Chư Prông: Nhiều công trình nước không phát huy hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ nhiều nguồn vốn khác nhau, huyện Chư Prông (Gia Lai) được đầu tư xây dựng 18 công trình nước sinh hoạt tập trung để phục vụ người dân. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, một số công trình không phát huy được hiệu quả, gây lãng phí vốn đầu tư.
Nhà bà Rơ Lan Aroang (làng Griêng, xã Ia Boòng) chỉ cách công trình nước sinh hoạt tập trung khoảng hơn 100 m. Vậy nhưng, hàng ngày gia đình bà vẫn phải đi bộ ra con suối cách nhà hơn 2 km để lấy nước về sử dụng. Theo bà Aroang, khi công trình nước sinh hoạt được xây dựng, bà con rất phấn khởi vì không phải ra suối lấy nước, lại có nguồn nước đảm bảo vệ sinh. Tuy nhiên, cách đây hơn 5 năm, công trình bị hỏng nên người dân lại gặp khó khăn về nước sinh hoạt. “Khi công trình hỏng, mình đã đào giếng để lấy nước sinh hoạt. Nhưng hiện giếng của gia đình bị sạt lở khiến nước đục, lại hay bị thiếu vào mùa khô. Vì vậy, gia đình lại phải ra suối lấy nước về dùng”-bà Aroang cho biết.
  Công trình nước sinh hoạt tập trung làng Griêng (xã Ia Boòng) ngưng hoạt động do bị hỏng.           Ảnh: N.H
Công trình nước sinh hoạt tập trung làng Griêng (xã Ia Boòng) ngưng hoạt động do bị hỏng. Ảnh: N.H
Dẫn chúng tôi ra công trình nước sinh hoạt tập trung, ông Rơ Châm Nhúc-Trưởng thôn Griêng-cho hay: Công trình này được đầu tư xây dựng để phục vụ nước sinh hoạt cho 250 hộ dân ở 3 làng: Griêng, Briêng và Tnao. Hiện nay, hệ thống ống nước bị bể, rỉ sét, máy bơm nước thì cháy và một số đồng hồ bị hư nên không vận hành được. Người dân trong làng không có nước sử dụng nên phải đào giếng hoặc đi lấy nước ở các con suối dù biết rằng không đảm bảo vệ sinh.
Về vấn đề này, ông Đoàn Anh Ngọc-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Boòng-cho hay: Công trình nước sinh hoạt tập trung làng Griêng được xây dựng vào năm 2007, do huyện làm chủ đầu tư với kinh phí 1,2 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 134. Khi công trình bị hỏng, xã đã thuê người đến kiểm tra để xác định nguyên nhân và dự toán kinh phí sửa chữa. Tuy nhiên, do kinh phí sửa chữa quá cao nên xã đã báo cáo lên UBND huyện để đề xuất cấp trên hỗ trợ.
Tương tự, công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy làng Khôi (xã Ia Ga) được xây dựng theo Chương trình 134 từ năm 2006 với kinh phí hơn 170 triệu đồng hiện cũng không phát huy được hiệu quả. Công trình này được xây dựng với công suất 20 m3/ngày phục vụ cấp nước cho 70 hộ dân nhưng đến nay chỉ đủ cấp cho 10 hộ ở đầu nguồn (2 m3/ngày). Bà Phạm Thị Hiền-Chủ tịch UBND xã Ia Ga-cho hay: Cách đây 7 năm, công trình này đã không còn cung cấp đủ nước cho người dân sử dụng. Nguyên nhân là do nguồn nước mặt bị cạn kiệt. Để cải thiện tình hình, một số hộ dân trong làng đã tự đào giếng và san sẻ nước cho nhau cùng sử dụng. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt tập trung của các hộ dân vẫn còn cao nên Nhà nước cần quan tâm đầu tư xây dựng công trình mới phục vụ đời sống người dân.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Luyến-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông-cho biết: Toàn huyện hiện có 18 công trình nước sinh hoạt tập trung nông thôn. Trong đó, 4 công trình do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường tỉnh làm chủ đầu tư, 1 công trình do Trung ương Đoàn làm chủ đầu tư và 13 công trình do UBND huyện làm chủ đầu tư. Sau khi xây dựng, UBND huyện đã bàn giao 18 công trình này cho UBND các xã trực tiếp quản lý, sử dụng. Để công trình hoạt động hiệu quả, các địa phương đã thành lập tổ tự quản có trách nhiệm quản lý, trông coi, bảo dưỡng. Tuy nhiên, đến nay, ngoài 13 công trình đang hoạt động hiệu quả thì có 4 công trình ở làng Griêng (xã Ia Boòng), làng Bạc (xã Ia Phìn), làng Ring (xã Ia Mơr) và làng Kành, làng Bàng (xã Bình Giáo) đã ngưng hoạt động; 1 công trình hoạt động kém hiệu quả ở làng Khôi. Nguyên nhân chủ yếu do mực nước cạn kiệt hoặc máy móc; hệ thống ống bị hỏng nhưng không được bảo dưỡng, sửa chữa vì kinh phí quá lớn; người dân không đóng tiền điện để vận hành...
Cũng theo ông Luyến, huyện Chư Prông đã tiến hành khảo sát, đánh giá lại thực trạng từng công trình để có phương án xử lý. “Đối với công trình cấp nước sinh hoạt làng Ring thì xã Ia Mơr sẽ tự bố trí kinh phí sửa chữa. Với công trình nước sinh hoạt tập trung làng Griêng, Phòng sẽ khảo sát, đánh giá lại hiện trạng để đề xuất UBND huyện phân bổ kinh phí sửa chữa theo từng năm. Công trình cấp nước tự chảy làng Khôi thì huyện đã đưa vào kế hoạch xin đầu tư công trình mới dưới dạng giếng khoan trong giai đoạn 2021-2025 và đã gửi kế hoạch lên Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT). Riêng đối với công trình làng Bạc, làng Kành và làng Bàng, kết quả khảo sát cho thấy người dân không còn nhu cầu sử dụng nữa nên nếu sửa chữa cũng thêm lãng phí. Vì vậy, Phòng sẽ hướng dẫn các xã làm hồ sơ thanh lý các công trình này”-ông Luyến thông tin.
 NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.