Dạy học trực tuyến tại Gia Lai: Khắc phục hạn chế, khó khăn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiện nay, hầu hết các trường THPT trong tỉnh Gia Lai đang tăng cường dạy học trực tuyến cho học sinh thông qua hệ thống ViettelStudy và VNPT E-Learning, kết hợp cùng một số phần mềm thông dụng khác. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc triển khai hoạt động này đang gặp không ít khó khăn, đặc biệt là những địa bàn vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Thiết lập nền nếp dạy và học qua... internet

Thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, 2 tuần qua, Trường THCS và THPT Y Đôn (huyện Đak Pơ) đã triển khai dạy học trực tuyến trên hệ thống ViettelStudy và phần mềm Zoom. Theo đó, khối 12 bắt đầu từ ngày 30-3; khối 10 và 11 bắt đầu từ ngày 6-4 đến khi có thông báo đi học trở lại. Trước đó, học sinh đã được nhà trường cung cấp tài khoản, hướng dẫn sử dụng hệ thống mạng xã hội học tập ViettelStudy cũng như cách sử dụng ứng dụng Zoom trên điện thoại và máy tính có kết nối internet; đồng thời nhận thời khóa biểu qua hệ thống tin nhắn SMAS (sổ liên lạc điện tử).

Thầy Nguyễn Thành Nhựt (giáo viên Trường THCS và THPT Y Đôn, huyện Đak Pơ) trong một tiết dạy trực tuyến.   Ảnh: HỒNG THI
Thầy Nguyễn Thành Nhựt (giáo viên Trường THCS và THPT Y Đôn, huyện Đak Pơ) trong một tiết dạy trực tuyến. Ảnh: HỒNG THI



Thầy Nguyễn Huỳnh Giao-Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Y Đôn-cho hay: Để triển khai hoạt động này, Ban Giám hiệu đã xây dựng kế hoạch dạy học, lên thời khóa biểu; theo dõi, chỉ đạo và hỗ trợ giáo viên thực hiện; chỉ đạo bộ phận quản lý web của trường đăng hướng dẫn cách sử dụng phòng học trực tuyến; thông báo cho phụ huynh và học sinh lịch học qua SMAS và các kênh thông tin phổ biến khác. Các tổ chuyên môn cũng xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến; tổ chức rà soát chương trình, thống nhất nội dung và hình thức ôn tập phù hợp với từng đối tượng học sinh. “Nhằm giúp giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, chúng tôi đã phân công một số giáo viên có trình độ chuyên môn hỗ trợ cho giáo viên các bộ môn. Sau tiết dạy đầu tiên, hầu hết giáo viên đã tự tin, thoải mái hơn khi dạy học bằng hình thức trực tuyến; 95% học sinh đã tham gia học tập và nhanh chóng tiếp cận với việc học qua internet”-thầy Giao cho hay.

Vừa hoàn thành buổi học trực tuyến với 2 môn Địa lý và Hóa học, em Lê Kiều Mỹ Tâm-học sinh lớp 12A2 (Trường THCS và THPT Y Đôn) vui vẻ nói: “Khối 12 chỉ học 2 tiết vào buổi sáng, từ 7 giờ 30 phút đến 9 giờ 45 phút, mỗi tiết 60 phút. Những ngày qua, lớp em tham gia học gần như đầy đủ; thầy cô chủ yếu ôn tập kiến thức cũ và cho chúng em làm bài tập. Trong quá trình học, chúng em vẫn có thể đăng ký phát biểu như trên lớp hoặc nếu có chỗ nào không hiểu vẫn trao đổi được với thầy cô thông qua những tính năng sẵn có trên ứng dụng. Đối với học sinh cuối cấp như tụi em, việc được học trực tuyến trong thời gian tạm nghỉ là rất hữu ích để chuẩn bị tốt nhất nền tảng kiến thức cho kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới”.

Trong khi đó, em Thái Hữu Thiên-học sinh lớp 10A2 (Trường THPT Quang Trung, thị xã An Khê) thì bày tỏ: “Chúng em được nhà trường cung cấp ID và mật khẩu để học tập trên ViettelStudy. Nếu bạn nào chưa có thì liên hệ với giáo viên chủ nhiệm để nhận và học theo thời khóa biểu 1 buổi/ngày, mỗi buổi 4 tiết. Ban đầu, em thấy khá bỡ ngỡ vì chưa quen hình thức học mới, nhưng bây giờ thì mọi thứ đã tạm ổn. Nhiều bạn cho rằng học trực tuyến không hứng thú bằng học trực tiếp trên lớp, song em nghĩ quan trọng vẫn là ý thức học tập của mỗi người”.

Sau thời gian trải nghiệm với việc giảng dạy trực tuyến, nhiều giáo viên cho rằng, ưu điểm lớn nhất của hình thức học tập này chính là tài liệu học tập, câu hỏi thảo luận, bài kiểm tra đều được lưu trữ trên nền tảng trực tuyến; người học có thể dễ dàng truy cập những nội dung này vào bất kỳ thời gian nào và ở bất cứ đâu. Thêm vào đó, giáo viên có thể tương tác trực tiếp với học sinh, quản lý được số lượng lẫn thái độ học tập của học sinh. Đây là những lợi thế của việc dạy học trên internet so với trên truyền hình. Thầy Nguyễn Thành Nhựt-giáo viên Trường THCS và THPT Y Đôn-chia sẻ kinh nghiệm: “Để tiết dạy đạt hiệu quả, thu hút học sinh, tôi luôn chuẩn bị kỹ giáo án, tập trung vào nội dung kiến thức dự định sẽ truyền đạt và lựa chọn hình thức dạy như viết bảng, trình chiếu powerpoint… Kết thúc tiết học, tôi sẽ cho học sinh làm một bài kiểm tra nhỏ để xem các em có hiểu bài hay không, từ đó có hướng điều chỉnh cho phù hợp. Ngoài ra, tôi cũng yêu cầu học sinh phải mở webcam 100% để vừa dễ quản lý lớp, vừa tạo cảm hứng cho bản thân khi giảng bài”.

Khắc phục hạn chế, khó khăn

Dù đã có nhiều nỗ lực song do hạn chế về điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, kỹ năng của giáo viên lẫn học sinh nên việc áp dụng dạy học trực tuyến ở một số trường THPT còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 Em Thái Hữu Thiên (lớp 10A2, Trường THPT Quang Trung, thị xã An Khê) sử dụng điện thoại thông minh để học trực tuyến tại nhà. Ảnh: H.T
Em Thái Hữu Thiên (lớp 10A2, Trường THPT Quang Trung, thị xã An Khê) sử dụng điện thoại thông minh để học trực tuyến tại nhà. Ảnh: H.T



Với đặc thù 100% học sinh là người Jrai, đời sống còn khó khăn nên dù nhà trường đã tích cực tuyên truyền, vận động nhưng tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến của Trường THPT Phan Chu Trinh (huyện Ia Pa) chỉ đạt khoảng 40% trong tổng số 275 em ở cả 3 khối lớp. “Đa phần học sinh không có phương tiện học tập như máy tính, iPad, điện thoại thông minh hoặc chưa có đường truyền internet; một số khác thì gia đình khó khăn nên tận dụng thời gian nghỉ học để làm rẫy phụ giúp cha mẹ. Ngoài ra, phụ huynh nơi đây cũng ít quan tâm đến chuyện học hành của con em dẫn đến thiếu đôn đốc, nhắc nhở”-thầy Nguyễn Chí Trung-Hiệu trưởng nhà trường-thông tin.

Trước thực trạng này, Ban Giám hiệu Trường THPT Phan Chu Trinh yêu cầu mỗi lớp phải lập email riêng và kết hợp thành nhóm trên mạng xã hội Zalo, Facebook… để giáo viên hoặc các thành viên trong lớp gửi, trao đổi tài liệu học tập, qua đó hỗ trợ những học sinh không có điều kiện học trực tuyến bổ sung lượng kiến thức đang thiếu hụt. Cùng với đó, nhà trường còn thành lập 3 tổ giáo viên (5 người/tổ) hàng tuần luân phiên in bài giảng, bài tập đưa đến tận nhà cho học sinh và động viên các em tự ôn luyện. Cô Đỗ Thị Phượng tâm sự: “3 lần/tuần, chúng tôi thay nhau đến nhà học sinh để phát tài liệu của những môn học trong tuần. Đôi lúc tới không gặp, chúng tôi phải gửi hàng xóm đưa hộ hoặc bỏ vào nhà qua khe cửa cho các em để tránh gió bay, mưa ướt. Dù biết rằng đây chưa phải là giải pháp lâu dài, nhưng nhà trường vẫn luôn cố gắng để không em nào bị bỏ lại phía sau”.

Em Nay Hạ-học sinh lớp 12A2 (Trường THPT Phan Chu Trinh) bày tỏ: “Em không tham gia học trực tuyến được vì nhà em không nối mạng internet. Tuy nhiên, em được thầy cô quan tâm đưa bài giảng và bài tập đến tận nhà. Chỗ nào không hiểu, em trao đổi lại với bạn bè và thầy cô. Thỉnh thoảng, em tranh thủ học trên kênh của Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai nhưng hạn chế lắm vì ti vi nhà em cũ rồi, âm thanh nghe không được rõ. Em rất lo lắng, sợ mình sẽ không đậu tốt nghiệp vì bị quên kiến thức khá nhiều”.

Em Nay Hạ-lớp 12A2, Trường THPT Phan Chu Trinh (trái) nhận tài liệu học tập do cô giáo mang đến tận nhà. Ảnh Hồng Thi
Em Nay Hạ-lớp 12A2, Trường THPT Phan Chu Trinh (trái) nhận tài liệu học tập do cô giáo mang đến tận nhà. Ảnh Hồng Thi


Ông Lê Duy Định-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Việc dạy học trực tuyến bước đầu đã đem lại kết quả nhất định, nhiều giáo viên và học sinh cơ bản đã quen với hình thức mới. Tuy nhiên, hạn chế của việc dạy học qua internet là chỉ có thể triển khai hiệu quả ở vùng thuận lợi. Để bổ khuyết cho vấn đề này, Sở cũng đã chỉ đạo triển khai song song 2 hình thức dạy học trên internet và trên truyền hình để học sinh vùng khó vẫn có điều kiện lĩnh hội kiến thức trong thời gian nghỉ học. Sau khi hết dịch, Sở vẫn sẽ chỉ đạo các đơn vị tiếp tục duy trì hình thức dạy học trực tuyến này theo hướng ôn tập kiến thức, luyện thi THPT Quốc gia.

Thầy Nguyễn Phước-Hiệu trưởng Trường THPT A Sanh (huyện Ia Grai) cũng cho biết: Đến thời điểm này, toàn trường chỉ có khoảng 65% học sinh tham gia học trực tuyến thông qua hệ thống VNPT E-Learning; số còn lại vẫn chưa thể tiếp cận vì những lý do tương tự. Trong khi thực hiện việc cách ly toàn xã hội, những học sinh này cũng không thể đến nhà các học sinh có điều kiện để cùng học trực tuyến. Vì thế, nhà trường vẫn chưa có giải pháp nào để tháo gỡ ngoài việc tăng cường tuyên truyền để học sinh học qua sóng truyền hình.

Bên cạnh đó, việc dạy và học trực tuyến cho học sinh THPT trên địa bàn tỉnh còn gặp một số vướng mắc như: trình độ công nghệ thông tin của giáo viên chưa đồng đều; đường truyền internet không đảm bảo khiến chất lượng âm thanh, hình ảnh không tốt; giáo viên chuẩn bị bài giảng khó hơn khi phải kết hợp giữa trình chiếu và viết tay; một số học sinh thao tác chưa quen nên còn lúng túng trong quá trình truy cập vào lớp học; khả năng tương tác giữa giáo viên và học sinh thiếu linh hoạt, phong phú; một bộ phận học sinh còn học theo kiểu đối phó, chưa tập trung và tự giác học tập…

Trao đổi với P.V, ông Lê Duy Định-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo-cho biết: Ngành đang triển khai cho các trường tổ chức dạy học trực tuyến bằng nhiều phần mềm, trong đó có 2 hệ thống phổ biến là ViettelStudy và VNPT E-Learning. Sở cũng đã tổ chức hội nghị tập huấn trực tuyến về công tác dạy học qua internet trong thời gian học sinh nghỉ học để phòng-chống dịch Covid-19 cho các trường, sau đó tùy tình hình thực tế mà các đơn vị tự lựa chọn phần mềm để áp dụng cho phù hợp. Đến nay, hầu hết các trường THPT đều đã tổ chức dạy học trực tuyến; hơn 50% giáo viên THPT và gần 10% học sinh THPT sử dụng 2 hệ thống ViettelStudy và VNPT E-Learning, riêng các phần mềm khác chưa có công cụ thống kê.

HỒNG THI


 

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.