Kiềm chế tai nạn giao thông trên địa bàn Gia Lai: Cần sự vào cuộc quyết liệt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm nào cũng vậy, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán cũng luôn được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đặc biệt quan tâm. Tại Gia Lai, ngay từ giữa tháng 12-2019, UBND tỉnh Gia Lai đã có Công văn số 2873/UBND-NC chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Canh Tý và lễ hội xuân 2020.
Lực lượng CSGT Công an tỉnh ra quân tổng kiểm soát phương tiện giao thông. Ảnh: Thúy Trinh
Lực lượng CSGT Công an tỉnh ra quân tổng kiểm soát phương tiện giao thông. Ảnh: Thúy Trinh
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, các sở, ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kiềm chế tai nạn trên địa bàn. Đặc biệt, những ngày trước và trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn tỉnh đã đồng loạt ra quân tuần tra kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là những người vi phạm nồng độ cồn. Nhờ đó, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh đã được kiềm chế. Theo báo cáo của Ban An toàn Giao thông tỉnh, từ ngày 22 đến chiều 29-1 (tức từ ngày 28 tháng Chạp đến chiều mùng 5 Tết), toàn tỉnh xảy ra 5 vụ TNGT, làm chết 5 người, bị thương 7 người. So với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2019, TNGT giảm 1 vụ, không tăng về số người chết nhưng tăng 6 người bị thương. Dù chỉ giảm được về số vụ song đây vẫn là kết quả rất đáng ghi nhận của tỉnh ta, nhất là trong bối cảnh lưu lượng phương tiện tham gia giao thông dịp Tết tăng đột biến, người điều khiển phương tiện có tâm lý buông lỏng ý thức tuân thủ Luật Giao thông Đường bộ.
Thế nhưng, điều không ai ngờ là trong những giờ cuối cùng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, trên địa bàn tỉnh lại xảy ra một vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Vào tối 29-1, tại quốc lộ 14 (đoạn qua xã Ia Blang, huyện Chư Sê), một xe máy chở 3 (1 nam, 2 nữ, tuổi 17-18, cùng trú tại thôn Tao Kó, xã Ia Rong, huyện Chư Pưh) đã tông thẳng vào đầu xe khách của nhà xe Thuận Tiến đang trên đường chở khách vào TP. Hồ Chí Minh. Hậu quả, cả 3 thanh niên ngồi trên xe máy đều tử vong tại chỗ.
Mỗi vụ TNGT thường để lại rất nhiều nỗi đau. Càng đau đớn khi TNGT lại xảy ra vào những ngày mọi người, mọi nhà đang vui xuân, đón Tết, ai cũng cầu mong một năm mới bình an, hạnh phúc. Và càng đau đớn hơn khi những người tử nạn đều còn rất trẻ, có cả một tương lai rộng dài chờ đợi họ ở phía trước.
Nhìn vào những vụ TNGT xảy ra trên địa bàn tỉnh trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, chúng ta không khỏi giật mình khi hầu hết số vụ đều liên quan đến người dân tộc thiểu số. Trong đó, có những vụ TNGT như ở huyện Ia Pa ngày 22-1, ở huyện Chư Prông ngày 25-1, người điều khiển xe máy gây tai nạn mới chỉ 15-16 tuổi, chưa có giấy phép lái xe.
Trong năm 2019, tỉnh ta đã tiếp tục kéo giảm TNGT ở cả 3 chỉ số: số vụ, số người chết và số người bị thương so với năm 2018. Thế nhưng, có một con số đáng quan tâm là TNGT liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh năm 2019 lại tăng 2,45% so với năm 2018. Điều này cho thấy, việc kiềm chế TNGT của tỉnh vẫn chưa bền vững, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là nơi mà một bộ phận người dân còn hạn chế trong nhận thức, ý thức chấp hành các quy định pháp luật, trong đó có Luật Giao thông Đường bộ. Đây cũng là nơi mà công tác tuần tra kiểm soát của lực lượng Cảnh sát Giao thông còn có phần lơi lỏng, thiếu quyết liệt. Minh chứng cho điều này chính là những vụ TNGT xảy ra trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua.
Theo Kế hoạch Năm An toàn giao thông 2020 của UBND tỉnh, tỉnh ta phấn đấu kéo giảm TNGT 5-10% trở lên ở cả 3 chỉ số so với năm 2019. Đây rõ ràng là một nhiệm vụ đầy khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Trong đó, một giải pháp mang tính căn cơ là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số để nâng cao hơn nữa nhận thức, ý thức chấp hành Luật Giao thông Đường bộ. Đồng thời, lực lượng chức năng cần tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, chú trọng hơn nữa địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến TNGT. Có như vậy, tỉnh ta mới hy vọng đạt mục tiêu kéo giảm TNGT đề ra.
 LÊ HÀ

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.