Chư Pưh: Quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm giúp người dân thay đổi nhận thức trong lao động sản xuất để nâng cao thu nhập, huyện Chư Pưh, Gia Lai đang nỗ lực mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Ông Phan Ngọc Duy, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Chư Pưh, cho biết: Những năm qua, do chưa có giáo viên cơ hữu nên Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Chư Pưh phải hợp đồng với Trung tâm GDNN-GDTX huyện Chư Sê tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Số lượng lớp học và học viên đăng ký rất ít. Riêng năm 2017, toàn huyện không có lớp học. Do vậy, năm 2018, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Chư Pưh đã chủ động mở các lớp dạy nghề trên cơ sở phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Trạm Khuyến nông huyện cử những cán bộ là kỹ sư nông nghiệp (được Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tập huấn phương pháp dạy nghề) trực tiếp giảng dạy, qua đó góp phần giúp người dân từng bước thay đổi nhận thức trong sản xuất để tăng thu nhập. Theo đó, Trung tâm đã mở được 8 lớp học về cách chăn nuôi và phòng bệnh cho gia súc với sự tham gia của 160 học viên đến từ các xã Ia Le, Ia Blứ, Ia Hrú và Ia Dreng.
 Sau khi tham gia học nghề, ông Rmah Đang (thôn Tao Chor B, xã Ia Hrú) biết thêm nhiều kinh nghiệm chăm sóc dê. Ảnh: N.H
Sau khi tham gia học nghề, ông Rmah Đang (thôn Tao Chor B, xã Ia Hrú) biết thêm nhiều kinh nghiệm chăm sóc dê. Ảnh: N.H
Kết thúc khóa học, hầu hết học viên đều có thêm kiến thức cơ bản để áp dụng vào sản xuất. Có thâm niên chăn nuôi dê đã gần chục năm nay nhưng mãi đến khi được tham gia lớp học “Nuôi và phòng bệnh cho dê” do Trung tâm tổ chức vào tháng 10-2018, ông Rmah Đang (thôn Tao Chor B, xã Ia Hrú) mới vỡ ra nhiều điều. Trước đây, chuồng nuôi dê của gia đình chật chội và kín gió nên không đảm bảo các điều kiện cho đàn vật nuôi phát triển. Sau khi tham gia lớp học và thu thập được một số kinh nghiệm, ông bắt tay ngay vào việc sửa chữa chuồng dê, thường xuyên dọn vệ sinh để chuồng đảm bảo thông thoáng và khô ráo; thức ăn và nước uống cho dê cũng đảm bảo sạch sẽ và giàu dinh dưỡng hơn. “Nhờ áp dụng các kiến thức đã học được, đàn dê của tôi phát triển khỏe mạnh và ít dịch bệnh hơn. Mới đây, tôi đã bán 2 con dê để lấy tiền mua phân bón đầu tư trồng 2 sào cà phê trên diện tích hồ tiêu bị chết. Hiện gia đình vẫn còn 5 con dê, trong đó có 2 con sắp sinh”-ông Đang vui vẻ cho biết.

Ông Phan Ngọc Duy-Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Chư Pưh: “Chúng tôi mong Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để tham gia đào tạo nghề trên địa bàn huyện; hàng năm tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác quản lý nghề ở cơ sở; tăng mức hỗ trợ tiền ăn cho đối tượng cận nghèo, tăng tuổi học nghề cho đối tượng hết tuổi lao động nhưng còn sức khỏe tốt để họ có thêm kinh nghiệm sản xuất để phát triển kinh tế gia đình”.


Sau khi được Nhà nước hỗ trợ 3 con dê giống, bà Rơ Lan Blen (cùng thôn) cũng khá lo lắng vì chưa có kinh nghiệm chăm sóc. Thấy lớp học “Nuôi và phòng bệnh cho dê” được tổ chức tại xã, bà đã mạnh dạn đăng ký. Từ đó, bà biết cách làm chuồng phù hợp, đồng thời dành một khoảnh đất trồng hồ tiêu bị chết để trồng cỏ làm thức ăn cho dê. Chỉ sau hơn 1 năm chăm sóc, đàn dê của gia đình phát triển lên 6 con. “Ngoài học lý thuyết, mình còn được trực tiếp tham gia thực hành cách bổ sung thuốc bổ, phòng và điều trị bệnh cho đàn dê. Nhà ít đất sản xuất nên mình sẽ cố gắng nhân rộng đàn dê để làm vốn phát triển kinh tế lâu dài”-bà Blen cho hay.
Theo ông Phan Ngọc Duy, sở dĩ có được kết quả như trên là bởi trước khi tổ chức lớp học, Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện và các xã làm tốt công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học tập của người dân. Bên cạnh đó, các lớp học đều được tổ chức ngay tại thôn, làng nên đã tạo thuận lợi cho người dân tham gia. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại huyện Chư Pưh vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: một số nghề người lao động có nhu cầu nhưng không đảm bảo về số lượng nên khó mở lớp; một số nghề lại thiếu giáo viên hướng dẫn, chưa đủ cơ sở vật chất, trang-thiết bị để tổ chức giảng dạy...
Nói về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong thời gian tới, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Chư Pưh cho biết: Trung tâm sẽ xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp nhằm đạt hiệu quả, chất lượng cao; phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng và chính quyền địa phương khảo sát nhu cầu học tập của người dân, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp để nâng cao chất lượng công tác tuyển sinh, mở rộng quy mô và ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn.
 NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.