Đồng lòng vượt qua đại dịch-Kỳ cuối: Những "chiến sĩ" nơi tuyến đầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không đơn thuần là duy trì nguồn thu nhập, thời điểm này, nhiều người đang tích cực làm việc vì ý thức trách nhiệm với gia đình và cộng đồng. Không ai khác, họ chính là vợ, là chồng của các “chiến sĩ” nơi tuyến đầu chống dịch, nguyện làm hậu phương vững chắc, đồng lòng cùng bạn đời vượt qua giai đoạn khó khăn.
Hậu phương thầm lặng
Chúng tôi có dịp gặp gỡ chị Hồ Thị Thúy Mười-điều dưỡng viên Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) vào một sáng cuối tuần rảnh rỗi hiếm hoi của chị giữa những ngày chống dịch. Trong ngôi nhà nhỏ tại số 71 Nguyễn Thượng Hiền (thôn 6, xã Trà Đa, TP. Pleiku), chị Mười vừa hướng dẫn cậu con trai 10 tuổi học bài, vừa trông nom chú nhóc lên 3 và cháu gái 4 tuổi. Dù khá bận bịu nhưng gương mặt chị lúc nào cũng biểu lộ sự vui vẻ. Bởi hơn 2 tháng qua, khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chị hầu như phải trực liên tục ở bệnh viện và không có nhiều thời gian dành cho các con. Những lúc phải trực cách ly cùng bệnh nhân suốt 14 ngày thì anh Võ Tiến Dũng (chồng chị, hiện công tác tại Đội Cảnh sát Thi hành án Hình sự và Hỗ trợ tư pháp, Công an TP. Pleiku) vừa phải đi làm, lại vừa phải thay vợ chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ của các con cũng như quán xuyến mọi việc trong nhà.
Từ ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thời gian chị Hồ Thị Thúy Mười (xã Trà Đa, TP. Pleiku) được ở bên các con vô cùng hiếm hoi. Ảnh: Hồng Thi
Từ ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thời gian chị Hồ Thị Thúy Mười (xã Trà Đa, TP. Pleiku) được ở bên các con vô cùng hiếm hoi. Ảnh: Hồng Thi
Bao năm qua, anh Dũng đã quen với cảnh vợ mình phải trực đêm tại bệnh viện, nhất là vào thời điểm giao mùa hay bùng phát dịch bệnh. Thế nhưng, tổ ấm nhỏ chỉ vắng mặt chị cùng lắm là đôi ba bữa chứ chưa bao giờ kéo dài như những ngày qua. Điều đó khiến cuộc sống của 3 cha con cũng ít nhiều bị đảo lộn. Vì ông bà nội, ngoại đều ở xa nên vợ chồng anh phải tự sắp xếp mọi thứ. Lúc chị Mười chưa trực tiếp làm việc ở khu cách ly, buổi tối còn có thể về nhà được với con thì anh tranh thủ đổi ca trực với anh em trong cơ quan liên tiếp 4-5 ngày; rồi sau đó xin nghỉ phép để có thời gian trong những ngày vợ trực chiến ở bệnh viện. Hàng ngày, anh đều phải dậy sớm đi chợ, lo cơm nước, giặt giũ và chăm nom, kèm cặp các con học hành.
Anh Dũng chia sẻ: “Mấy ngày đầu cáng đáng việc gia đình, tôi khá bỡ ngỡ nên phải thường xuyên gọi điện thoại cho vợ để nhận sự tư vấn, hỗ trợ. Tuần đầu tiên, hầu như đêm nào đứa con trai 3 tuổi cũng thức dậy khóc đòi mẹ, tôi cũng tỉnh ngủ theo bế ru đến gần sáng. Rồi lúc con sốt, quấy khóc, tôi cũng gặp không ít khó khăn vì trước giờ bé chỉ quen cách mẹ dỗ dành, thuốc thang. Thức ăn thì chỉ nấu 1, 2 món cơ bản và không thể bằng vợ nên con ăn ít ngon miệng… Ngoài ra, có lúc cơ quan cần việc gấp, tôi đành gửi các cháu cho bạn bè, tối tranh thủ về ru con ngủ xong lại chạy đi làm nhiệm vụ. Cũng hơi vất vả, song vợ chồng chúng tôi cũng đã xác định tinh thần và động viên nhau ngay từ đầu khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát”.
Chị Liên vừa làm nhiệm vụ, vừa thực hiện cách ly theo quy định tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Ảnh: Hồng Thi
Chị Liên vừa làm nhiệm vụ, vừa thực hiện cách ly theo quy định tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Ảnh: Hồng Thi
Gia đình chị Trần Thị Liên (2/13 Hải Thượng Lãn Ông, phường Yên Thế, TP. Pleiku) cũng cùng tình cảnh. Chồng chị Liên-Thượng tá Bùi Đình Hiền là Chính trị viên Đội Công tác tuyên truyền văn hóa cơ sở (Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh). Ngày 17-3, anh Hiền nhận nhiệm vụ tại khu cách ly tập trung ở Trung tâm Huấn luyện, Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh (Trung đoàn Bộ binh 991, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh). Đây là nơi tiếp nhận và thực hiện cách ly y tế đối với những công dân Việt Nam trở về từ Campuchia qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Từ hôm ấy cho đến tận ngày 31-3, anh mới được về thăm nhà. Chị Liên tâm sự: “Nhà vắng đàn ông đôi lúc cũng dở khóc dở mếu mỗi lần chiếc máy bơm nước chẳng may hư hỏng hoặc bóng đèn điện bỗng dưng bị cháy. Tự mày mò khắc phục không được, tôi phải nhờ thợ đến sửa chữa. Hiểu rõ công việc của chồng và sự nguy hiểm của dịch bệnh, tôi chỉ biết động viên anh giữ gìn sức khỏe, còn mình thì cố gắng chu toàn mọi việc để anh an tâm công tác, góp phần chung tay cùng với tỉnh phòng-chống dịch bệnh nguy hiểm này”.
Sau khi anh Hiền hoàn thành nhiệm vụ trở về nhà được 1 ngày cũng là lúc chị Liên phải vừa làm việc, vừa thực hiện cách ly toàn xã hội tại cơ quan (chị hiện phụ trách bộ phận Văn thư bảo mật thuộc Văn phòng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh). Từ đó đến nay, anh Hiền lại trở thành hậu phương vững chắc cho vợ. Ngoài thay vợ làm việc nhà, hàng ngày, anh Hiền đều đặn nấu cơm 2 bữa gửi vào cơ quan cho vợ. Đó chính là sự động viên, khích lệ để chị Liên thực hiện tốt phần việc của mình.
Quyết tâm đẩy lùi đại dịch
Có được hậu phương vững chắc, những “chiến sĩ” nơi tuyến đầu chống dịch như anh Hiền, chị Mười thực sự yên lòng, dành trọn thời gian và tâm sức cho công việc. Dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là nguy cơ lây nhiễm cao, thế nhưng họ chẳng hề nao núng tinh thần với quyết tâm chung tay cùng với tỉnh nhà nói riêng và cả nước nói chung đẩy lùi đại dịch Covid-19.
Là một trong 6 thành viên của tổ tuyên truyền tại khu cách ly Trung tâm Huấn luyện, Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh, anh Hiền có nhiệm vụ hướng dẫn những công dân Việt Nam trở về từ Campuchia chấp hành tốt nội quy cách ly y tế; tuyên truyền giúp bà con ổn định tư tưởng, yên tâm sống và sinh hoạt trong môi trường cách ly tập trung. Đa số người dân đều biết rõ về mức độ lây lan của dịch bệnh nên ý thức cao và rất hợp tác với các lực lượng trong việc khai báo y tế, tiến hành cách ly, song vẫn có một vài người biểu lộ sự khó chịu, thiếu thoải mái khi phải tuân thủ theo nội quy tại khu cách ly. “Đối với những trường hợp như vậy, chúng tôi phải gặp gỡ riêng để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ; nếu yêu cầu chính đáng thì mình có thể đáp ứng được, song đã là trái quy định thì buộc phải tìm cách nhẹ nhàng giải thích cho họ hiểu để tự giác chấp hành”-anh Hiền cho hay.
Anh Bùi Đình Hiền luôn đồng hành cùng các con trong những ngày chị Liên vắng nhà. Ảnh: Hồng Thi
Anh Bùi Đình Hiền luôn đồng hành cùng các con trong những ngày chị Liên vắng nhà. Ảnh: Hồng Thi
Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ tại khu cách ly, có một sự việc khiến anh Hiền nhớ mãi. Anh kể: Đó là trường hợp của một người dân trú tại phường Phù Đổng (TP. Pleiku) sau khi vào cách ly tập trung được khoảng 4-5 ngày thì vợ qua đời. Anh này có nguyện vọng về thắp cho vợ nén hương rồi vào lại nhưng không được chấp thuận do tính chất nguy hiểm của dịch bệnh. Bên cạnh việc giải thích và động viên để anh ấy vượt qua nỗi đau mất mát người thân, cấp trên cũng ngỏ lời lập giúp anh một bàn thờ tại khu cách ly để thắp hương cho vợ nhưng anh từ chối và tiếp tục ở lại cách ly đủ thời gian quy định. “Chứng kiến cảnh này, chúng tôi rất xúc động, nhưng biết làm sao được, vì đại cuộc, mỗi người đều phải chấp nhận hy sinh những riêng tư”-anh Hiền kể lại.
Còn với điều dưỡng viên Hồ Thị Thúy Mười, hơn 10 năm công tác tại Khoa Bệnh nhiệt đới, chưa bao giờ chị thấy không khí làm việc tại nơi này lại căng thẳng đến thế, nhất là khi xuất hiện ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Dù đến thời điểm hiện tại, Gia Lai chưa có ca nào dương tính với Covid-19, song trước sự nguy hiểm của dịch bệnh này, cả Khoa ai cũng cảnh giác và nêu cao tinh thần “chống dịch như chống giặc”. “Điều dưỡng viên chúng tôi luân phiên nhau sàng lọc bệnh nhân nghi nhiễm, theo dõi thân nhiệt, huyết áp và cấp thuốc, phát thức ăn cho họ hàng ngày; bản thân cũng luôn chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Sau những giờ phút mệt nhoài với công việc, tôi lại nhớ thương các con cồn cào. Nghe chồng bảo con sốt cao đòi mẹ mà lòng tôi quặn thắt, chỉ ước gì mình có thể lao ngay về nhà ôm con mà vỗ về. Nhưng vì trách nhiệm với bản thân, gia đình và cả cộng đồng, tôi không cho phép mình được suy nghĩ quá lâu về điều đó. Mặt khác, tôi luôn tự nhủ mình phải cố gắng hoàn thành thật tốt nhiệm vụ chuyên môn nơi tuyến đầu chống dịch đầy cam go mà cũng thật đáng tự hào này”-chị Mười bộc bạch.
HỒNG THI-TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm

Mạnh dạn để con tự đứng lên

Mạnh dạn để con tự đứng lên

Quá trình vấp ngã, sai lầm, thất bại sẽ giúp trẻ nhận thức đầy đủ về vấn đề. Đồng thời trẻ sẽ tăng thêm sức mạnh ý chí và biết ứng biến trong nhiều tình huống
Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Gia Lai: Vì sự phát triển dân số bền vững

Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Gia Lai: Vì sự phát triển dân số bền vững

(GLO)- Năm 2023, ngành Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tỉnh Gia Lai đã đạt một số chỉ tiêu cơ bản trong công tác phát triển dân số. Đó là giảm mức sinh, tăng tỷ lệ các cặp vợ chồng chấp nhận sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại, các định hướng mô hình dân số với phát triển gia đình bền vững.

Mùa xuân đoàn tụ

Mùa xuân đoàn tụ

(GLO)- Nhân dịp Tết Nguyên đán 2024, Trại giam Gia Trung (Bộ Công an) đã tổ chức lễ công bố giảm hết thời gian chấp hành án phạt tù cho 36 phạm nhân. Đây là những phạm nhân có ý thức chấp hành kỷ luật, cải tạo tốt và mong muốn sớm được trở về đoàn tụ cùng gia đình.

Nhìn con sửa mình

Nhìn con sửa mình

(GLO)- Tôi đã chứng kiến câu chuyện của cậu bé học lớp 4 ở bên nhà hàng xóm. Mỗi lần phạm lỗi, bé thường bị mẹ mắng và trách phạt bằng roi.
Đak Pơ có 13 trường hợp tảo hôn trong năm 2023

Đak Pơ có 13 trường hợp tảo hôn trong năm 2023

(GLO)- Sáng 21-12, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) đã tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện Đề án năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.
Bữa cơm gia đình

Bữa cơm gia đình

(GLO)- Trong bữa cơm tối, con trai tôi kể: “Bạn Mận cùng lớp con không chỉ ăn sáng ở quán mà cả bữa trưa, bữa tối nữa, ngày nào cũng vậy mẹ ạ!”.
Ngăn chặn, đẩy lùi bạo lực gia đình

Ngăn chặn, đẩy lùi bạo lực gia đình

(GLO)- Với sự vào cuộc của các ngành, địa phương cũng như đa dạng hình thức tuyên truyền, công tác phòng-chống bạo lực gia đình (BLGĐ) năm 2023 có nhiều chuyển biến. Số vụ BLGĐ đã giảm rõ rệt, góp phần cải thiện đời sống của mỗi gia đình.
Chính phủ quy định mới về khung tiêu chuẩn xét tặng Gia đình văn hóa

Chính phủ quy định mới về khung tiêu chuẩn xét tặng Gia đình văn hóa

(GLO)- Để được xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa thì gia đình phải đáp ứng những tiêu chuẩn: Gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động, sản xuất, học tập, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội của địa phương; Gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; thường xuyên gắn bó, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ trong cộng đồng.