Giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho cộng đồng: Hiệu quả thiết thực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Được thụ hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), các nhóm hộ, cộng đồng làng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có thêm nguồn thu nhập ổn định để từng bước cải thiện cuộc sống. Từ đó, họ ra sức quản lý, bảo vệ những diện tích rừng nhận khoán, ngăn chặn kịp thời tình trạng xâm hại tài nguyên rừng.
Cộng đồng chống lâm tặc
Ông Bới-Trưởng thôn, kiêm Trưởng ban quản lý rừng cộng đồng làng Tar (xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang) cho biết: Làng có 160 hộ tham gia nhận khoán quản lý, bảo vệ hơn 2.128 ha rừng, thu nhập bình quân từ tiền chi trả DVMTR đạt 2,2 triệu đồng đến 3 triệu đồng/hộ/năm. Nguồn thu nhập này đã góp phần cải thiện đời sống người dân, góp phần ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất rừng làm rẫy, khai thác gỗ trái phép. Một số hộ dân lỡ vi phạm “Quy ước bảo vệ và phát triển rừng của làng” đều bị đưa ra nhắc nhở, kiểm điểm, xử phạt và không được chi trả khoản tiền DVMTR.
Theo ông Bới, thời gian gần đây có một số đối tượng vào làng đưa tiền, dụ dỗ người dân hoặc trực tiếp thuê lâm tặc vào khai thác gỗ tại khu vực rừng do cộng đồng làng nhận khoán bảo vệ. Qua nắm tình hình, các đối tượng trong làng như: Phê, Luy, Nok, Chrung, Alơch, Lyơch và Mlơc thường vào rừng khai thác gỗ bán cho các đầu nậu. Mặc dù được già làng, tổ quản lý, bảo vệ rừng của làng nhắc nhở, Mặt trận và các đoàn thể xã tích cực tuyên truyền thông qua các buổi họp làng nhưng các đối tượng này vẫn cố tình khai thác gỗ trái phép. “Chúng tôi tổ chức họp dân làng, vận động, nhắc nhở bà con phải chung tay bảo vệ những cánh rừng nhận khoán. Những người này không đến dự họp, cố tình vi phạm, chúng tôi đã lập danh sách gửi lên xã nhờ can thiệp xử lý, có biện pháp răn đe bởi nếu không sẽ tạo tiền lệ xấu”-ông Bới cho hay.
  Lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh cùng người dân tuần tra, giám sát diện tích rừng nhận khoán. Ảnh: M.N
Lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh cùng người dân tuần tra, giám sát diện tích rừng nhận khoán. Ảnh: M.N
Còn theo ông Võ Đình Huy-Phó Chủ tịch UBND xã Kon Chiêng: Đầu năm 2019, Đảng ủy xã đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về thực hiện nhiệm vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn xã, phân công từng Ủy viên Ban Chấp hành phụ trách làng triển khai đến các chi bộ trực thuộc. Đảng ủy xã cũng chỉ đạo UBND xã thường xuyên tăng cường công tác tuần tra, truy quét các điểm nóng vi phạm tại các làng: Tar, Thương, Toak; chỉ đạo 2 cộng đồng làng Klah và Tar được giao rừng tăng cường công tác tuần tra, truy quét và báo cáo kịp thời cho xã khi xảy ra vi phạm. “Chính nhờ quan tâm chỉ đạo thường xuyên, số đối tượng vào rừng khai thác gỗ ngày một giảm, từ 26 hộ hiện chỉ còn 6 hộ. Đối với những hộ này, chúng tôi tiếp tục giao Công an xã phối hợp với Công an huyện gọi hỏi, răn đe thường xuyên, mời lên làm cam kết không phá rừng và có giải pháp mạnh tay xử lý nếu vi phạm”-ông Huy nhấn mạnh.
Nguồn thu ổn định nhờ giữ rừng
Theo ông Ngô Văn Thắng-Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, đơn vị đã ký hợp đồng giao khoán quản lý, bảo vệ rừng với 22 thôn, làng thuộc địa bàn 6 xã của 3 huyện: Mang Yang, Kbang và Đak Đoa. Việc giao khoán bắt đầu thực hiện từ năm 2013 với diện tích chỉ khoảng 8.000 ha, đến năm 2015 nâng lên 15.200 ha và đến nay là gần 18.000 ha với 37 nhóm hộ (tổng số 708 hộ), trung bình thu nhập mỗi hộ đạt 8-10 triệu đồng/năm. “Kết quả bước đầu cho thấy, tình trạng khai thác gỗ trái phép, phá rừng làm rẫy hầu như không còn. Người dân nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng đã có nguồn thu nhập ổn định, dần trở thành một phần thu nhập chính trong sinh kế gia đình, chấm dứt tình trạng thiếu ăn những lúc giáp hạt”-ông Thắng khẳng định.
Anh A Mưm-Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng làng Đê Kjiêng (xã Ayun, huyện Mang Yang) cho rằng, việc chi trả tiền DVMTR cho người dân nhận khoán luôn được Ban Quản lý Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh chú trọng giải quyết kịp thời. Mọi hoạt động chi trả giữa đơn vị với hộ nhận khoán được thực hiện công khai, minh bạch từ khâu hợp đồng giao khoán cho đến mức tiền chi trả. Ngoài ra, những khó khăn, vướng mắc về chính sách chi trả và sử dụng tiền DVMTR cũng được giải quyết kịp thời.
Trao đổi với P.V, ông Võ Văn Hạnh-Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh-cho biết: Năm 2018, tiền DVMTR trả cho người dân tham gia bảo vệ rừng trong các chủ rừng là tổ chức nhà nước, UBND xã gần 41,4 tỷ đồng, chiếm 32,2% tổng số thu tiền DVMTR, bình quân mỗi hộ khoảng 3,9 triệu đồng/năm. Tổng số hộ nhận khoán bảo vệ rừng đến nay là 11.619 hộ, tăng 16,3 lần so với năm 2011 (chỉ có 711 hộ). Trong đó, hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 97% số hộ gia đình tham gia và thụ hưởng tiền DVMTR, số hộ nghèo chiếm trên 50%. “Chính sách chi trả DVMTR đã tạo điều kiện tốt cho người dân nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc Jrai, Bahnar sinh sống ở nơi có rừng, gần rừng được tham gia bảo vệ rừng. Qua đó, giúp các hộ có điều kiện cải thiện thu nhập, góp phần ổn định trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Chúng tôi cũng đã kiến nghị với các ngành liên quan và chủ rừng là tổ chức nhà nước tăng cường ưu tiên khoán quản lý bảo vệ rừng để người dân hưởng lợi từ nguồn tiền này”-ông Hạnh nhấn mạnh.
MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.