Kbang: Xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xác định chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) và giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội địa phương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Kbang, Gia Lai đã đồng lòng chung sức thực hiện, mang lại những đổi thay tích cực trên hầu hết các lĩnh vực.



Những kết quả đáng ghi nhận

Là một trong 5 huyện trên cả nước được Trung ương chọn làm điểm xây dựng NTM nhưng Kbang lại là địa phương đặc biệt khó khăn, nguồn lực còn nhiều hạn chế. Cuối năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn đến 51,86%; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 8,61 triệu đồng/năm... Thế nhưng, sau 10 năm xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn của huyện đã từng bước đổi mới, hạ tầng thiết yếu về giao thông, văn hóa, y tế, giáo dục được cải thiện; sản xuất phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.

Ông Trần Xuân Nam-Chủ tịch UBND xã Tơ Tung-khẳng định: Qua 10 năm xây dựng NTM, số tiêu chí xã đạt được đã tăng từ 7 lên 14; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 7,78 triệu đồng/năm lên 18,3 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 12,86% so với trước đây là 66,97%. “Chúng tôi đang tăng cường chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể của xã và thôn, làng đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, phấn đấu giảm 6% hộ nghèo, nỗ lực hoàn thành 5 tiêu chí chưa đạt ngay trong năm 2019”-ông Nam cho biết.

Nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng không ngừng được đầu tư đồng bộ. Ảnh: M.N
Nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng không ngừng được đầu tư đồng bộ. Ảnh: M.N



Xác định xây dựng NTM nhằm nâng cao đời sống người dân nên mọi nguồn lực đã được huy động, tạo sức mạnh tổng hợp để giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo. Theo bà Đinh Thị Thu Hiền-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Kbang, đơn vị đã chủ động triển khai các chương trình tín dụng chính sách giúp hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và sử dụng hiệu quả nguồn vốn này. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã giải ngân 9 chương trình tín dụng với dư nợ hơn 94,4 tỷ đồng cho 2.509 lượt hộ vay. Vốn tín dụng chính sách có ý nghĩa quan trọng khi mỗi năm huyện Kbang giảm hơn 4% số hộ nghèo (tương đương 630 hộ).

Ông Hà Thanh Trung-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện cũng khẳng định điều này thông qua những con số “biết nói”. Cụ thể, cuối năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 51,86% (tương ứng 7.622 hộ) thì đến cuối năm 2018 giảm còn 11,85% (2.057 hộ). Từ 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, 3 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 80%, đến nay, huyện không còn xã nào có tỷ lệ hộ nghèo trên 30%; thu nhập bình quân đầu người được nâng lên 29,8 triệu đồng/năm.

Bên cạnh đó, phong trào xây dựng NTM còn giúp ngành Giáo dục và Đào tạo phát triển quy mô trường lớp, trang-thiết bị dạy và học, chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn được nâng lên. Ông Lê Thanh Hải-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện-cho hay: Bằng nhiều nguồn kinh phí lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách địa phương và nguồn lực xã hội hóa, huyện đã đầu tư kiên cố hóa trường lớp ngày càng khang trang. Công tác vận động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số học sinh ở các xã, thị trấn thay đổi tích cực. Bậc học mầm non huy động trẻ ra lớp đạt 98,6%; Tiểu học đạt 99,14%, THCS đạt 93,1%. “Cuối năm học 2018-2019, huyện có thêm 5 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn lên 32/46 trường, vượt chỉ tiêu đề ra”-ông Hải nhấn mạnh.

Nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu

Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2015-2020), Kbang đã có 5 chỉ tiêu vượt nghị quyết, 1 chỉ tiêu đạt và 8 chỉ tiêu đạt từ 90% trở lên. Để hoàn thành các chỉ tiêu, huyện đã tích cực hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng cánh đồng lớn, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản... Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã liên kết với người dân, các hợp tác xã trồng 61 ha dâu tằm; sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho 25 ha chanh dây, 37,8 ha sả Java; đầu tư trồng 10 ha cây mắc ca; liên kết nuôi bò Úc sinh sản với 70 hộ dân đăng ký; trồng mới 8 ha cây đương quy.

   Kbang phấn đấu đến năm 2020 trở thành huyện nông thôn mới
Kbang phấn đấu đến năm 2020 trở thành huyện nông thôn mới



Về thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các hội-đoàn thể làm tốt công tác ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, chuyển tải kịp thời nguồn vốn ưu đãi đến người dân, đồng thời kiện toàn các tổ tiết kiệm và vay vốn kém hiệu quả. Trong khi đó, ông Hà Thanh Trung cũng khẳng định sẽ tiếp tục tham mưu phân công chi bộ phụ trách làng và cơ quan, đơn vị giúp hộ nghèo thoát nghèo tại các xã: Krong, Đak Rong, Lơ Ku, Kon Pne; đôn đốc 59 cơ quan, đơn vị của huyện được phân công tích cực hướng dẫn, hỗ trợ 107 hộ dân xã Tơ Tung và Sơn Lang thoát nghèo; phấn đấu hoàn thành tiêu chí hộ nghèo để về đích NTM năm 2019.

Từ những kết quả đạt được, ông Huỳnh Trọng Khánh-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kbang-khẳng định: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện tiếp tục nỗ lực thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra. Trong đó, tiếp tục thúc đẩy phong trào thi đua “Kbang chung sức xây dựng NTM”. Song song với việc chỉ đạo tập trung phát triển kinh tế-xã hội, Đảng bộ huyện chú trọng xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ huyện đến cơ sở; củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức bộ máy; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.