"Trồng người" ở Đak Smar

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Dù chất lượng giáo dục đã được nâng lên và cơ sở vật chất khang trang hơn nhưng nhà trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi nhà vệ sinh của học sinh hỏng nặng; nhà vệ sinh, nhà tắm, phòng ở của giáo viên không có”-thầy Nguyễn Thế Anh-Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Đak Smar (xã Đak Smar, huyện Kbang, Gia Lai) chia sẻ.
Khó khăn trăm bề 
Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Đak Smar cách trung tâm huyện Kbang khoảng 30 km. Chúng tôi đến thăm trường đúng hôm trời mưa giông. Nước mưa cuốn theo đất đỏ ngầu chảy lênh láng sân trường. Nhiều giáo viên quên cả áo mưa lao vội ra sân khơi dòng thoát nước. Nước rút đi, bùn đất nhão nhoẹt ở lại trên sân trường rồi đóng tảng dưới đế dép, giày. Dấu đỏ bàn chân vừa xỏ qua dép lại in lên nền gạch hoa 1 dãy cấp bốn là nơi sinh hoạt của giáo viên trường, gồm 1 phòng làm việc của lãnh đạo trường, 1 phòng họp và 2 phòng ở của giáo viên. 
Trò chuyện cùng chúng tôi, cô Chu Thị Phương-người có thâm niên công tác ở trường hơn 20 năm-kể: “Nay đỡ hơn trước nhiều rồi đấy. Hồi mới chuyển vào đây, chúng tôi vất lắm, thiếu thốn đủ thứ. Khó nhất là thiếu nước, nhà trường chỉ có 1 giếng nước mà có mấy chục con người dùng nên luôn thiếu. Để có đủ nước phải hứng nước mưa và đi xin nhà dân quanh đây. Mới đây, có nhà hảo tâm về thăm trường thấy thế bèn cho tiền khoan một cái giếng nên tạm đủ nước”.
 Cô và trò Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Đak Smar. Ảnh: N.T
Cô và trò Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Đak Smar. Ảnh: N.T
Anh Ba-nhân viên bảo vệ trường-tiếp lời: “Khi tôi mới nhận vào làm, trường chỉ có khu nhà chính thôi. Cây cối xanh tốt như bây giờ đều là do thầy cô xin về trồng. Tất cả các công trình phụ trợ quanh trường như sân bóng mi ni, đường đi nội bộ có mái che, hoa viên... đều do cán bộ, giáo viên chung tay làm. Ví như con đường dài 30 m nối khu hiệu bộ với khu dạy có mái che này là do chúng tôi tự làm nên. Nhờ có con đường này mà việc đi lại trong mùa mưa cũng đỡ hơn”.
Để có kinh phí làm các công trình phụ trợ quanh trường, nhà trường tổ chức tăng gia bằng hình thức nuôi heo, đóng góp tiền và ngày công, đồng thời vận động phụ huynh chung tay giúp đỡ. Hiện nay, điều mà tập thể Hội đồng sư phạm nhà trường luôn đau đáu nhưng chưa thực hiện được là việc xây thêm nhà vệ sinh. “Toàn trường có 256 người gồm cả giáo viên và học sinh, trong đó, có gần 150 người ở cả ngày lẫn đêm tại trường từ thứ hai đến thứ sáu nhưng trường chỉ có 2 phòng vệ sinh. Điều đáng nói là 2 phòng này đều đã hư hỏng. Mưa thì dột tứ bề, lại thường xuyên bị tắc nghẽn. Hệ thống ống dẫn nước không có, phải xách từng thùng. Chúng tôi muốn làm nhưng không có tiền”-thầy Nguyễn Thế Anh chia sẻ.
Nâng cao chất lượng dạy và học
Vượt lên những khó khăn, thầy trò Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Đak Smar đang có những tiến bộ trong công tác dạy và học, nhất là công tác duy trì sĩ số học sinh. Ở một ngôi trường mà có hơn 98% học sinh là dân tộc thiểu số thì việc duy trì học sinh là không hề dễ dàng. Đặc biệt là có những ngôi làng cách trường 3-5 km. Xa nhất là làng Krối với khoảng cách từ nhà đến trường là 5 km. Tuy nhiên, 3 năm học gần đây, tỷ lệ duy trì sĩ số học sinh từng bước được nâng lên. Kết thúc năm học 2018-2019, tỷ lệ duy trì sĩ số học sinh của trường đạt 99%. “Có được điều này là nhờ sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và nỗ lực của giáo viên. Chúng tôi áp dụng phương châm “mưa dầm thấm lâu”, ngoài vận động phụ huynh thì đến nhà tìm chở học sinh đi học nên họ tin tưởng; đặc biệt là nhờ vào mô hình nội trú này. Các em được ăn uống đảm bảo hơn và đông bạn chơi nên thích đến trường, đến lớp”-Hiệu trưởng nhà trường cho hay.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, người dân trong xã đã ngày một quan tâm hơn đến việc học của con em mình. “Ý thức của phụ huynh khác trước nhiều lắm. Họ đã biết lo cho con cái. Mấy năm gần đây, khi nghe nhà trường báo có việc là họ đến liền. Cũng không còn tình trạng lên bắt học sinh về đi rẫy khi tới mùa chọc tỉa hay thu hoạch như trước”-thầy Cao Ngọc Kỳ-giáo viên dạy môn Tiếng Anh-chia sẻ. 
Kết thúc năm học 2018-2019, ở hệ THCS, toàn trường có 4 học sinh đạt loại giỏi, chiếm tỷ lệ 5,9%; 29 học sinh đạt loại khá, chiếm tỷ lệ 34,1%; 52 học sinh trung bình, đạt tỷ lệ 61%; không có học sinh xếp loại yếu, kém; về hạnh kiểm: 74 em đạt hạnh kiểm tốt, đạt tỷ lệ 87,1%; 11 em đạt loại khá, đạt tỷ lệ 12,9%. Đối với hệ Tiểu học, kết thúc năm học 2018-2019, 150/150 học sinh hoàn thành chương trình học.
Ông Lê Thanh Hải-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kbang-nhận xét: “Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Đak Smar mới được thành lập nên còn nhiều khó khăn. Dù vậy, thầy và trò nhà trường đã từng bước nỗ lực phấn đấu, đạt được những kết quả đáng mừng trong công tác dạy và học. Đối với những khó khăn về cơ sở vật chất của nhà trường, chúng tôi đang trình UBND huyện xem xét, tìm phương án giải quyết”.
 NGUYỄN TÚ

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.