Thân già nuôi cháu mồ côi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Con rể bỏ đi biệt xứ, con gái mất vì bạo bệnh, bà Siu A Yoai (SN 1955, trú tại làng Pan, xã Dun, huyện Chư Sê) phải gắng gượng nuôi 3 đứa cháu từ 7 đến 13 tuổi. Họa hoằn lắm 4 bà cháu mới có một bữa cơm đàng hoàng thay cho nồi cơm độn hay nồi cháo trắng ăn với rau rừng. Cái đói, cái nghèo cứ bám riết 4 bà cháu khốn khó này.
Chúng tôi theo chân ông Rơ Lan Jớp-già làng Pan và bà Nguyễn Thị Gái-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Dun men theo con đường đất lầy lội tìm đến nhà bà Siu A Yoai. Đó là một căn nhà nhỏ khoảng 20 m2 trong rẫy cà phê, mái và tường nhà đều bằng tôn nhưng đã rỉ sét, thủng lỗ chỗ. Già Jớp kể: “Sau ngày giải phóng, thấy vợ chồng Yoai không có đất làm nhà, mình cho mượn gần 1 sào đất để dựng căn nhà ở từ đó đến nay. Gia đình bà Yoai có hoàn cảnh éo le, chồng và con gái mất, con rể bỏ xứ đi nên mình cũng không muốn đòi lại đất nữa”.
 Bà Yoai và 3 cháu ngoại trước ngôi nhà thưng tôn. Ảnh: H.S
Bà Yoai và 3 cháu ngoại trước ngôi nhà thưng tôn. Ảnh: H.S
Khi chúng tôi đến, bà Yoai cùng 3 cháu ngoại là: Siu Thăm (SN 2006), Siu Nam (SN 2009) và Siu HThan (SN 2012) đang co ro bên bếp lửa. Trong nhà không có gì giá trị ngoài 2 chiếc giường gỗ kê sát nhau. Trên bếp treo mấy trái bắp và vài chiếc nồi nhỏ. “Mình sinh được 2 con gái. Một đứa lấy chồng rồi ở nơi khác. Đứa thứ 2 tên Siu Hoet. Nó lấy chồng xong thì về ở với mình. Vợ chồng nó đều sinh năm 1980. Năm 2012, chồng nó bỏ đi biệt tích, người làng coi như chết rồi. Đến năm 2013, con Hoet chết vì bệnh. Từ đó đến nay, mình nuôi 3 đứa con của nó”-bà Yoai nói trong nước mắt.
Trời động mưa. Gió ràn rạt thổi. Căn nhà nhỏ của bà Yoai lắc lư theo gió khiến ai cũng ái ngại. Bà Yoai nom già lắm so với cái tuổi 64. Ngược lại, mấy đứa cháu của bà có thân hình bé choắt khiến ai cũng ngỡ ngàng khi biết tuổi thực của chúng. Suy dinh dưỡng nên 3 đứa trẻ còi cọc so với bạn bè cùng trang lứa. Nhỏ nhất là em HThan. “Sau khi sinh HThan, mẹ nó ngã bệnh, không có sữa cho nó bú nên mình phải ôm nó chạy khắp làng xin sữa. Hôm nào không xin được thì về nhà hái bắp non giã nước cho nó uống. Con HThan chưa tròn tuổi thì mẹ nó mất. Vì không đủ thức ăn nên nó không lớn được. 2 đứa kia cũng vậy. Thương lắm nhưng không biết làm sao”-bà Yoai bùi ngùi chia sẻ.
Quen với cái khổ, bà Yoai cứ lầm lũi đi làm thuê cho người dân trong vùng để kiếm tiền mua gạo nuôi cháu. Xong việc gieo trồng 1 sào lúa rẫy ở cánh đồng Greo thì bà đi làm thuê. Nếu không ai thuê mướn thì bà đi chặt củi, nhặt nhạnh chai lọ về bán. Thương bà vất vả, Thăm cố gắng chu tất việc dạy em học bài, nấu cơm, dọn nhà cửa, đi rừng tìm củi hay nhặt đồ phế thải về bán lại kiếm thêm ít tiền. “Người làng thương bọn em nên thường mua củi giúp. Thỉnh thoảng, dân làng gọi trông con giúp rồi trả công bằng tiền hoặc ít thức ăn. Bọn em cố gắng làm mọi việc để có tiền mua gạo”-Thăm bộc bạch.
3 đứa trẻ mồ côi mẹ sống chung với bà ngoại. Ảnh: Ngọc Sang
3 đứa trẻ mồ côi mẹ sống chung với bà ngoại. Ảnh: Ngọc Sang
Cuộc sống thiếu trước hụt sau, 4 bà cháu chưa một lần được ăn bữa cơm no. Dù có một sào lúa nước nhưng chỉ trồng được 1 vụ, mỗi vụ thu được vài tạ lúa nên 4 bà cháu phải ăn uống dè sẻn phòng khi thiếu đói. Với họ, việc ăn cơm độn hay ăn cháo là thường xuyên. “Năm nào mất mùa hoặc mình bị ốm là mấy bà cháu phải ăn cháo trắng đấy. Ăn vậy tội 3 cháu lắm nhưng phải chịu thôi, mình cũng già yếu rồi mà”-bà Yoai kể thêm.
Cảm thương cảnh bà ngoại nghèo nuôi cháu mồ côi, bà con dân làng và các cấp chính quyền huyện Chư Sê luôn quan tâm bằng cách san sẻ những bó rau, chút thức ăn. “Mấy năm nay, cứ đến mùa gieo lúa hay gặt lúa, làng mình tự đến phụ giúp bà Yoai. Khi xong việc thì gọi bà ấy đi làm công rồi trả tiền. Ai cũng biết bà ấy khổ nên giúp. Đến dịp làng có lễ hay Tết, mấy đứa trẻ đều có quà hết”-già Jớp cho hay.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Dun cho biết: “Ngoài việc cử người đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ gạo cho bà Yoai, chúng tôi còn kêu gọi Mạnh Thường Quân chung tay giúp đỡ. Mới đây, cũng có người hỗ trợ cho 3 cháu cái xe đạp để tiện việc đi học. Ủy ban nhân dân xã đang kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí xây dựng cho 4 bà cháu căn nhà kiên cố”.
 HOÀNH SƠN

Có thể bạn quan tâm

Mạnh dạn để con tự đứng lên

Mạnh dạn để con tự đứng lên

Quá trình vấp ngã, sai lầm, thất bại sẽ giúp trẻ nhận thức đầy đủ về vấn đề. Đồng thời trẻ sẽ tăng thêm sức mạnh ý chí và biết ứng biến trong nhiều tình huống
Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Gia Lai: Vì sự phát triển dân số bền vững

Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Gia Lai: Vì sự phát triển dân số bền vững

(GLO)- Năm 2023, ngành Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tỉnh Gia Lai đã đạt một số chỉ tiêu cơ bản trong công tác phát triển dân số. Đó là giảm mức sinh, tăng tỷ lệ các cặp vợ chồng chấp nhận sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại, các định hướng mô hình dân số với phát triển gia đình bền vững.

Mùa xuân đoàn tụ

Mùa xuân đoàn tụ

(GLO)- Nhân dịp Tết Nguyên đán 2024, Trại giam Gia Trung (Bộ Công an) đã tổ chức lễ công bố giảm hết thời gian chấp hành án phạt tù cho 36 phạm nhân. Đây là những phạm nhân có ý thức chấp hành kỷ luật, cải tạo tốt và mong muốn sớm được trở về đoàn tụ cùng gia đình.

Nhìn con sửa mình

Nhìn con sửa mình

(GLO)- Tôi đã chứng kiến câu chuyện của cậu bé học lớp 4 ở bên nhà hàng xóm. Mỗi lần phạm lỗi, bé thường bị mẹ mắng và trách phạt bằng roi.
Đak Pơ có 13 trường hợp tảo hôn trong năm 2023

Đak Pơ có 13 trường hợp tảo hôn trong năm 2023

(GLO)- Sáng 21-12, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) đã tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện Đề án năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.
Bữa cơm gia đình

Bữa cơm gia đình

(GLO)- Trong bữa cơm tối, con trai tôi kể: “Bạn Mận cùng lớp con không chỉ ăn sáng ở quán mà cả bữa trưa, bữa tối nữa, ngày nào cũng vậy mẹ ạ!”.
Ngăn chặn, đẩy lùi bạo lực gia đình

Ngăn chặn, đẩy lùi bạo lực gia đình

(GLO)- Với sự vào cuộc của các ngành, địa phương cũng như đa dạng hình thức tuyên truyền, công tác phòng-chống bạo lực gia đình (BLGĐ) năm 2023 có nhiều chuyển biến. Số vụ BLGĐ đã giảm rõ rệt, góp phần cải thiện đời sống của mỗi gia đình.
Chính phủ quy định mới về khung tiêu chuẩn xét tặng Gia đình văn hóa

Chính phủ quy định mới về khung tiêu chuẩn xét tặng Gia đình văn hóa

(GLO)- Để được xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa thì gia đình phải đáp ứng những tiêu chuẩn: Gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động, sản xuất, học tập, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội của địa phương; Gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; thường xuyên gắn bó, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ trong cộng đồng.