Gia Lai tập trung cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo bảng công bố đánh giá, xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Gia Lai đã tăng 3 bậc so với năm 2018, đứng vị trí thứ 30/63 tỉnh thành. Đây là kết quả đáng vui mừng đối với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Gia Lai. Tuy nhiên, đi kèm với đó là nỗi lo khi áp lực phải tiếp tục cải thiện vị trí hoặc chí ít phải giữ vững vị trí cho năm sau.
 


Nhiều chỉ số tăng điểm

So với năm 2018, PCI của Gia Lai năm 2019 có 5 chỉ số được cải thiện về điểm số gồm: tính minh bạch, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động. Trong đó, tăng mạnh nhất là chỉ số đào tạo lao động với 6,08 điểm, tăng 1,07 điểm so với năm 2018. Tuy tăng mạnh như vậy nhưng chỉ số này vẫn còn khá thấp so với điểm trung vị (6,7 điểm). Do đó, trên bảng xếp hạng, Gia Lai vẫn đứng ở vị trí thứ 53/63 tỉnh thành và xếp thứ 4 khu vực Tây Nguyên.

Nhờ quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, chỉ số PCI của tỉnh đã được cải thiện qua từng năm.   Ảnh: Đ.T
Nhờ quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, chỉ số PCI của tỉnh đã được cải thiện qua từng năm. Ảnh: Đ.T



Chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh năm 2019 đạt 7,37 điểm, tăng 0,43 điểm so với năm 2018, cao hơn điểm trung vị tới 2,2 điểm và là địa phương có điểm số cao thứ 2 của cả nước (đứng sau TP. Hồ Chí Minh với 7,39 điểm). Chỉ số này tăng cho thấy sự cải thiện có tính bền vững của chính quyền trong việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kịp thời cho khối doanh nghiệp tư nhân, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao. Chỉ số cạnh tranh bình đẳng của tỉnh năm 2019 đạt 7,18 điểm, tăng 0,67 điểm so với năm 2018, cao hơn điểm trung vị 0,83 điểm và xếp vị trí thứ 12 trên cả nước. Đây là tín hiệu đáng mừng ghi nhận sự nỗ lực của chính quyền các cấp trong việc tạo dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Tính minh bạch cũng là một trong những chỉ số có điểm số tăng với 6,6 điểm (năm 2018 là 6,52 điểm). Mặc dù vẫn còn thấp hơn điểm trung vị (6,64 điểm) song điều này chứng tỏ khả năng tiếp cận các kế hoạch của tỉnh và các văn bản pháp lý cần thiết cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đã tốt hơn trước rất nhiều thông qua thông tin đăng tải trên trang web của chính quyền địa phương các cấp; đồng thời, vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cũng đã tăng lên đáng kể khi giữ vai trò nhất định trong việc xây dựng và phản biện chính sách, quy định của địa phương.

Ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm-Giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Classic (470 Trường Chinh, TP. Pleiku) đánh giá rất cao những nỗ lực của chính quyền trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động: “Tôi là người thường xuyên sử dụng dịch vụ hành chính công nên thấy rất rõ những tiến bộ của tỉnh trong vấn đề này. Thời gian qua, tỉnh đã có những cải cách mang tính phục vụ, hỗ trợ rất kịp thời cho doanh nghiệp. Đặc biệt, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cải cách rất nhiều để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện nhanh nhất các thủ tục đầu tư, nhanh chóng đi vào hoạt động. Vì vậy, sự thăng hạng liên tục trong những năm gần đây về PCI của tỉnh là điều dễ hiểu. Không chỉ tôi mà cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đều công nhận điều đó”.

Nỗ lực cải thiện vị trí

Chỉ số PCI là “tập hợp tiếng nói” của cộng đồng doanh nghiệp dân doanh về môi trường kinh doanh tại các tỉnh, thành phố. Kết quả công bố thường niên chỉ số PCI không nhằm mục đích biểu dương hay phê phán những tỉnh thành có điểm số PCI cao hay thấp mà là nguồn thông tin tham khảo hữu ích cho lãnh đạo các địa phương có thể xác định những “điểm nghẽn” trong công tác quản lý, điều hành cũng như lựa chọn những giải pháp phù hợp để cải cách, từ đó điều hành kinh tế một cách hiệu quả nhất. Chính vì vậy, thứ hạng PCI cũng là một trong những yếu tố được các nhà đầu tư xem xét khi lựa chọn địa điểm đầu tư.

 Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Bưu điện huyện Chư Prông. Ảnh: H.D
Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Bưu điện huyện Chư Prông. Ảnh: H.D


Từ năm 2014 đến nay, Gia Lai liên tục cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng PCI. Tỉnh đã nhích từng bước từ vị trí thứ 48 năm 2014 lên 47 (năm 2015), 46 (năm 2016) và 43 (năm 2017). Năm 2018, Gia Lai đã bứt phá ngoạn mục khi tăng 10 bậc để đứng vị trí thứ 33. Đến năm 2019, PCI của tỉnh lại tăng 3 bậc, đứng ở vị trí thứ 30 với 65,34 điểm, xếp thứ 2 khu vực Tây Nguyên.


Việc Gia Lai liên tục thăng hạng trên bảng xếp hạng PCI đã mở ra cơ hội phát triển mới cho tỉnh nhưng đi kèm với niềm vui này là không ít nỗi lo. Lý giải điều này, ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: “PCI không chỉ liên quan tới một ngành, một cấp mà là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp. Kết quả đạt được đã thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Đó là chúng ta đã rà soát các mặt còn yếu để có giải pháp khắc phục; tìm những dư địa đang có để tiếp tục phấn đấu tăng điểm số. Để có kết quả đó, chúng ta không chạy theo sự vụ mà có chiến lược dài hơi. Riêng Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng có những giải pháp căn cơ cho từng ngành, thể hiện qua việc năm 2018, PCI của tỉnh tăng 10 bậc, một bước tiến vững chắc và mạnh mẽ. Đó là điều vui mừng cho thấy sự tăng trưởng của tỉnh, nhưng cũng rất lo vì đã vượt như thế rồi năm sau liệu có đạt hay không. Khi chúng ta nỗ lực cải cách thì các tỉnh khác cũng nỗ lực tương tự. Thậm chí, chúng ta đang cải thiện những chỉ số chưa đạt thì người ta có thể chạy nhanh hơn nên áp lực rất lớn”.

Nỗi lo này hoàn toàn có căn cứ khi chỉ số PCI năm 2019 của Gia Lai chỉ tăng 3 bậc trên bảng xếp hạng nhưng về điểm số, tỉnh phải tăng gần 3 điểm-số điểm rất cao. Gia Lai đứng vị trí thứ 2 sau Lâm Đồng, cách Lâm Đồng 8 bậc, nhưng về điểm số chỉ cách tỉnh này 0,8 điểm. Gia Lai đứng trên Đak Lak 8 bậc, nhưng khoảng cách giữa 2 địa phương chỉ chưa tới 1 điểm. Điều này cho thấy mức cạnh tranh hiện tại là vô cùng khốc liệt. “Khi các sở, ngành ra sức tạo điều kiện, giúp đỡ doanh nghiệp thì các sở, ngành ở các tỉnh khác cũng vậy. Cho nên chúng ta phải có nhiều giải pháp căn cơ hơn, phải giữ vững tốc độ tăng trưởng với những bước đi thích hợp, không nóng vội nhưng phải đảm bảo không bị tụt hậu. Ngoài sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tôi mong sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ sở, ngành đến UBND cấp huyện, cả người dân và cộng đồng doanh nghiệp có sự quan hệ mật thiết, tạo mối quan hệ tốt đẹp, có vướng mắc gì thì trao đổi để tháo gỡ”-ông Thành nói thêm.

 HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.