Gia Lai tập trung kiềm chế tai nạn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ ngày 15-5 đến 14-6, Công an tỉnh Gia Lai triển khai đợt cao điểm tổng kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên địa bàn. Phóng viên Báo Gia Lai Điện tử đã có cuộc phỏng vấn Đại tá Phạm Hữu Trường-Phó Giám đốc Công an tỉnh về những kết quả đạt được trong đợt cao điểm này.



* P.V: Đại tá có thể thông tin khái quát những kết quả nổi bật qua đợt cao điểm tổng kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên địa bàn tỉnh?

- Đại tá PHẠM HỮU TRƯỜNG: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, ngày 10-5 vừa qua, Công an tỉnh đã triển khai Kế hoạch số 332/KH-CAT-PC08. Theo đó, Công an tỉnh đã huy động lực lượng Cảnh sát Giao thông, Cảnh sát Cơ động, Cảnh sát Điều tra tội phạm về Ma túy cùng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ nhằm thực hiện đợt tổng kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên địa bàn tỉnh. Giám đốc Công an tỉnh quyết định thành lập tổ xử lý nồng độ cồn, tổ tuyên truyền thuộc Phòng Cảnh sát Giao thông phối hợp với Công an cấp huyện thực hiện hiệu quả đợt tổng kiểm soát này.

 Cán bộ Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) kiểm soát phương tiện giao thông trên đường Hồ Chí Minh. Ảnh: L.H
Cán bộ Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) kiểm soát phương tiện giao thông trên đường Hồ Chí Minh. Ảnh: L.H



Trong tháng cao điểm tổng kiểm soát, các lực lượng thuộc Công an tỉnh đã thực hiện 2.442 ca tuần tra với 9.541 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia. Qua đó, phát hiện 10.263 phương tiện vi phạm, tạm giữ 1.701 phương tiện, phạt tiền hơn 5,1 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 225 trường hợp.

Đợt tổng kiểm soát đã tác động lớn đến ý thức của người dân, góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành các quy định về an toàn giao thông, mang lại những kết quả tích cực trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Tình hình tai nạn giao thông trong đợt tổng kiểm soát giảm so với cùng kỳ năm 2019 và thời gian liền kề. Cụ thể, trong tháng diễn ra đợt cao điểm, toàn tỉnh xảy ra 28 vụ tai nạn giao thông, làm 15 người chết, 29 người bị thương (giảm 17,65% số vụ, giảm 51,61% số người chết và giảm 14,71% số người bị thương so với 1 tháng liền kề).

* P.V: Sau đợt tổng kiểm tra, Công an tỉnh sẽ tiếp tục triển khai giải pháp gì để kiềm chế tai nạn giao thông cũng như thực hiện tốt chủ đề Năm An toàn giao thông 2020, thưa Đại tá?

- Đại tá PHẠM HỮU TRƯỜNG: Thực hiện chủ đề Năm An toàn giao thông 2020 “Đã uống rượu, bia không lái xe”, đồng thời để thực hiện mục tiêu giảm tai nạn giao thông 5-10% so với năm 2019, ngay từ đầu năm, Công an tỉnh đã bám sát chương trình, kế hoạch công tác, làm tốt công tác tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai quyết liệt các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Trong đó, triển khai nhiều đợt cao điểm, chuyên đề, nhất là tập trung xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn, chất ma túy. Tuy nhiên, tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp.

Cụ thể, trong tháng cao điểm tổng kiểm soát phương tiện cơ giới đường bộ, số trường hợp vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông tăng 59,51% so với tháng trước, số tiền xử phạt cũng tăng gần 2 tỷ đồng. Số phương tiện vi phạm chủ yếu là xe mô tô (chiếm 81,18%). Các lỗi vi phạm chủ yếu là: tốc độ (1.575 trường hợp), không đội mũ bảo hiểm (931 trường hợp). Ngoài ra còn có 314 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn và 3 trường hợp vi phạm về ma túy.

Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh lập biên bản đối với các trường hợp vi phạm tại chốt kiểm kiểm phương tiện giao thông cơ giới Đường bộ đặt trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua TP. Pleiku. Ảnh: Lê Hòa
Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh lập biên bản đối với các trường hợp vi phạm Luật Giao thông Đường bộ. Ảnh: Lê Hòa



Tuy tai nạn giao thông giảm cả 3 chỉ số nhưng chưa bền vững. Số vụ tai nạn giao thông xảy ra chủ yếu trên tuyến quốc lộ (chiếm 48,4%); các vụ tai nạn giao thông liên quan đến người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao (47,9%). Có thể thấy rằng, ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn thấp. Một số trường hợp còn có biểu hiện chống đối, không hợp tác với lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, nhất là các trường hợp đã uống rượu, bia. Ngoài ra, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông ngày một tăng cao, trong khi hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập... Do vậy, để bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn, kéo giảm tai nạn giao thông, vấn đề đặt ra là phải có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội và mỗi người dân. Ngoài ra, phải nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền với những hình thức, nội dung thiết thực hơn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông người dân tộc thiểu số sinh sống...

Thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu giúp UBND tỉnh và Ban An toàn Giao thông tỉnh chỉ đạo thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của cấp trên về các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kiềm chế và giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân bảo đảm trật tự an toàn giao thông, thực hiện “văn hóa giao thông”. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho các tầng lớp nhân dân, nhất là người trực tiếp điều khiển phương tiện. Huy động tối đa lực lượng, phương tiện kỹ thuật trong tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện, xử lý triệt để, kịp thời, nghiêm minh mọi vi phạm về trật tự an toàn giao thông, nhất là các lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn; tiếp tục thực hiện chuyên đề xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn, chất ma túy và chất kích thích đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cho đến hết năm 2020.

Bên cạnh đó, Công an tỉnh chủ động rà soát, kiến nghị với cơ quan chức năng xử lý tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông; khắc phục các bất hợp lý, giải quyết các “điểm đen” tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, hạn chế thấp nhất xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng như ở huyện Đak Mil (tỉnh Đak Nông) vừa qua hay vụ ở chợ Chư Sê năm 2019.

* P.V: Xin cảm ơn Đại tá!

 LÊ HÒA (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.