Nghề sửa chữa điện tử: "Vang bóng một thời"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm 80-90 của thế kỷ trước, sửa chữa điện tử là nghề ăn nên làm ra. Thế nhưng, trước sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số, lượng khách hàng giảm dần cùng thu nhập thấp đã khiến không ít người bỏ nghề. Tuy nhiên, vẫn còn một vài người cần mẫn, gắn bó hơn mấy chục năm qua.
Một thời hoàng kim
Tiệm sửa chữa điện tử của ông Ngô Tấn Dũng nằm ở đường Lê Lợi, thị trấn Đak Đoa. Tiệm nổi tiếng nhất vùng vì ông chủ đã gắn bó với nghề gần 40 năm nay. Ông Dũng cho biết: “Những năm 80-90 của thế kỷ trước, người nào sở hữu được chiếc âm ly, radio hay máy nghe nhạc thì được xem là giàu có. Cũng chính vì nhận ra nghề này có thể mang đến thu nhập ổn định, bố tôi là một trong những người tiên phong mở cửa hàng sửa chữa đồ điện tử ở Pleiku. 15 tuổi, tôi theo bố học nghề và gắn bó đến tận bây giờ. Năm 25 tuổi, khi lập gia đình, tôi mở cửa tiệm ở thị trấn Đak Đoa”.
Trên chiếc bàn nhỏ ông Dũng làm việc luôn có 1 chiếc bóng đèn chụp và la liệt những con vít, con chíp, bảng vi mạch điện tử, thiết bị điều chỉnh dòng điện. Theo ông Dũng, đồ điện tử có những vi mạch, linh kiện nhỏ nên ngoài kiến thức nhất định, người thợ còn phải khéo léo, kiên nhẫn, tập trung cao độ thì mới sửa chữa được. Cũng chính vì gắn bó lâu năm với nghề, hàng ngàn món đồ điện tử đã được ông Dũng sửa chữa thành công. Chỉ cần khách đem đồ tới, nói sơ qua về “triệu chứng” là ông có thể “bắt bệnh” chính xác.  
 Ông Ngô Tấn Dũng (thị trấn Đak Đoa) sửa chữa đồ điện tử. Ảnh: T.B
Ông Ngô Tấn Dũng (thị trấn Đak Đoa) sửa chữa đồ điện tử. Ảnh: T.B
Ở TP. Pleiku, địa chỉ luôn được nhiều người tìm đến mỗi khi có đồ điện tử bị hỏng là cơ sở của ông Trần Văn Nam (số 371 đường Phan Đình Phùng, phường Yên Đổ). Ông Nam hoài niệm: “Tôi làm nghề sửa đồ điện tử từ năm 1996 đến nay. Nghề này từng mang lại thu nhập khá, giúp tôi có tiền nuôi các con ăn học. Có thời điểm, tôi dạy nghề cho cả chục người. Tiệm của tôi từng rất đông khách nên nhiều khi sửa không kịp, khách phải chờ cả tuần”.
Khi các món hàng điện tử hiện đại, thông minh, nhỏ gọn xuất hiện trên thị trường, ông Nam phải mày mò tìm hiểu và học hỏi nâng cao kiến thức nhằm tạo sự tin tưởng nơi khách hàng. Ngoài sửa chữa, ông Nam còn có sở thích sưu tầm đồ điện tử cũ. Đến nay, ông vẫn đang sử dụng chiếc cassette, âm ly ra đời cách đây mấy chục năm. Ông nói: “Thỉnh thoảng, tôi nghe nhạc từ những chiếc máy cassette cũ nhưng âm thanh vẫn rất chất lượng. Tôi thấy yêu cái nghề mà mình gắn bó mấy chục năm nay”.
Lấy công làm lãi
Thị trường điện tử ngày càng hiện đại, các mặt hàng điện tử giá rẻ, thiết kế hợp thời, nhiều tính năng liên tục ra đời. Chỉ cần vài trăm ngàn đồng là có thể sở hữu một món đồ điện tử mới. Ví dụ một chiếc đầu đĩa giá chỉ từ 1 triệu đồng trở lên, trong khi sửa lại đồ cũ cũng mất đến vài trăm ngàn đồng nên đa phần khách đều chọn mua mới. Thêm nữa, ti vi, đầu đĩa đời mới có bảo hành nên không mấy người nhờ cậy đến thợ sửa chữa điện tử. Lượng khách đến với các cửa hàng điện tử vì thế cứ giảm dần.
 Một chiếc máy cassetle cũ vẫn còn sử dụng tốt của ông Trần Văn Nam. Ảnh: T.B
Một chiếc máy cassetle cũ vẫn còn sử dụng tốt của ông Trần Văn Nam. Ảnh: T.B
Hiện cửa hàng của ông Nam, ông Dũng vẫn có một lượng khách quen chuyên sưu tầm đồ cũ là những chiếc ti vi, đầu đĩa, cassette… ra đời cách đây mấy chục năm. Ông Nguyễn Trí Dũng (đường Tuệ Tĩnh, phường Ia Kring, TP. Pleiku) chia sẻ: “Tôi rất thích đồ điện tử cũ. Thường thì những món đồ này khi mua lại đều bị hỏng hóc một số chỗ hoặc không còn sử dụng được, vậy là tôi đem đến nhờ anh Nam sửa. Anh sửa rất có tâm mà giá cũng phải chăng”. Vì có thói quen sưu tập linh kiện cũ nên các cơ sở này luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách. Có những đơn hàng khi thanh toán, giá trị gần bằng mua đồ mới nhưng khách vẫn sẵn sàng chi trả bởi muốn lưu giữ những vật kỷ niệm của một thời quá vãng.
Ông Dũng tâm sự: “Mỗi công việc đều có những giá trị riêng. Vậy nên, tôi vẫn sẽ tiếp tục làm nghề, phục vụ khách hàng khi có nhu cầu. Chủ yếu là lấy công làm lãi nhưng như thế là vui rồi”. Ông Nam cũng cho hay: “Con cái đều đã có cuộc sống ổn định. Chúng khuyên nên nghỉ nghề này nhưng tôi không đồng ý. Một phần vì kinh tế, nhưng quan trọng hơn chính là niềm vui đến từ sự tin tưởng của khách hàng”.
THỦY BÌNH

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.