Văn hóa chen lấn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Một người bạn nước ngoài có lần nói với tôi rằng văn hóa Việt Nam là “văn hóa chen lấn”. Dù hơi bất mãn với cách nhận xét của bạn nhưng cũng phải thừa nhận rằng với lối ứng xử tùy tiện, chỉ đề cao nhu cầu của cá nhân mình, người Việt đã tạo nên những hình ảnh thật xấu xí.  
Ảnh internet
Ảnh internet
Đơn cử, trong chuyện xếp hàng mua vé xem phim, khi cả hàng người dài vẫn đang rồng rắn xếp hàng nhẫn nại đợi, thì có một vài người cứ “hồn nhiên” chen lấn vào. Lần nọ, tại một cửa khẩu ở Thái Lan, tôi chứng kiến cảnh giữa lúc cả đoàn du khách nhẫn nại xếp hàng chờ đóng dấu hộ chiếu thì có 3 phụ nữ Việt ở đâu chạy tới: “Ở đây, ở đây nè, ở đây trống nè!” và thản nhiên đưa hộ chiếu của mình lên trước. Dù bị cả đoàn khách dành cho cái nhìn thiếu thiện cảm nhưng các cô vẫn cười nói như không. Một bác người Việt bực quá nhắc các cô xếp hàng thì bị mắng xối xả: “Đây xếp hàng cả buổi rồi nhá, chỉ là do lúc đó đông người quá nên quay ra, giờ thấy bớt người rồi nên quay lại, phải đi theo cho kịp xe, kịp đoàn trên kia kìa. Tôi là tôi lấy hàng trên này chứ có phải lấy hàng của nhà bác đâu mà nhà bác động lòng!”. Cả đoàn du khách đành ngán ngẩm lắc đầu nhường cho các cô xếp trước, còn bác người Việt chỉ biết cau mày lẩm bẩm: “Biết thế không mở miệng ra nói với chúng nó, làm người ta biết mình… cũng là người Việt”.
Mới đây nhất, tại Hà Nội do chen ngang vào hàng người rút tiền, một nam kỹ sư được một người phụ nữ nhắc nhở liền quay lại chửi bới. Đến khi không rút được tiền, anh này quay lại gây sự và thẳng tay tát người phụ nữ liền 2 cái khiến người này rơi vỡ điện thoại. Hành động xấu xí này được nam kỹ sư lý giải là do “nóng tính” (!?). Đấy là may còn có người dân xung quanh xúm lại can ngăn, nếu không vụ việc này có thể còn diễn biến xấu hơn.
Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ Siêu bão Hagibis đổ bộ vào Nhật Bản vào ngày 12-10 vừa qua đã gây nên những cảnh tượng hết sức khủng khiếp và khiến 11 người chết. Thế nhưng, sau khi cơn bão đi qua, người dân Nhật vẫn kiên trì xếp hàng dài để nhận viện trợ, tuyệt nhiên không có một sự chen lấn hỗn loạn nào. Điều này khiến tôi nhớ đến thảm họa kép động đất và sóng thần cũng xảy ra tại Nhật Bản vào năm 2011. Khi ấy, có một em bé khoảng 9 tuổi, mặc quần đùi áo cộc, đứng tận cuối hàng của đoàn người dài dằng dặc để chờ nhận đồ cứu trợ. Em được một người trong đoàn cứu trợ gọi riêng ra và phát cho túi lương khô, là phần của nhân viên này. Những tưởng em bé sẽ ăn ngấu nghiến khẩu phần đó, vậy mà em đã tiến lên đặt phần quà mình vừa nhận được vào thùng đồ cứu hộ để có thể có thêm phần chia đều cho mọi người, còn em lại tiếp tục trở về cuối hàng để đợi tới lượt mình.
Tại sao một cậu bé mới lớp 3 mà có thể xem việc xếp hàng như một việc đương nhiên và nhẫn nại đợi tới lượt mình? Trong khi đó, nhiều người lớn, thậm chí là một trí thức như đã nêu trên lại có thể hành xử như vậy? Chỉ có thể thở dài mà tự hỏi không biết đến bao giờ những việc cỏn con như xếp hàng cho có trật tự mới được một bộ phận không nhỏ người dân chấp hành một cách nghiêm túc và tự giác?
 KIM SƠN

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.