Dịch vụ công trực tuyến: Tiết kiệm, an toàn, hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hiện nay, thông qua hệ thống máy tính kết nối internet, các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách hoặc chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh có thể đăng nhập trang thông tin điện tử Dịch vụ công Kho bạc Nhà nước để sử dụng dịch vụ công trực tuyến 24/7. Hoạt động này góp phần nâng cao hiệu quả xử lý công việc, giúp tiết kiệm chi phí và an toàn trong giao dịch. 
Điện tử hóa, số hóa hoạt động nghiệp vụ của KBNN là giải pháp quan trọng nhằm tăng cường quản lý tài chính công, tập trung nhanh, đầy đủ các nguồn thu ngân sách đồng thời chi trả kịp thời các khoản chi tiêu công. Do đó, việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử KBNN là bước đi cần thiết trong quá trình hiện đại hóa, mang lại nhiều lợi ích thiết thực so với phương thức giao dịch truyền thống, góp phần tăng tính minh bạch trong việc kiểm soát hồ sơ thanh toán của KBNN. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị chủ động biết được tình trạng, kết quả xử lý hồ sơ thanh toán của đơn vị mình.
Khi giao dịch trực tuyến với KBNN, các đơn vị có thể thực hiện kê khai và tải hồ sơ pháp lý, hồ sơ đăng ký mở và sử dụng tài khoản định dạng.pdf và lập chứng từ thanh toán, bảng kê thanh toán, đăng ký rút tiền mặt theo mẫu trên dịch vụ công, ký số gửi KBNN mà không phải đến KBNN để gửi hồ sơ như lâu nay (trừ hồ sơ pháp lý của dự án đầu tư). Đồng thời, trên dịch vụ công cung cấp các thông tin về thời gian, quá trình tiếp nhận hồ sơ, kiểm soát thanh toán thông qua các trạng thái như: “KBNN từ chối hoặc tiếp nhận hồ sơ”, “KBNN đang xử lý hồ sơ”, “KBNN đã thanh toán hoặc từ chối thanh toán”. 
Phương thức giao dịch truyền thống tại Kho bạc Nhà nước sẽ dần được thay thế bằng giao dịch điện tử.   Ảnh: Đ.T
Phương thức giao dịch truyền thống tại Kho bạc Nhà nước sẽ dần được thay thế bằng giao dịch điện tử. Ảnh: Đ.T
Tại địa bàn huyện Mang Yang, từ giữa tháng 3-2019, KBNN huyện đã lựa chọn 6 đơn vị sử dụng ngân sách là Chi cục Thuế, Chi cục Thi hành án dân sự, Ủy ban MTTQ Việt Nam, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế-Hạ tầng, Trường THCS Ayun để triển khai thí điểm dịch vụ công KBNN. Trong giai đoạn này, KBNN huyện sẽ cung cấp các dịch vụ công như: mở tài khoản, kê khai và giao nhận hồ sơ kiểm soát chi, đăng ký rút tiền mặt. Ông Nguyễn Văn Vỹ-Giám đốc KBNN Mang Yang-cho biết: “Điều kiện tham gia dịch vụ công trực tuyến của KBNN là cơ quan, đơn vị phải có máy tính kết nối internet, máy scan, email, chứng thư số. Bước đầu, Viettel đang thực hiện cấp chứng thư số cho 6 đơn vị trên. Mặt khác, chúng tôi đã làm việc với chính quyền địa phương để thống nhất trong công tác chỉ đạo, triển khai chương trình này. Sau giai đoạn thí điểm, chúng tôi sẽ mở rộng phạm vi, phấn đấu đến hết tháng 6-2019 có trên 50% đơn vị giao dịch với KBNN huyện tham gia dịch vụ công mức độ 4”. Được biết, hiện 6 giao dịch viên tại KBNN Mang Yang phụ trách giao dịch với 110 cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư có mở khoản giao dịch trên địa bàn.
Thuận tiện, tiết kiệm thời gian đi lại cho khách hàng, đồng thời giảm bớt áp lực cho đội ngũ giao dịch viên, nâng cao hiệu quả xử lý công việc là lợi ích mang lại của dịch vụ công trực tuyến 24/7. Đây cũng là bước đi cần thiết trong lộ trình số hóa KBNN, tiến tới mô hình Kho bạc không có chứng từ, không có tiền, không có khách hàng. Do đó, KBNN tỉnh đã phát động phong trào thi đua trong toàn ngành. Cụ thể, phấn đấu trong tháng 3 này, mỗi giao dịch viên tại KBNN huyện, thị xã, Phòng Kiểm soát chi có ít nhất 1 đơn vị mình phụ trách tham gia dịch vụ công mức độ 4. Phấn đấu đến hết tháng 6-2019, 40% đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước có giao dịch với KBNN cấp tỉnh, huyện, thị xã tham gia dịch vụ công mức độ 4. 
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Thành Chung-Giám đốc KBNN tỉnh-cho biết: “Hiện nay, hệ thống dữ liệu của KBNN-Hải quan-Thuế đã kết nối song phương 24/7 nên công tác tổ chức điều hành, quản lý ngân sách nhà nước rất linh hoạt, kịp thời. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, phối hợp với các đơn vị tham gia dịch vụ công trực tuyến để đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm cho giai đoạn thí điểm tại các địa phương”. Cũng theo ông Chung, trên cơ sở hiệu quả triển khai thực tế tại các tỉnh, thành phố, Bộ Tài chính sẽ quy định phạm vi địa bàn bắt buộc giao dịch bằng phương thức điện tử với KBNN trên trang thông tin Dịch vụ công của KBNN, không thực hiện giao dịch theo phương thức truyền thống.
 SƠN CA

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.