụ việc, chất lượng cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư ngày càng được cải thiện, đáp ứng yêu cầu tranh tụng trong công tác cải cách tư pháp. 
“Ban Chủ nhiệm thường xuyên quán triệt để từng luật sư xác định lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, tuân thủ theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong quá trình hành nghề. Ban Chủ nhiệm cùng Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn Luật sư thường xuyên theo dõi, giám sát về đạo đức nghề nghiệp của luật sư. Do đó, từng luật sư đã xác định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình”-ông Lộc nhấn mạnh.
Trao đổi với P.V, Thẩm phán Nguyễn Thị Kim Hồng-Chánh tòa Tòa Hình sự Tòa án nhân dân tỉnh-nhận xét: “Thời gian qua, mối quan hệ giữa các luật sư với Tòa án nhân dân tỉnh trong hoạt động tố tụng luôn được đảm bảo bình đẳng, tôn trọng. Riêng với Tòa Hình sự, tỷ lệ luật sư tham gia trong các vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tố tụng ngày càng cao, chất lượng tranh tụng ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Từ đó, góp phần đảm bảo tính khách quan của pháp luật, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị cáo, bị hại và người có nghĩa vụ liên quan”. 
LÊ VĂN NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.