Trả công bằng... sâm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người Ca Dong, Xê Đăng dưới chân núi Ngọc Linh có cách gìn giữ rất riêng để cây sâm của họ ngày càng phát triển. Một trong số đó là... quy đổi ra “đơn vị” cây sâm để trả công lao động.
Nhiều vườn sâm Ngọc Linh rộng hàng chục héc ta được trồng dưới những tán rừng. Ảnh: Mạnh Cường
“Chia” sâm để cùng giàu
Già Hồ Văn Du có hơn 40 năm gắn bó với cây sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), từ khi sâm chỉ được biết đến như một loài “thuốc giấu” của đồng bào cho đến thời điểm vừa được công nhận quốc bảo Việt Nam. Giờ thì hầu hết cư dân dưới chân dãy Ngọc Linh đều có vườn sâm làm của để dành. Họ không giữ làm gia sản riêng, mà muốn cộng đồng cùng khấm khá. “Người ít, người nhiều nhưng đa số đều đã chuyển qua trồng sâm cả rồi. Bà con ở đây vốn đã đùm bọc nhau qua bao gian khổ, nên khi có cơ hội phát triển kinh tế thì không muốn ai phải chịu thiệt”, già Du nói.
Anh Hồ Văn Miêng (phải) nhận tiền công bằng những cây sâm Ngọc Linh do anh Hồ Văn Dang trả công. Ảnh: Mạnh Cường
Bằng rất nhiều cách, đồng bào Ca Dong, Xê Đăng ai cũng có sâm Ngọc Linh để trồng. Hữu hiệu nhất vẫn là trả công lao động bằng sâm giống. Họ quy đổi số tiền công tương ứng với… bao nhiêu cây giống. Tất nhiên, người lao động gật đầu. “Ở dưới dãy Ngọc Linh này, những người con của mẹ rừng đều dùng chung con suối, cái nương, cái rẫy. Bây giờ, từ món quà của mẹ rừng, chúng tôi muốn chia sẻ cây sâm Ngọc Linh rộng khắp”, già Du tâm sự.
Nhiều ngày, anh Hồ Văn Miêng đã tham gia giúp anh Hồ Văn Dang ở làng Tu Ton (xã Trà Linh, huyện Nam Trà My) dọn nương rẫy, chăm sóc lúa bắp, gùi sắt thép... Mỗi ngày công, anh được trả 5 cây sâm giống, tính theo mức giá hiện tại cũng hơn 1,2 triệu đồng. Một khoản tiền công hậu hĩnh! “Vào mùa thu hoạch lúa, nếu cõng thóc từ ruộng về đến làng thì công được trả có thể lên đến 10 cây sâm giống. Gia đình mình không có sâm Ngọc Linh để trồng, nhưng nay cũng được kha khá rồi”, anh Miêng khoe.
Gầy dựng vùng văn hóa sâm
Nhấp nhẹ chén trà pha từ chính những lá sâm Ngọc Linh do mình trồng ra, ông chủ hào phóng Hồ Văn Dang kể không chỉ ở Tu Ton, đồng bào ở một số thôn nóc khác của xã Trà Linh còn tình nguyện cho đất, giúp hộ khó khăn có nơi để trồng sâm. Nhiều năm trước, dân làng Tắc Ngo (thuộc thôn 2) còn dành riêng khu vực đất dưới tán rừng để thôn 1 trồng sâm. “Trả công cho bà con dân bản bằng sâm giống là cách “chia lửa” để làm giàu”, anh Dang khẳng định.
Sau thời gian làm công và được trả công bằng cây sâm, anh Hồ Văn Ba (ở xã Trà Cang, huyện Nam Trà My) giờ có trong tay hàng trăm cây sâm Ngọc Linh. Anh khoe rằng mình đang “giàu lên từng ngày”.
Ở nhiều bản làng Nam Trà My bây giờ, người ta tặng quà mừng đứa trẻ chào đời cũng bằng gốc sâm giống. Ông Hồ Văn Thể, Chủ tịch UBND xã Trà Linh, cho hay: “Các hội đoàn thể ở đây cũng lấy cây sâm Ngọc Linh ra làm “tiêu chí phát triển”, góp ít sâm để trồng. Đến ngày lễ, họ bán sâm, lấy kinh phí hoạt động”.
Mạnh Cường (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.