Nhớ thời vừa học, vừa làm...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước thời kỳ đổi mới, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai-Kon Tum (cũ) bấy giờ cũng như cả nước đứng trước muôn vàn khó khăn. Đặc biệt, trong vấn đề giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chúng ta chưa tìm ra mô hình thích hợp. Tình trạng thiếu giáo viên cũng như giáo viên bỏ ngành ngày càng nhiều, phần vì không chịu đựng được gian khổ nơi vùng sâu, vùng xa, phần vì đời sống giáo chức quá khó khăn.
Hiện nay, bài học kinh nghiệm về bán trú cũng đang được phát huy trong thực tiễn ở các trường dân tộc vùng sâu, vùng xa tỉnh Gia Lai (ảnh nguồn internet)
Hiện nay, bài học kinh nghiệm về bán trú cũng đang được phát huy trong thực tiễn ở các trường dân tộc vùng sâu, vùng xa tỉnh Gia Lai (ảnh nguồn internet)
Đứng trước thực trạng đó, ngành GD-ĐT tỉnh một mặt phát động phong trào thi đua “Hai tốt”, đào tạo giáo viên, đồng thời xây dựng các mô hình giáo dục đặc thù nhằm thu hút các đối tượng học sinh các dân tộc vùng khó khăn ra lớp. Từ quan điểm giáo dục “học đi đôi với hành”, lãnh đạo ngành đã triển khai chủ trương xây dựng loại hình trường vừa học-vừa làm. Tỉnh đã mở 2 trường: ở phía Bắc có Trường Vừa học-Vừa làm Đak Tô, phía Đông Nam có Trường Đê Pa (sau này chuyển về xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê). Ban đầu, 2 trường này chỉ mở cấp I đến cấp II, sau đó Trường Vừa học-Vừa làm Đak Tô mở đến cấp III. Đối tượng tuyển sinh là thanh-thiếu niên người dân tộc bản địa được cơ sở giới thiệu đi học tập trung, có chế độ Nhà nước nuôi; các em học một buổi và một buổi được hướng dẫn lao động sản xuất. Thành quả lao động của thầy và trò được dùng bổ sung vào chế độ ăn uống, sinh hoạt của học sinh nhà trường. Với mô hình này, mỗi năm chúng ta đã đào tạo hàng trăm thanh niên dân tộc thiểu số có trình độ hết cấp II và cấp III, được kinh qua thực tế lao động có kỹ thuật. Từ đó, một số học sinh được tỉnh gửi đi đào tạo chuyên nghiệp (trung cấp, đại học), nhiều em trở về địa phương và được bố trí làm cán bộ huyện, xã, giải quyết được tình trạng thiếu cán bộ người dân tộc thiểu số.
Từ mô hình của địa phương, chúng ta đã xây dựng được điển hình giáo dục cả nước, đó là Trường Vừa học-Vừa làm Đak Tô, đơn vị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Thầy Hiệu trưởng Bùi Quang Lơi được tặng Huân chương Lao động và danh hiệu Nhà giáo Ưu tú vì vận dụng thành công một mô hình giáo dục phù hợp với thực tiễn địa phương trong giai đoạn khó khăn. Bên cạnh đó, để duy trì sĩ số học sinh dân tộc thiểu số, nhất là vùng sâu, vùng xa, chúng ta đã tiến hành xây dựng mô hình trường học bán trú dân nuôi, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần cơ sở vật chất ban đầu phục vụ cho việc ăn ở của học sinh; nhiều nơi làm tốt đã được nhân dân ủng hộ. Từ đó, việc duy trì sĩ số học sinh hàng năm khá tốt, chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt; thầy trò yên tâm bám trường, bám lớp. Đặc biệt, nổi bật trong phong trào này, huyện Đak Tô bấy giờ trở thành điển hình với phương châm “Học sinh ăn no và học tốt”. Hầu hết các trường ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều xây dựng được mô hình bán trú dân nuôi: dân tự làm trường và cơ sở nội trú cho học sinh, làm rẫy dành riêng cho học sinh bán trú ăn ở trong những tháng đi học; học sinh tự chăn nuôi heo, gà và trồng rau để cải thiện trong bữa ăn hàng ngày. Phong trào này vào thời kỳ đó được Bộ GD-ĐT đánh giá rất cao và đã phổ biến, nhân rộng trên toàn quốc.
Hiện nay, bài học kinh nghiệm về bán trú cũng đang được phát huy trong thực tiễn ở các trường dân tộc vùng sâu, vùng xa tỉnh Gia Lai và nhiều tỉnh miền núi khác. Bên cạnh đó, chúng ta còn xây dựng được hệ thống các trường bổ túc văn hóa từ huyện đến tỉnh và đào tạo nhiều cán bộ cho các địa phương, các ngành; đồng thời thành lập Trường Lưu học sinh Lào, giúp nước bạn đào tạo hàng trăm học sinh các bộ tộc Lào. Trong giai đoạn này xuất hiện nhiều nhà giáo là cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên trực tiếp giảng dạy ở cơ sở có tâm huyết với ngành, hết lòng thương yêu học sinh, luôn tìm tòi, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức để phát triển sự nghiệp giáo dục ở địa phương, điển hình như: Nhà giáo Nhân dân Siu Pơi (nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT Gia Lai-Kon Tum), các Nhà giáo Ưu tú: Võ Thị Quế (nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT Gia Lai-Kon Tum), Hoàng Phi Hùng (nguyên Hiệu trưởng Trường Bổ túc Văn hóa Gia Lai-Kon Tum), Nay H'Win (nguyên Hiệu trưởng Trường Sư phạm Mầm non tỉnh), Ksor Yin (nguyên Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Gia Lai), Đỗ Thị Trúc (giáo viên thị xã An Khê)…
Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.