Nghiên cứu dư luận xã hội: Lĩnh vực cần quan tâm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội (DLXH) là cơ sở để cấp ủy các cấp ban hành những chủ trương, chính sách phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Nhiều năm qua, vấn đề này luôn được tỉnh ta chú trọng, qua đó đã không ngừng nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng trong tình hình mới. 
Thực hiện Kết luận số 100-KL/TW ngày 18-8-2014 của Ban Bí thư (khóa XI) về việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu DLXH (Kết luận 100), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành Quy chế hoạt động quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đối với đội ngũ cộng tác viên và Quyết định thành lập đội ngũ cộng tác viên DLXH cấp tỉnh nhiệm kỳ 2015-2021; đồng thời chỉ đạo Ban Tuyên giáo (tuyên huấn) cấp ủy cấp huyện và tương đương chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nắm bắt, phản ánh DLXH cũng như nâng cao chất lượng báo cáo của cộng tác viên toàn tỉnh. Đội ngũ cộng tác viên DLXH từ cấp tỉnh đến cấp huyện đều được ký hợp đồng triển khai nhiệm vụ, công việc và chi trả chế độ theo đúng hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Kịp thời định hướng DLXH
Ông Trần Đức Hùng-Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác Tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) cho biết: Từ khi có Kết luận 100, công tác nắm bắt và nghiên cứu DLXH để phục vụ công tác tham mưu đã đạt những kết quả đáng khích lệ, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Để chủ động nắm bắt thông tin và định hướng DLXH, đội ngũ cộng tác viên DLXH các cấp thường xuyên tham dự các buổi giao ban khối; đồng thời chuyển đến các cơ quan chức năng xem xét, tổ chức kiểm tra, thẩm định và có thông tin phản hồi những vấn đề dư luận quan tâm. Thông qua đội ngũ cộng tác viên DLXH và các phương tiện thông tin đại chúng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã nắm bắt, tập hợp tình hình DLXH trên địa bàn toàn diện và kịp thời.
  Gặp gỡ, trao đổi trực tiếp là một trong những cách để nắm bắt, phản ánh kịp thời các vấn đề mà dư luận đang quan tâm. Ảnh: H.T
Gặp gỡ, trao đổi trực tiếp là một trong những cách để nắm bắt, phản ánh kịp thời các vấn đề mà dư luận đang quan tâm. Ảnh: H.T
Bên cạnh đó, các cuộc điều tra, thăm dò DLXH theo chuyên đề, điều tra nhanh, điều tra bằng điện thoại và đột xuất trên phạm vi toàn tỉnh cũng được chú trọng. Trong giai đoạn 2014-2019, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tiến hành hơn 10 cuộc điều tra DLXH với trung bình 1.000 phiếu/cuộc trên tất cả các lĩnh vực như: kết quả sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị trên địa bàn tỉnh; kết quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; công tác giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025; tình hình, kết quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh; về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh; kết quả sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…
 “Công tác này không ngừng được đổi mới cả về nội dung và phương pháp tiến hành, đã huy động được Ban Tuyên giáo cấp ủy cấp huyện và tương đương, mà nòng cốt là mạng lưới cộng tác viên DLXH tham gia. Kết quả thu thập được từ các cuộc điều tra DLXH đã phản ánh tương đối kịp thời, chính xác, khách quan, trung thực tình hình thực tiễn; là cơ sở để các cấp ủy Đảng, chính quyền kịp thời có những giải pháp cụ thể trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, tạo sự đồng thuận trong nhân dân địa phương”-ông Hùng đánh giá.
Cùng với cấp tỉnh, cấp ủy một số địa phương như: Pleiku, Phú Thiện, Ayun Pa, Kbang… cũng đã tiến hành các cuộc điều tra DLXH về những vấn đề được quan tâm. Ông Huỳnh Ngọc Bảo Long-Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Kbang-cho hay: “Ngoài tham gia 4 cuộc điều tra DLXH của tỉnh, Ban Tuyên giáo Huyện ủy còn tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy xây dựng kế hoạch, phương án, bộ câu hỏi và tổ chức điều tra DLXH về việc huy động kinh phí của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-2017); việc thành lập và tổ chức hoạt động của lực lượng tuyên truyền viên cơ sở nhiệm kỳ 2015-2020. Huyện cũng đang chuẩn bị tổ chức điều tra DLXH trong năm 2019 về kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn”.
Tháng 3-2019, huyện Kbang cũng đã thành lập đội ngũ cộng tác viên DLXH cấp huyện. Ngay sau đó, đội ngũ này đã bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao và địa bàn được phân công phụ trách, tích cực tham gia các phong trào ở cơ sở; kịp thời nắm bắt thông tin, DLXH của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn đối với những vấn đề chung như: công tác đấu tranh phòng-chống tham nhũng; công tác quản lý và bảo vệ rừng; chủ trương phát triển du lịch, phát triển cây dược liệu, phát triển diện tích trồng cây ăn quả, trồng dâu nuôi tằm… Ông Nguyễn Tiến Ninh-Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Krong-chia sẻ: “Tôi luôn chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân thông qua các cuộc giao ban với thôn, làng, tổ chức đoàn thể định kỳ hàng tuần, hàng tháng hoặc trực tiếp gặp gỡ, trò chuyện thường xuyên với bà con, từ đó tuyên truyền và kịp thời giải quyết những vướng mắc ngay từ cơ sở, không để phát sinh “điểm nóng”. Mối quan tâm lớn nhất của người dân trong xã chủ yếu là công tác quản lý, bảo vệ rừng và việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi”.
Khắc phục hạn chế, bất cập
Bên cạnh kết quả đạt được, theo Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác Tuyên giáo, công tác nắm bắt DLXH trên địa bàn tỉnh có lúc, có nơi còn chưa kịp thời. Việc phản ánh, báo cáo còn sơ sài, ít thông tin, chưa đi sâu phân tích, đánh giá, chưa dự báo chuẩn xác các luồng tư tưởng có thể phát sinh tiêu cực. Hoạt động của đội ngũ cộng tác viên DLXH các cấp đôi lúc còn chạy theo sự vụ, thiếu tập trung cho các lĩnh vực trọng yếu; còn tình trạng né tránh, ngại cung cấp thông tin nhất là các thông tin trái chiều, thông tin có tính nội bộ vì sợ ảnh hưởng đến thành tích chung. Một bộ phận cộng tác viên chưa thực sự phát huy tốt vai trò nắm bắt, phản ánh tình hình; khả năng phân tích, dự báo và định hướng dư luận còn hạn chế. Một số địa phương vẫn chưa thành lập đội ngũ cộng tác viên DLXH cấp huyện; chưa tổ chức được các cuộc điều tra, thăm dò DLXH về những vấn đề người dân quan tâm; phương pháp nắm bắt, điều tra, nghiên cứu DLXH chủ yếu vẫn theo lối cũ, chưa cập nhật kịp thời các phương pháp mới, hiện đại, nhất là hình thức điều tra nhanh...
Các địa phương tổ chức hội nghị tuyên truyền viên cơ sở nhằm cung cấp thông tin tuyên truyền, định hướng DLXH trên địa bàn. Ảnh: Hồng Thi
Các địa phương tổ chức hội nghị tuyên truyền viên cơ sở nhằm cung cấp thông tin tuyên truyền, định hướng DLXH trên địa bàn. Ảnh: Hồng Thi

Trong giai đoạn 2014-2019, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức 4 lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác chính trị, tư tưởng; 4 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác báo cáo viên cho gần 200 cán bộ làm công tác tuyên giáo cơ sở và báo cáo viên các cấp. Riêng trong năm 2018, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã mở 3 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cộng tác viên DLXH cấp huyện cho 224 người. Các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy và Đảng ủy trực thuộc đã tổ chức gần 100 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên đề về công tác tuyên giáo và nắm bắt DLXH ở cơ sở.

Ia Pa là địa phương duy nhất của tỉnh chưa thành lập được đội ngũ cộng tác viên DLXH cấp huyện. Lý giải vấn đề này, ông Phạm Văn Đức-Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Ia Pa-cho hay: Trước đây, Ban Tuyên giáo Huyện ủy thiếu nhân sự, chỉ vừa mới được bổ sung thời gian gần đây nên công tác lãnh đạo, chỉ đạo về vấn đề này chưa sâu sát, kịp thời. Việc nắm bắt tình hình DLXH trên địa bàn huyện thời gian qua chủ yếu được thực hiện thông qua báo cáo từ các đơn vị, địa phương và các lực lượng như: người có uy tín, già làng, trưởng thôn, lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở cơ sở, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, các phương tiện thông tin đại chúng… Hiện chúng tôi đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy để thành lập, đồng thời lựa chọn cộng tác viên là những người có năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ về xã hội học, tâm lý học; có trình độ chính trị, hiểu biết toàn diện về các lĩnh vực; có trách nhiệm và khả năng nắm bắt, xử lý thông tin cũng như có khả năng đối thoại, thuyết phục, giải thích và định hướng DLXH.
Trên cơ sở kết quả đạt được, ông Hùng cho biết, thời gian đến, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể của tỉnh sẽ tiếp tục bám sát nhiệm vụ chính trị quan trọng; quan tâm nắm bắt, phát hiện những vấn đề nổi cộm, bức xúc của người dân để kịp thời giải quyết; tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp nắm bắt, nghiên cứu thực tiễn. Đồng thời, xác định thời điểm tập trung nắm bắt DLXH là dịp diễn ra sự kiện chính trị quan trọng của cả nước và địa phương; chuẩn bị nhân sự đại hội Đảng các cấp; các ngày lễ, kỷ niệm lớn; thời điểm ban hành các chủ trương, chính sách liên quan đến dân tộc, tôn giáo, chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, công tác phòng-chống tham nhũng. Cùng với đó, tỉnh sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng các cuộc điều tra, thăm dò DLXH; cung cấp những chứng cứ khoa học, cơ sở thực tiễn trong quá trình xây dựng các nghị quyết, chỉ thị, đề án... tại địa phương; phối hợp hiệu quả với Trung ương, các địa phương, đơn vị trong việc cung cấp thông tin hai chiều, định hướng thông tin, định hướng dư luận; duy trì cơ chế phản hồi thông tin, giải trình, xử lý những vấn đề dư luận quan tâm…
 HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.