Khắc phục "bệnh" hình thức trong xét danh hiệu văn hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nghị định 122/2018/NĐ-CP của Chính phủ về xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa đã góp phần xóa “bệnh” hình thức trong việc bình xét và công nhận các danh hiệu.
Các thí sinh tham dự Hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Ảnh: Đ.Y
Các thí sinh tham dự Hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Ảnh: Đ.Y
Thời gian qua, cuộc vận động và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn lối sống văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Tính  đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 264.693/347.372 gia đình được công nhận danh hiệu văn hóa, đạt 76,19% số hộ, tăng 0,76% so với năm 2017; có 1.650/2.161 thôn, làng, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa, đạt 76,35%, tăng 1,67% so với năm 2017. Tuy nhiên, việc xét, công nhận danh hiệu văn hóa hàng năm vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.
Đánh giá chất lượng bình xét các danh hiệu văn hóa, tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra do bà Nguyễn Hồng Lý-Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam làm trưởng đoàn, bà Huỳnh Nữ Thu Hà-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh cho rằng, một trong những hạn chế của phong trào là việc xét công nhận các danh hiệu văn hóa còn chưa chặt chẽ, chưa bám sát tiêu chuẩn, còn chạy theo thành tích mà không thấy được giá trị thực chất của danh hiệu.
Ngày 17-9-2018, Chính phủ ban hành Nghị định 122/2018/NĐ-CP đã đưa ra các nguyên tắc cơ bản của việc bình xét các danh hiệu văn hóa, xây dựng tiêu chí bình xét danh hiệu; thang điểm và phương thức chấm điểm; quy trình xét tặng và biện pháp quản lý nhà nước. Nghị định quy định việc bình xét, công nhận danh hiệu phải xây dựng dựa trên các nguyên tắc bảo đảm khách quan, công bằng, chính xác và công khai; thực hiện trên cơ sở tự nguyện và chỉ xét tặng khi hộ gia đình, khu dân cư có đăng ký tham gia.
Ông Phạm Hồng Phong-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch: “Thực hiện Nghị định 122/2018/NĐ-CP của Chính phủ, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp trong tỉnh phải có những đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện nghiêm túc để việc xét, công nhận các danh hiệu văn hóa thực chất hơn; thể hiện sự minh bạch, công bằng, phát huy sức mạnh đoàn kết trong nhân dân để xây dựng phong trào văn hóa ở cơ sở ngày càng sôi nổi, xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no”.

Theo đó, quy định thang điểm tối đa là 100 và được phân chia theo các khu vực. Cụ thể: đối với danh hiệu gia đình văn hóa, các hộ thuộc các quận, huyện tại thành phố trực thuộc Trung ương phải đạt từ 90 điểm trở lên; hộ thuộc các xã, thị trấn khu vực miền núi, hải đảo, xã đặc biệt khó khăn hoặc hộ nghèo, hộ cận nghèo đạt từ 60 điểm trở lên; những hộ không thuộc 2 đối tượng trên phải đạt từ 85 điểm trở lên. Đối với danh hiệu thôn, làng, tổ dân phố, khu dân cư văn hóa, Nghị định 122 quy định: “Khu dân cư thuộc quận, huyện tại thành phố trực thuộc Trung ương đạt từ 90 điểm trở lên; khu dân cư thuộc các xã, phường, thị trấn thuộc miền núi, hải đảo hoặc xã đặc biệt khó khăn đạt từ 60 điểm trở lên; khu dân cư không thuộc 2 khu vực nêu trên đạt từ 80 điểm trở lên. Giấy khen các danh hiệu gia đình văn hóa, thôn, làng, tổ dân phố văn hóa xét tặng không quá 15% tổng số gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa đủ 3 năm liên tục cũng như tổng số khu dân cư được công nhận danh hiệu khu dân cư văn hóa đủ 5 năm liên tục”.
Để khắc phục “bệnh” hình thức trong xét tặng các danh hiệu văn hóa, Nghị định đưa ra quy định tiêu chuẩn của danh hiệu gia đình văn hóa gồm: gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương nơi cư trú. Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ; tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng. Tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả. Nghị định cũng quy định rõ những trường hợp không xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa khi thành viên trong gia đình vi phạm một trong các trường hợp: bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính; không hoàn thành nghĩa vụ quân sự và nghĩa vụ nộp thuế; bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường; vi phạm tảo hôn hoặc hôn nhân cận huyết thống; bạo lực gia đình bị xử phạt hành chính; mắc các tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm, trộm cắp, tổ chức đánh bạc hoặc đánh bạc; tham gia tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định các tiêu chuẩn danh hiệu thôn, làng, tổ dân phố, khu dân cư văn hóa bao gồm: đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển; đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú; môi trường cảnh quan sạch đẹp; chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong cộng đồng. Các trường hợp không xét tặng danh hiệu là những thôn, làng, tổ dân phố, khu dân cư vi phạm một trong các trường hợp: khiếu kiện đông người và khiếu kiện vượt cấp trái pháp luật; có điểm, tụ điểm ma túy, mại dâm; có hoạt động lợi dụng tôn giáo vi phạm pháp luật.
 ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.