Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới tại Gia Lai: Nhiều khó khăn, thách thức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018 sẽ chính thức được triển khai ở bậc tiểu học từ năm học 2020-2021. Thời điểm này, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đang cùng các địa phương trong tỉnh tích cực chuẩn bị những điều kiện cần thiết để đưa chương trình và sách giáo khoa mới vào giảng dạy đối với lớp 1. Tuy nhiên, với điều kiện hiện có, dự báo việc áp dụng chương trình này sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Tăng cường dạy học 2 buổi/ngày
Theo Bộ GD-ĐT, chương trình GDPT mới ở bậc tiểu học được thiết kế học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút. Mục tiêu của hoạt động dạy học 2 buổi/ngày nhằm tăng cường giáo dục toàn diện, đặc biệt là các hoạt động thực hành, rèn luyện thể chất, sinh hoạt văn hóa-nghệ thuật, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; hạn chế tình trạng dạy thêm-học thêm, giảm áp lực học tập. Từ đó, giảm tải trong việc tổ chức thực hiện chương trình; đáp ứng nhu cầu quản lý và giáo dục học sinh của gia đình, xã hội; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở cấp tiểu học.
Thầy và trò Trường Tiểu học Ia Phí (xã Ia Phí, huyện Chư Pah) trong một giờ học. Ảnh: Đ.T
Thầy và trò Trường Tiểu học Ia Phí (xã Ia Phí, huyện Chư Pah) trong một giờ học. Ảnh: Đ.T
Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày từ lâu được xem là thách thức lớn đối với tỉnh ta, nhất là ở các địa phương có tỷ lệ phòng học/lớp còn thấp, tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đáp ứng được yêu cầu. Theo thống kê của Sở GD-ĐT, toàn tỉnh hiện chỉ có 20,46% học sinh học 2 buổi/ngày (9-10 buổi/tuần); gần 30% học sinh học 6-8 buổi/tuần; số học sinh học 1 buổi/ngày chiếm đến 50%. Để đáp ứng chương trình GDPT mới, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã nỗ lực thực hiện hoạt động này ở cấp tiểu học và bước đầu gặt hái những kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, huyện Mang Yang là một điển hình. Ông Nguyễn Vĩnh Hoàng-Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Mang Yang-cho biết: Toàn huyện có 16 trường có học sinh tiểu học (11 trường tiểu học, 5 trường tiểu học và THCS) với 8.313 học sinh được bố trí ở 312 lớp học. Đến nay, 100% các trường đều đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày (7-10 buổi/tuần), trong đó có 11/16 trường dạy 9-10 buổi/tuần. Để đạt được kết quả đó, ngay từ năm học 2017-2018, Phòng GD-ĐT huyện đã tham mưu giúp UBND huyện ban hành kế hoạch về tổ chức dạy học 2 buổi/ngày bậc tiểu học giai đoạn 2017-2020 cũng như có văn bản hướng dẫn công tác xã hội hóa giáo dục, thu-chi ngoài ngân sách. Đây là bước đột phá để làm căn cứ chỉ đạo các đơn vị chủ động trong việc triển khai dạy học 2 buổi/ngày, đặc biệt là việc xã hội hóa tiền lương dạy tăng thêm cho giáo viên và tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu dạy học.
“Bên cạnh việc phát huy yếu tố tích cực từ các dự án Trường học Việt Nam mới (VNEN) và Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) về dạy học 2 buổi/ngày, các trường học trên địa bàn huyện còn xây dựng phương án tăng tiết, làm tốt việc dạy học theo đúng chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình. Riêng đối với lớp 1, chúng tôi bám sát hướng dẫn giãn thời lượng môn Tiếng Việt từ 350 tiết thành 500 tiết, sử dụng hết quỹ thời gian tăng thêm để dạy học sinh, linh hoạt trong việc tổ chức các hoạt động dạy học, dạy sát đối tượng học sinh”-ông Hoàng cho hay.
Chương trình GDPT năm 2018 sẽ chính thức được triển khai ở bậc tiểu học từ năm học 2020-2021. Ảnh: Hồng Thi
Chương trình GDPT năm 2018 sẽ chính thức được triển khai ở bậc tiểu học từ năm học 2020-2021. Ảnh: Hồng Thi
Tại hội nghị triển khai chương trình GDPT năm 2018, ông Nguyễn Văn Đông-Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT) cũng cho rằng đây là chương trình mở. Theo đó, địa phương, nhà trường, giáo viên có nhiều quyền và trách nhiệm hơn trong quá trình triển khai sao cho phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn của đơn vị. Để có thể thực hiện chương trình GDPT mới, những cơ sở giáo dục chưa tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cũng phải bố trí dạy ít nhất 6-8 buổi/tuần. Tiếp đó, phải từng bước đầu tư để dần chuyển hẳn sang dạy 2 buổi/ngày nhằm đảm bảo chất lượng cho con em địa phương không thiệt thòi so với học sinh nơi khác.
Bổ sung cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên
Muốn tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, điều kiện tiên quyết là phải đảm bảo cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên đứng lớp. Tuy nhiên, hiện tại, đây vẫn là vấn đề khó khăn ở tỉnh ta. Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, tỷ lệ phòng học/lớp chỉ đạt 0,87 phòng/lớp, chưa đủ 1 phòng/lớp để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Nhiều trường xây dựng lâu năm, phòng học đã xuống cấp nhưng chưa được đầu tư sửa chữa; còn thiếu phòng học chức năng như Tiếng Anh, Tin học, giáo dục nghệ thuật, thư viện, trang-thiết bị phục vụ dạy học theo chương trình mới. Hệ thống trường, lớp còn nhiều điểm lẻ ở vùng sâu, vùng xa. Thêm vào đó, tỷ lệ giáo viên/lớp bình quân cả tỉnh cũng chỉ đạt 1,24, chưa đủ 1,5 giáo viên/lớp theo yêu cầu để tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên chưa đồng đều; cơ cấu đội ngũ chưa hợp lý, một số nơi thiếu trầm trọng giáo viên Tiếng Anh, Tin học; thực hiện đổi mới phương pháp dạy học của một bộ phận giáo viên còn hạn chế…
 Nhiều trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn còn thiếu phòng học chức năng, giáo dục nghệ thuật. Ảnh: H.T
Nhiều trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn còn thiếu phòng học chức năng, giáo dục nghệ thuật. Ảnh: H.T

Chương trình GDPT mới được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu với lộ trình cụ thể như sau: Từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1; từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; từ năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; từ năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; từ năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12. So với chương trình hiện hành, chương trình GDPT năm 2018 có ít môn học hơn do thực hiện chủ trương tích hợp cao ở các lớp dưới. Tuy nhiên, chương trình này lại có thêm 2 môn học mới là Ngoại ngữ 1, Tin học và Công nghệ bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 5.


Ông Huỳnh Văn Tạo-Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Cao Bá Quát (xã Đak Song, huyện Kông Chro) chia sẻ: “Nhà trường nhiều lần đề xuất với UBND huyện, xã, Phòng GD-ĐT huyện hàng năm bố trí các nguồn vốn từ chương trình xây dựng nông thôn mới hoặc 135 để từng bước đầu tư bổ sung cơ sở vật chất cho trường. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp, lại không thể huy động xã hội hóa nên hiện cơ sở vật chất của trường còn thiếu khá nhiều, nhất là các phòng học chuyên biệt, sân chơi, bãi tập, nhà đa năng… Trường cũng chưa có giáo viên Tiếng Anh và Tin học. Do vậy, công tác dạy học theo chương trình mới dự báo sẽ gặp không ít khó khăn”.
Để khắc phục thực trạng này, bà Bùi Khoa Nghi-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT-cho biết: Sở đã xây dựng kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày trình UBND tỉnh phê duyệt nhằm đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị trường học để thực hiện GDPT theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Đồng thời, Sở chỉ đạo các Phòng GD-ĐT và cơ sở giáo dục tiểu học chủ động tham mưu, đề xuất với chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch ngân sách hàng năm cho việc thực hiện chương trình GDPT năm 2018; huy động thêm các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện; xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang-thiết bị dạy học tối thiểu đủ để triển khai dạy học 2 buổi/ngày, trước hết là chuẩn bị cho lớp 1 vào năm học 2020-2021; sửa chữa, sắp xếp cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có một cách hợp lý, nâng cao hiệu quả sử dụng…
Thực hiện chỉ đạo trên, ngành GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố không ngừng tăng cường các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất nhằm đảm bảo các điều kiện cần thiết, chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình GDPT năm 2018 trong năm học tới. Ông Chu Sỹ Lin-Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Krông Pa-cho biết: “Trong 5 năm qua, từ các chương trình, dự án, huyện đã được hỗ trợ kinh phí khoảng 215 tỷ đồng để xây dựng mới 147 phòng học, 12 nhà hiệu bộ, 5 nhà đa năng, 47 phòng học bộ môn, 31 phòng ở cho học sinh bán trú, 9 nhà bếp, nhà ăn, nhà vệ sinh cùng nhiều hạng mục công trình phụ trợ khác; đầu tư mua sắm trang-thiết bị cho hoạt động dạy học gồm 3 bể bơi, 20 hệ thống lọc nước sạch, 167 bộ máy tính, 81 máy chiếu đa năng, 7 bộ bảng thông minh, 7 hệ thống camera, 18 bộ đồ chơi ngoài trời. Đến nay, 100% trường tiểu học trên địa bàn huyện đều được tầng hóa, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 90%; 18/18 trường tiểu học đều có thiết bị dạy học các môn Tiếng Anh, Tin học và có phòng học dành riêng cho 2 bộ môn này; một số trường còn được đầu tư phòng Lap, ti vi thông minh được kết nối internet để sử dụng hàng ngày trên lớp học thay thế cho máy chiếu…”.
Về đội ngũ giáo viên, bên cạnh xây dựng phương án tuyển dụng đối với các địa phương có tỷ lệ giáo viên thấp, Sở GD-ĐT đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình, kế hoạch mà Bộ GD-ĐT ban hành trình UBND tỉnh. Theo đó, các Phòng GD-ĐT sẽ tham mưu phương án, bố trí kinh phí để thực hiện bồi dưỡng cho các đối tượng theo đúng tiến độ, trước mắt tập trung bồi dưỡng cho 100% cán bộ quản lý, tổ-khối trưởng, giáo viên cốt cán. Riêng giáo viên dạy lớp 1 sẽ hoàn thiện bồi dưỡng để dạy chương trình mới từ nay đến hè năm 2020.
“Để chương trình GDPT mới thực hiện đạt hiệu quả rất cần sự quan tâm của chính quyền các cấp, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các Phòng GDĐT, đặc biệt là sự chủ động của hiệu trưởng các trường trong việc xây dựng kế hoạch của nhà trường. Bên cạnh đó còn cần sự sáng tạo của giáo viên trong quá trình giảng dạy cũng như tuyên truyền sâu rộng tới cộng đồng, phụ huynh học sinh để cùng với nhà trường thực hiện tốt công cuộc đổi mới”-bà Bùi Khoa Nghi nhấn mạnh.
HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.