Trường Đại học Đông Á-cơ sở tại Gia Lai: "Tắc" đầu vào

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chính thức đi vào hoạt động từ năm 2013 nhưng Trường Đại học Đông Á-cơ sở tại Gia Lai vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh. Thậm chí, năm học 2019-2020, cơ sở không tuyển được sinh viên (SV) nào vì một số hạn chế trong liên kết đào tạo.
Năm 2010, Trường Đại học Đông Á đầu tư xây dựng cơ sở đào tạo tại Gia Lai ở địa chỉ 150B Lê Thánh Tôn (phường Ia Kring, TP. Pleiku) với kinh phí lên đến 26 tỷ đồng. Cơ sở tọa lạc trên diện tích hơn 2,3 ha, gồm 2 khối nhà lớp học, giảng đường, nhà hiệu bộ, hội trường, phòng thí nghiệm-thực hành, thư viện và một số hạng mục khác.
Năm 2014, cơ sở được UBND tỉnh cho phép liên kết với Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp, cao đẳng lên đại học đối với các ngành: Kế toán, Điều dưỡng, Quản trị văn phòng và Xây dựng. Theo đó, khóa học 2015-2018, cơ sở tuyển sinh được 100 SV; khóa 2016-2019 có 105 SV; khóa 2017-2020 có 55 SV; khóa 2018-2021 có 70 SV và khóa 2019-2022 có 109 SV. Nhà trường cũng đưa ra nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích người học như: giảm học phí cho SV là anh chị em, vợ chồng cùng tham gia học tại trường; giúp SV là con em gia đình chính sách được hưởng quyền lợi tại địa phương theo quy định; hỗ trợ đầu ra cho SV sau tốt nghiệp... Nhờ đó, tỷ lệ SV hoàn thành khóa học và tốt nghiệp đúng thời hạn đạt trên 95%.
Chị Trương Thị Lệ Thủy-SV lớp 18VP-chia sẻ: “Tôi đang làm việc tại một cơ quan nhà nước ở huyện Đak Pơ. Năm 2018, tôi đăng ký học liên thông từ trung cấp lên đại học ngành Quản trị văn phòng của Trường Đại học Đông Á-cơ sở tại Gia Lai. Thời gian học vào thứ bảy, chủ nhật hàng tuần nên khá thuận tiện cho tôi khi vừa học vừa làm. Đội ngũ giảng viên đều có chuyên môn cao, môi trường học tập và cơ sở vật chất tương đối tốt nên tôi rất yên tâm. Tôi sẽ cố gắng hoàn thành chương trình để có tấm bằng đại học vào năm sau”.
Cán bộ, giảng viên Trường Đại học Đông Á-cơ sở Gia Lai họp bàn tìm giải pháp khắc phục khó khăn trong tuyển sinh và nâng cao chất lượng đào tạo. Ảnh: Mộc Trà
Cán bộ, giảng viên Trường Đại học Đông Á-cơ sở tại Gia Lai họp bàn tìm giải pháp khắc phục khó khăn trong tuyển sinh và nâng cao chất lượng đào tạo. Ảnh: Mộc Trà
Tuy vậy, trên thực tế, số lượng SV đăng ký học liên thông hàng năm tại cơ sở có xu hướng giảm dần và không đạt chỉ tiêu đề ra ban đầu. Lý giải về thực trạng này, TS. Nguyễn Ngọc Tuyên-Trưởng cơ sở đào tạo Trường Đại học Đông Á tại Gia Lai và Đak Lak-cho biết: Trước đây, khi đầu tư xây dựng cơ sở tại Gia Lai, nhà trường đã hướng đến mô hình phân hiệu để đào tạo SV chính quy, thu hút người học. Thế nhưng, theo Nghị định số 46/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục thì phân hiệu của trường đại học tư thục phải có vốn đầu tư với mức tối thiểu là 250 tỷ đồng (không bao gồm giá trị đất xây dựng). Đây là khó khăn lớn nên đến giờ nhà trường vẫn chưa thể đầu tư phân hiệu tại địa phương, hiện vẫn chỉ đào tạo hệ liên thông vừa học vừa làm. Thêm vào đó, nguồn tuyển sinh cũng khá hạn chế do xu hướng chọn học tập tại các thành phố lớn ngày một tăng; chưa kể sự cạnh tranh gay gắt về ngành nghề tuyển sinh giữa các cơ sở đào tạo khác trên địa bàn trong khi nhu cầu thực tế của người học không nhiều, chỉ có một số ngành được quan tâm.
Cũng theo TS. Nguyễn Ngọc Tuyên, bắt đầu từ năm 2020, theo quy định mới, cơ sở không tiếp tục tuyển sinh ngành Điều dưỡng nên chỉ tiêu tuyển sinh cũng giảm đi. Mặt khác, vì lý do khách quan, việc liên kết đào tạo giữa cơ sở và Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai phải dừng lại. Vì thế, năm học 2019-2020, cơ sở không tuyển sinh được SV nào.
“Để khắc phục khó khăn, chúng tôi đã làm việc với Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai để liên kết đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp, cao đẳng lên đại học hệ vừa học vừa làm. Hai bên cũng đã thống nhất và có tờ trình gửi Sở Giáo dục và Đào tạo để xin ý kiến UBND tỉnh. Sau khi được cho phép, chúng tôi sẽ tiến hành tuyển sinh khoảng 150 chỉ tiêu ở các ngành: Kế toán, Quản trị văn phòng, Công nghệ kỹ thuật xây dựng, Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh…”-ông Tuyên thông tin.
Lễ tốt nghiệp của khóa học 2016-2019 tại Trường Đại học Đông Á cơ sở Gia Lai. Ảnh: Mộc Trà
Lễ tốt nghiệp của khóa học 2016-2019 Trường Đại học Đông Á-cơ sở tại Gia Lai. Ảnh: Mộc Trà
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Long-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo-cho hay: Những năm qua, Trường Đại học Đông Á-cơ sở tại Gia Lai đã thực hiện nghiêm túc việc liên kết đào tạo các bậc học, hệ đào tạo dựa trên nhu cầu của học viên. Sở Giáo dục và Đào tạo với chức năng quản lý nhà nước cũng luôn tạo điều kiện về mặt cơ chế để đơn vị thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình tại địa phương. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan, công tác tuyển sinh của trường đang gặp không ít khó khăn. Vừa qua, trên cơ sở đề xuất của Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai, Sở cũng đã có tờ trình gửi UBND tỉnh xem xét về việc liên kết đào tạo liên thông giữa 2 đơn vị. 
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.