Săn dược liệu quý trong rừng khộp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Rừng khộp Tây Nguyên không chỉ có động vật quý hiếm mà còn cả “kho tàng” dược liệu. Tuy nhiên nguồn “vàng xanh” này ngày càng cạn kiệt.
 
Ama Trang hái nấm linh chi ở rừng khộp
Ăn rừng, ngủ rừng
Sau nhiều lần xin theo thợ săn dược liệu không thành, chúng tôi may mắn được ông Y Jun Niê, tên thường gọi là Ama Trang (SN 1964 ở buôn Yang Lành, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk), người Êđê hành nghề bốc thuốc gia truyền cho theo trải nghiệm.
Hành trang mang theo gồm chiếc gùi, cuốc, nước uống và một ít đồ ăn nhanh… Sau gần 2 giờ di chuyển bằng xe máy, chúng tôi cũng đặt chân đến cửa rừng, tìm chỗ để xe và bắt đầu cuốc bộ vào rừng. Vừa đi, ông vừa chỉ mặt, gọi tên nêu công dụng của từng loại cây đồng thời nhấn mạnh hình dáng, màu sắc cây dược liệu và độc dược khá giống nhau, nhận biết bằng mắt thường thôi chưa đủ.
Ama Trang kế thừa nghề bốc thuốc gia truyền từ năm lên 15 tuổi, đến nay mới nhận biết hơn trăm loại cây rừng dùng làm thuốc và vẫn tiếp tục hành trình “sưu tập” thêm. Người bản địa sống dựa vào rừng, khi vào rừng lấy thuốc, ai cũng có ý thức lấy mỗi thứ một ít, không phá nhổ cây con, gặp vùng nhiều dược liệu không được quở “cây mọc nhiều quá” như vậy thần rừng sẽ tức giận, không ban “lộc” nữa. Hơn 40 năm băng rừng tìm thuốc, Ma Trang thuộc rừng như lòng bàn tay, biết rõ cánh rừng nào mọc nhiều dược liệu, loại cây, thời gian khai thác lý tưởng…
Dược liệu dần cạn kiệt
Cuốc bộ trong rừng sâu cả buổi, chúng tôi vẫn không tìm thấy các loại nấm linh chi. Quả đúng như lời Ama Trang nói, những loại dược liệu quý như nấm linh chi, sâm rừng… hiện đã cạn kiệt do sự khai thác quá mức của con người. Ông kể: Ngày trước chưa có thuốc tây, người dân tộc thiểu số toàn dùng cây rừng để trị các bệnh đau bụng, sốt rét, rắn cắn, đau mỏi xương khớp, gan, thận… Cây thuốc trong rừng nhiều vô kể, khi cần chạy vào tìm hái sẽ có ngay, còn bây giờ phải đi xa mới có.
Chúng tôi chia tay rừng khi hoàng hôn buông xuống, đi qua các khu du lịch ở huyện Buôn Đôn, thấy hai bên đường dân bày bán đủ các loại dược liệu. Ghé vào nhà một hộ dân đang chẻ nhỏ cây rừng phơi đầy từ trong nhà ra sân. Lân la hỏi chuyện chúng tôi mới biết đây là cây Buoh kap, một trong những vị thuốc mà đồng bào cho rằng có công dụng tráng dương bổ thận. Cây Buoh kap thân gỗ, ruột màu đỏ cam, cho quả vị chua chua, ưa sống ở vùng khô nóng.
Chị chủ nhà người Êđê nói tiếng Kinh rất sõi mời khách mua thuốc. Chị giới thiệu chuyên cung cấp sỉ số lượng lớn cây Buoh kap cho thương lái với giá 15 nghìn đồng/ký khô. Hỏi lấy đâu ra nhiều cây thuốc, chị trả lời gọn ơ: Trong rừng nhiều lắm, bán hết số thuốc này lại vào chặt tiếp. Ama Trang ngao ngán lắc đầu: Ngày trước người bản địa chỉ vào rừng lấy thuốc khi nhà có người ốm đau hoặc lấy một ít cây thuốc về bồi bổ sức khỏe. Khi những đồn thổi về tác dụng của dược liệu ở rừng khộp Tây Nguyên- nơi có sông Sêrêpốk chảy qua thì nhiều người lùng mua, khiến đồng bào đổ xô vào rừng khai thác bán lấy tiền.         
Huỳnh Thủy (TP)

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.