Giúp người lầm lỗi vươn lên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Được sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể thị trấn Đak Đoa, nhiều đối tượng từng lầm lỡ vượt biên sang Campuchia hay vì thiếu hiểu biết mà sa vào vòng lao lý đã dần vượt qua mặc cảm lỗi lầm để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Về với đời thường  
Do nhẹ dạ cả tin, nghe theo lời dụ dỗ của kẻ xấu, anh Chưn (SN 1975, thôn Hlâm) đã 2 lần tìm cách vượt biên sang Campuchia để kiếm tìm một cuộc sống sung sướng. Sau lần đầu không thành, năm 2016, anh bán hết tài sản được 25 triệu đồng và rời bỏ vợ con để thực hiện chuyến đi thứ 2. Thế nhưng, lần này anh tiếp tục thất bại và phải trở về địa phương với 2 bàn tay trắng. Không có vốn liếng, đất sản xuất cũng không có, cuộc sống của gia đình rơi vào cảnh khó khăn, túng thiếu.
Được Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn giúp đỡ, bà H.T.H. (tổ 7) đã mở được một quán nước nhỏ để kiếm sống. Ảnh: Nhật Hào
Được Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn giúp đỡ, bà H.T.H. (tổ 7) đã mở được một quán nước nhỏ để kiếm sống. Ảnh: Nhật Hào
Trước hoàn cảnh của anh Chưn, năm 2017, UBND thị trấn Đak Đoa đã trực tiếp làm việc với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện giúp gia đình vay 40 triệu đồng để đầu tư vào sản xuất. Từ số tiền này, anh đã động viên các con góp thêm 110 triệu đồng để mua 4 ha đất trống tại xã Kon Gang làm tư liệu sản xuất. Tuy đất xấu nhưng nhờ chăm chỉ cải tạo, anh Chưn và các con đã trồng được gần 2 ha cà phê và 2 ha mì. Hiện tại, cà phê đang phát triển tốt, 2 ha mì mỗi năm cũng mang lại nguồn thu gần 50 triệu đồng. “Sau khi trở về quê hương, được cán bộ Công an và các già làng phân tích, mình nhận ra sai lầm và giờ không còn ý định vượt biên. Hơn nữa, việc chính quyền giúp vay vốn để phát triển sản xuất đã cho mình thêm động lực vượt qua khó khăn, quyết tâm làm kinh tế thật tốt để ổn định cuộc sống”-anh Chưn cho biết.
Vì cuộc sống khó khăn nên bà H.T.H. (tổ 7) từng tham gia hoạt động ghi lô đề để kiếm thêm thu nhập. Bà H. không ngờ điều ấy đã đẩy bà vào vòng lao lý. Trong 6 tháng chấp hành án phạt tù, kinh tế gia đình bà sa sút, 3 người con phải vừa học vừa đi làm thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Thương con, sau khi chấp hành xong án phạt tù, bà H. quyết tâm làm lại từ đầu để tiếp tục là điểm tựa cho các con. Thế nhưng, cuộc sống sau những chuỗi ngày lầm lỡ của bà quả không dễ dàng khi không có vốn làm ăn, cùng lúc 2 người con lại bước vào giảng đường đại học. “Nhờ được Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn giúp vay 30 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, tôi đã giải quyết được khó khăn trước mắt. Các con cũng không phải từ bỏ ước mơ vào giảng đường đại học và tôi cũng có điều kiện mở một quán nước nhỏ để kiếm sống. Hiện mỗi tháng, gia đình cũng thu được 4-5 triệu đồng từ quán nước này để trang trải các khoản chi tiêu”-bà H. cho hay.
Trong khi đó, trẻ người và thiếu hiểu biết nên N.Đ.T. (tổ 2) đã phải chịu án 4 năm 5 tháng tù vì tội “Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy”. Trước đó, T. vốn được đánh giá là một thanh niên ngoan hiền ở địa phương. Sau khi đi học xa nhà, T. kết giao với nhiều bạn học mới. Trong một lần đưa bạn về phòng trọ chơi, biết bạn mình sử dụng chất ma túy nhưng T. vẫn bao che mà không báo cho Công an. Tháng 9-2016, sau khi chấp hành xong án phạt tù, T. trở về địa phương. Được sự cảm thông, động viên, giúp đỡ của cộng đồng và gia đình, T. nhanh chóng ổn định tư tưởng, lập gia đình rồi chăm lo làm ăn. Đặc biệt, hiểu được sai trái của mình, T. quyết tâm tham gia Tổ an ninh tự quản để góp phần ổn định an ninh trật tự trên địa bàn. Với vai trò là Tổ trưởng, T. cùng các thành viên trong tổ đã tích cực tham gia các hoạt động hòa giải, tuần tra bảo vệ nông sản, giải quyết các sự vụ xảy ra trên địa bàn và cung cấp nhiều thông tin quan trọng về an ninh trật tự cho lực lượng Công an.
Tạo cơ hội tái hòa nhập cộng đồng 
Trao đổi với P.V, Trưởng Công an thị trấn Đak Đoa Dương Ngọc Hà cho biết: Từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn thị trấn có khoảng hơn 100 đối tượng chấp hành xong án phạt tù và 1 đối tượng từng nhẹ dạ cả tin nghe theo kẻ xấu vượt biên trở về địa phương sinh sống. Để quản lý tốt các đối tượng này, định kỳ hàng tháng, hàng quý, Công an thị trấn đều tổ chức gọi hỏi, giáo dục, đồng thời tham mưu Đảng ủy, UBND thị trấn chỉ đạo, phân công cán bộ các thôn, tổ dân phố quản lý, giáo dục, kèm cặp, giúp đỡ các đối tượng sớm tái hòa nhập cộng đồng. Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị đã phối hợp khảo sát, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng và có nhiều hoạt động hỗ trợ như: cấp cây-con giống, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn, tư vấn dạy nghề; miễn các khoản đóng góp nghĩa vụ hàng năm đối với các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn; vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp nhận người chấp hành xong án phạt tù vào làm việc...
Tuy nhiên, theo ông Hà, khó khăn lớn nhất hiện nay là số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoạt động trên địa bàn thị trấn không nhiều, chủ yếu thu mua nông sản nên việc tuyển nhân công thường theo thời vụ. Bên cạnh đó, một số đối tượng vẫn còn tâm lý tự ti khiến việc hợp tác, giúp đỡ, tư vấn, định hướng việc làm gặp nhiều khó khăn. 
“Chúng tôi đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ mặc cảm kỳ thị; giúp đỡ về pháp lý, khảo sát lại nhu cầu và đẩy mạnh các hoạt động tư vấn dạy nghề, hỗ trợ về vốn, cây-con giống cho các đối tượng từng lầm lỡ. Đồng thời, có cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp nhận, bố trí việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù. Ngoài ra, thị trấn cũng tổ chức sơ kết, tổng kết định kỳ để đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ; nhân rộng các mô hình tái hòa nhập cộng đồng tiêu biểu; kịp thời biểu dương, khen thưởng những người chấp hành xong án phạt tù tiêu biểu trong lao động, kinh doanh, sản xuất giỏi... để khuyến khích thực hiện hiệu quả hoạt động quản lý, giáo dục, giúp đỡ các đối tượng lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng”-Trưởng Công an thị trấn Đak Đoa thông tin.
Nhật Hào

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.