Krông Pa: Chủ động phòng-chống thiên tai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước diễn biến ngày càng cực đoan của thời tiết, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra cho người dân, huyện Krông Pa, Gia Lai đã chủ động triển khai các biện pháp phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) năm 2019.
Krông Pa là một trong những địa phương có khí hậu tương đối khắc nghiệt, lượng mưa hàng năm thấp, phân bố không đều. Huyện còn có sông Ba chảy qua và nhiều suối lớn nên thường chịu ảnh hưởng thiên tai, gây nhiều thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân.
   Buôn Nu (xã Ia Rsươm) thường xuyên bị ngập úng vào mùa mưa.  Ảnh: L.N
Buôn Nu (xã Ia Rsươm) thường xuyên bị ngập úng vào mùa mưa. Ảnh: L.N
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, năm 2019, hiện tượng ENSO dự báo có xu hướng duy trì trạng thái El Nino và thiên tai tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường. Trước thực tế trên, công tác PCTT-TKCN được các cấp chính quyền huyện Krông Pa rất quan tâm, xem là một nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội. Ông Đinh Xuân Duyên-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Ngay từ đầu năm, nhận định tình hình thời tiết có thể diễn biến cực đoan, huyện đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp, các ngành để thống nhất công tác chỉ đạo, điều hành; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Ban Chỉ huy; bảo đảm chế độ thông tin, báo cáo kịp thời giữa Ban Chỉ huy các cấp, các ngành. Huyện cũng quán triệt nguyên tắc “chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả” và thực hiện phương châm “4 tại chỗ”; tăng cường công tác tuyên truyền Luật Phòng-chống thiên tai; nâng cao năng lực công tác dự báo, cảnh báo về thời tiết, thủy văn để thông báo kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng giúp người dân chủ động phòng tránh, xử lý, ứng phó kịp thời với các tình huống thiên tai xảy ra.
Đồng thời, huyện đã xây dựng phương án ứng phó bão mạnh, siêu bão, phòng tránh lũ quét. Các xã, thị trấn cũng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp như: vận động nhân dân phát quang, nạo vét dòng chảy; tháo dỡ, dọn dẹp những vật cản trên kênh, mương làm ách tắc dòng chảy, hạn chế việc tiêu thoát nước; kiểm tra và có kế hoạch chặt tỉa, đốn hạ cây xanh không an toàn; cắm biển cảnh báo tại những khu vực xung yếu, khu vực có nguy cơ cao về đuối nước để người dân biết. Ông Hà Văn Đường-Chủ tịch UBND xã Chư Rcăm-cho biết: “Hàng năm, chúng tôi thường xây dựng kỹ phương án PCTT-TKCN. Do địa bàn thường xuyên xảy ra lở đất dọc theo bờ sông Ba nên xã đã tiến hành cắm các biển cảnh báo khu vực nguy hiểm, di dời những hộ dân sống gần bờ sông vào trong khu vực an toàn. Đặc biệt, khi mưa lớn và khi thủy điện thông báo xả lũ, xã sẽ thông báo trực tiếp đến người dân qua hệ thống loa phát thanh và chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó”.
Tương tự, xã Ia Rsươm cũng là địa bàn thường xuyên bị ngập khi nước sông Ba dâng cao nên chính quyền và người dân đã chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng phương án PCTT-TKCN. Ông Hoàng Văn Trìu-Chủ tịch UBND xã Ia Rsươm-cho hay: Người dân các buôn: Nu, Phùm, Toác của xã sống và sản xuất gần sông Ba. Do đó, chúng tôi đã tập trung tuyên truyền và xây dựng phương án chi tiết khi có mưa lũ xảy ra để di dời người dân đến nơi an toàn. Ngoài ra, địa phương đã cắm các biển cảnh báo khu vực nguy hiểm và phân công cán bộ phụ trách giúp người dân tránh lũ; chuẩn bị sẵn sàng phương tiện để di dời dân ra khỏi vùng ngập lụt. Tuy nhiên, hiện nay, xã cũng còn nhiều khó khăn về phương tiện để vận chuyển di dời tài sản và người dân đến nơi an toàn. Người dân, nhất là người dân tộc thiểu số còn chủ quan, thường tắm sông hoặc lội qua sông khi mưa lũ.
Trao đổi với P.V, ông Đinh Xuân Duyên cho biết thêm: Để đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa lũ năm nay, UBND huyện đã lập tờ trình đề nghị UBND tỉnh đầu tư dự án chống sạt lở và di dời dân khẩn cấp tại các khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở bờ sông Ba. Cụ thể, huyện đề nghị đầu tư dự án xây dựng bờ kè chống sạt lở sông Ba, đoạn tả ngạn phía hạ du cầu Lệ Bắc thuộc xã Chư Rcăm vì đây là khu vực thường xảy ra sạt lở, ảnh hưởng trực tiếp đến hạ lưu chân cầu Lệ Bắc, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế khu vực trung tâm xã Chư Rcăm và 3 buôn của xã này; dự án bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai buôn Hlang (xã Chư Rcăm) với quy mô 102 hộ/475 khẩu; dự án di cư cấp bách vùng thiên tai xã Ia Rsươm với quy mô 31 hộ/165 khẩu; dự án di dân vùng sạt lở xã Ia Rsai với quy mô 170 hộ/875 khẩu.       
Cũng theo ông Duyên, Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện Krông Pa xác định khi thiên tai xảy ra phải phát triển hệ thống thông tin cảnh báo theo chiều từ trung tâm xuống cơ sở, từ huyện xuống xã, từ xã xuống thôn để mọi người phòng tránh có hiệu quả. Lập kế hoạch quản lý, đầu tư trang bị bổ sung các phương tiện, trang-thiết bị đáp ứng yêu cầu tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Kiểm tra việc bảo đảm an toàn cho các hồ thủy lợi, đập thủy điện trước mùa mưa bão để có kế hoạch sửa chữa kịp thời những hư hỏng. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ để theo dõi, thông báo, cảnh báo, tham mưu kịp thời các biện pháp phòng-chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
 LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.