Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai lắng nghe, tháo gỡ vướng mắc trong khám-chữa bệnh BHYT

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 21-10, đồng chí Lê Phan Lương-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có buổi làm việc với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi và Bệnh viện Mắt Cao Nguyên về một số vấn đề “nóng” được các bệnh viện đề xuất, kiến nghị tìm biện pháp tháo gỡ nhằm thực hiện tốt công tác khám-chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Khó khăn, vướng mắc nổi cộm được đại diện các bệnh viện nêu ra tại buổi làm việc là việc chậm thanh toán chi phí khám-chữa bệnh BHYT khiến các cơ sở y tế gặp nhiều khó khăn về kinh phí hoạt động. Ông Phạm Bá Mỹ-Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh-cho biết: Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện là đơn vị tự chủ chi thường xuyên, kinh phí thực hiện các khoản chi là từ nguồn thu khám-chữa bệnh. Trong đó, riêng nguồn thu từ khám-chữa bệnh BHYT được bảo hiểm xã hội (BHXH) thanh toán chiếm 80% tổng nguồn thu của đơn vị.
Do đó, hàng năm nếu chỉ thực hiện tạm ứng 80% trên dự toán chi phí khám-chữa bệnh BHYT được giao, phần còn lại thanh toán vào quý IV năm sau thì đơn vị sẽ thiếu kinh phí hoạt động. Cụ thể, nguồn kinh phí khám-chữa bệnh BHYT năm 2018 hiện chưa được cơ quan BHXH thanh toán là 54,8 tỷ đồng. Trong khi đó, 9 tháng năm 2019, chi phí khám-chữa bệnh BHYT thực hiện vượt kinh phí cơ quan BHXH tạm ứng là trên 44 tỷ đồng cũng chưa được xem xét. “Để giảm bớt khó khăn về vấn đề kinh phí, Bệnh viện đề nghị BHXH thực hiện thanh toán hàng quý cho đơn vị theo điểm b, khoản 2, Điều 32 của Luật BHYT”-ông Mỹ đề xuất.     
 Quang cảnh buổi làm việc.  Ảnh: N.N
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: N.N
Ông Nguyễn Văn Lành-Giám đốc Bệnh viện Mắt Cao Nguyên thì cho rằng: Thời gian thanh-quyết toán chi phí khám-chữa bệnh BHYT chậm, gây khó khăn cho Bệnh viện, nhất là trong thanh toán tiền thuốc, vật tư y tế cho các đơn vị cung ứng. Tính đến nay, Bệnh viện vẫn chưa được thanh-quyết toán chi phí khám-chữa bệnh BHYT của quý IV-2018, quý I-2019 với tổng số tiền gần 12 tỷ đồng.
“Bảo hiểm Xã hội cần có văn bản hướng dẫn thực hiện kịp thời đối với các vướng mắc, kiến nghị của Bệnh viện trong quá trình thanh-quyết toán chi phí khám-chữa bệnh BHYT. Đồng thời, khi có các quy định mới về khám-chữa bệnh BHYT, đề nghị cơ quan BHXH thông tin ngay cho cơ sở y tế để kịp thời nắm bắt, tránh tình trạng sau khi bị từ chối thanh toán mới biết là có quy định mới”-ông Lành nêu ý kiến.
Không chỉ chậm thanh toán, việc giao dự toán chi phí khám-chữa bệnh BHYT cho các đơn vị y tế cũng chưa thật sự hợp lý. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho hay: “Bệnh viện Đa khoa tỉnh là bệnh viện tuyến cuối của tỉnh, số lượng bệnh nhân thu dung năm sau luôn cao hơn năm trước, chi phí khám-chữa bệnh BHYT cũng vì vậy tăng lên nhưng giao dự toán lại thấp so với thực tế. Cụ thể, chi phí khám-chữa bệnh BHYT thực hiện năm 2017 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh là gần 260 tỷ đồng nhưng giao dự toán năm 2018 chỉ có trên 221 tỷ đồng. Tương tự, chi phí khám-chữa bệnh BHYT thực hiện năm 2018 là trên 269 tỷ đồng nhưng giao dự toán của năm 2019 chỉ gần 258 tỷ đồng là không đủ cho công tác điều trị”. Đồng quan điểm, ông Lý Minh Thái-Giám đốc Bệnh viện Nhi-khẳng định: Giao dự toán chi phí khám-chữa bệnh BHYT hiện nay còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Bệnh viện Mắt Cao Nguyên cũng kiến nghị BHXH xác định dự toán chi phí phù hợp hơn với tình hình bệnh nhân đến khám-chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện.
Những vướng mắc nêu trên không phải là vấn đề mới nhưng hiện vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, chưa có sự thống nhất giữa cơ sở khám-chữa bệnh, ngành Y tế và ngành BHXH, nếu không kịp thời tháo gỡ sẽ gây ảnh hưởng lớn đến công tác khám-chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Lê Phan Lương-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ghi nhận kiến nghị, đề xuất của các bệnh viện; đồng thời cho biết Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sẽ tổng hợp, tham mưu, kiến nghị với Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành chức năng của tỉnh và Trung ương để sớm có chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, giúp công tác khám-chữa bệnh BHYT được triển khai thuận lợi. 
 NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.