Kbang hướng tới mục tiêu giàu mạnh, phồn vinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Suốt 64 năm qua, dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ huyện Kbang vẫn không ngừng trưởng thành và phát triển về mọi mặt, lãnh đạo nhân dân các dân tộc trên địa bàn xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, phồn vinh.
Cuối thế kỷ thứ XVIII, đồng bào Bahnar huyện Kbang đã sát cánh cùng nghĩa quân Tây Sơn trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Trước năm 1930, đồng bào Bahnar nơi đây tiếp tục đoàn kết đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Từ khi có Đảng lãnh đạo, nhân dân Kbang luôn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, đoàn kết chống lại thực dân Pháp và cùng đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng 8-1945. Mảnh đất, con người Kbang đã đi vào lịch sử của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đặc biệt, làng kháng chiến Stơr-quê hương của Anh hùng Núp-đã đi vào lịch sử như một huyền thoại của núi rừng Tây Nguyên bất khuất. 
  Một góc thị trấn Kbang. Ảnh: M.N
Một góc thị trấn Kbang. Ảnh: M.N
Xác định Tây Nguyên nói chung, vùng Kbang nói riêng là địa bàn chiến lược, ngay trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Trung ương và tỉnh đã quan tâm xây dựng tổ chức Đảng, củng cố chính quyền cách mạng nơi đây. Việc thành lập các chi bộ ở Kbang đã tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến phong trào kháng chiến. Các chi bộ đã phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo, chỉ đạo, huy động nhân dân tham gia xây dựng các căn cứ cách mạng, tăng gia sản xuất để nuôi quân đánh giặc, chống địch càn quét. Đây chính là tổ chức tiền thân của Đảng bộ huyện Kbang hiện nay. Năm 2003, thể theo nguyện vọng của các thế hệ đảng viên và nhân dân trong huyện, trên cơ sở các sự kiện, mốc lịch sử, Huyện ủy Kbang đã quyết định lấy ngày 19-5-1954 làm Ngày truyền thống của Đảng bộ huyện.
Kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng trong kháng chiến, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc huyện Kbang đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, đầu tư khai thác có hiệu quả các tiềm năng thế mạnh của địa phương, đưa huyện nhà ngày càng phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện bình quân hàng năm đạt 13%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; tỷ lệ tăng thu ngân sách hàng năm đạt 10%; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 4-5%/năm; các chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách an sinh xã hội cũng được tích cực triển khai giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Huyện phấn đấu đến năm 2020 có 10/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Kbang ngày nay đã có nhiều đổi thay, kinh tế-xã hội phát triển nhanh và bền vững. Đặc biệt, Kbang là một trong 5 huyện được Trung ương chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới của cả nước, nhờ đó cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm và các công trình phúc lợi xã hội khác. Hệ thống giao thông phát triển đã giúp Kbang nối liền với các huyện của tỉnh Kon Tum, Quảng Ngãi bằng tuyến đường Trường Sơn Đông chạy ngang qua huyện. Đến nay, 100% số xã trên địa bàn huyện có đường ô tô đến trung tâm; lưới điện quốc gia phủ kín đến tận thôn, làng. Nhiều công trình, dự án được đầu tư xây dựng làm cơ sở phát triển kinh tế-xã hội cho địa phương, nâng cao đời sống người dân.
Song song với việc chỉ đạo tập trung phát triển kinh tế-xã hội, Đảng bộ huyện Kbang còn chú trọng xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ huyện đến cơ sở; củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức bộ máy; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Qua các nhiệm kỳ đại hội, Đảng bộ huyện không ngừng củng cố, kiện toàn cả về tư tưởng lẫn chính trị và tổ chức bộ máy. Trong đó, Đảng bộ huyện coi trọng nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ sức lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Tự hào về những kết quả đạt được, ông Huỳnh Trọng Khánh-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kbang-khẳng định: Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong huyện sẽ huy động tối đa các nguồn lực để tập trung đầu tư cho phát triển, giữ vững nhịp độ tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ; đầu tư phát triển mạnh và toàn diện về nông nghiệp, nông thôn; phát triển kinh tế kết hợp với củng cố, tăng cường tiềm lực về quốc phòng-an ninh, giải quyết tốt các vấn đề bức xúc trong xã hội. Tập trung các nguồn lực để thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới… Huyện phấn đấu giữ vững tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt 7,83% theo chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra.
Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.