Những người vợ bị chồng đánh: 'Anh ta khóc xin lỗi, thế rồi tôi ở lại'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Phần lớn nạn nhân của bạo lực gia đình đều bị nhiều nỗi sợ bủa vây: sợ bị đổ lỗi, sợ không ai ủng hộ, sợ bị trả thù... rồi từ đó không dám lên tiếng.L



“Chồng đánh vợ” là cụm từ liên tục được nhắc đến những ngày qua khi hai vụ bạo hành gia đình xảy ra liên tiếp.

Sáng 27/8, clip ghi lại cảnh võ sư Nguyễn Xuân Vinh đánh vợ là chị Vũ Thị Thu L. (sinh năm 1992, đang công tác tại một cơ quan báo chí ở Hà Nội) lan truyền khắp mạng xã hội.

Sự việc này diễn ra khi hành vi bạo hành vợ của ông Nguyễn Việt Lượng (sinh năm 1984, công tác tại Kho bạc Nhà nước Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) vẫn còn bị dư luận lên án.

Điểm chung ở hai vụ bạo hành gia đình trên là dù người phụ nữ đang ôm một đứa trẻ, có một đứa trẻ khác đang chứng kiến sự việc, người đàn ông vẫn liên tục thẳng tay dùng nhiều cú tát, đấm, đá liên tục… vào nạn nhân.

Lời giải thích cho hành động "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với vợ được đưa ra sau đó cũng rất "bình thản".

"Sự việc không có gì to tát", theo lời võ sư Nguyễn Xuân Vinh.

Trong khi đó, ông Lượng nói: "Tôi đánh vợ nhưng gia đình nào cũng có những lúc mâu thuẫn, xảy ra xô xát".


 

 
Hai vụ bạo hành gia đình diễn ra khi người phụ nữ đang ôm một đứa trẻ, có một đứa trẻ khác đang chứng kiến sự việc. Ảnh cắt từ clip.
Hai vụ bạo hành gia đình diễn ra khi người phụ nữ đang ôm một đứa trẻ, có một đứa trẻ khác đang chứng kiến sự việc. Ảnh cắt từ clip.




"Không chịu nổi sao không giải thoát cho nhau?", Chắc ngày trước yêu thấy đẹp trai nên mê, ai ngờ lấy về nó đánh cho”, "Vì sao người vợ có thể chịu đựng suốt bao nhiêu năm?"...

Hàng loạt thắc mắc được dân mạng đặt ra sau vụ võ sư Nguyễn Xuân Vinh đánh vợ.

Theo Guardian, số liệu từ Trung tâm Phòng chống Bạo lực gia đình Australia cho thấy hầu hết phụ nữ cố gắng thoát khỏi cảnh bị chồng/bạn trai bạo hành từ 5-7 lần trước khi thành công.

Phụ nữ yêu người đàn ông bạo hành họ, ít nhất là trong thời gian đầu. Họ thường tự trách mình hoặc tin rằng, với thời gian và nỗ lực, có thể thay đổi anh ta, theo Noted.


“Anh ta khóc lóc và xin lỗi, thế rồi tôi ở lại”

Ở hầu hết vụ bạo hành gia đình, câu hỏi được đặt ra hết lần này tới lần khác là: “Tại sao nạn nhân không thoát khỏi mối quan hệ này?”.

Trong một bài blog, Jennifer Willoughby thêm cụm từ “thế rồi tôi ở lại” sau mỗi lý do cô đưa ra để giải thích cho thái độ chịu đựng của mình khi bị chồng cũ - cựu trợ lý Nhà Trắng Rob Porter - ngược đãi.

“Anh ta khóc và xin lỗi, thế rồi tôi ở lại”.

"Anh ta đề nghị được giúp đỡ, thậm chí tham gia một vài buổi tư vấn và trị liệu, thế rồi tôi ở lại”.

"Anh ta coi thường trí tuệ và hủy hoại sự tự tin của tôi, thế rồi tôi ở lại. Tôi cảm thấy xấu hổ và bị mắc kẹt”.

Theo Giáo sư Daniel G. Saunders - Đại học Michigan (Mỹ) - những lý do Willoughby trình bày trùng khớp với chia sẻ từ hàng trăm nạn nhân của bạo hành gia đình trong nhiều cuộc khảo sát.

Những phụ nữ này không dám thoát khỏi cuộc hôn nhân ngược đãi vì họ bị cô lập, lợi dụng lòng tin, phụ thuộc tài chính, thiếu sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè, thậm chí bị đổ lỗi, lăng mạ khi chuyện đổ bể.

Trong trường hợp phụ nữ kết hôn với đàn ông nổi tiếng hay có chức quyền, khả năng nạn nhân giữ im lặng khi bị bạo hành còn cao hơn bởi họ sợ hủy hoại sự nghiệp của chồng hay lo rằng không ai tin tưởng mình.

"Quỷ dữ" ẩn sau vẻ ngoài hào nhoáng

Gần 20 năm trước, Roia Atmar - hiện làm việc cho một trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em tại Australia - phải nằm viện suốt 3 tháng vì bị chồng cũ hất nhựa thông lên người và châm lửa đốt.

Gia đình không hề hay biết Atmar bị bạo hành cho đến khi cô nhập viện. Bởi chồng cũ luôn miệng nói những lời đường mật như Atmar là điều đáng giá nhất đến với cuộc đời mình, rằng anh yêu và ngưỡng mộ cô. Họ là một gia đình hoàn hảo. Và ai cũng tin như vậy.

Chồng cũ không bao giờ để Atmar ở một mình với bất kỳ ai, vì vậy cô không thể trò chuyện với họ. Atmar từ nhỏ đã rất thẳng tính, nên mọi người nghĩ nếu có gì đó không ổn, cô sẽ lên tiếng.

Từ khi mới gặp gỡ, chồng cũ luôn kiểm soát Atmar. Sự lạm dụng thực sự bắt đầu sau khi cô sinh hạ con đầu lòng và cứ thế leo thang đến mức mất kiểm soát.

“Tôi kết hôn năm 14 tuổi và rời Afghanistan đến Australia chỉ 3 ngày sau đó. Tôi không có gia đình hay bạn bè ở đây. Những người tôi được phép liên lạc là gia đình chồng. Tôi không được phép đến trường hay đi làm việc. Anh ta đã buộc chúng tôi làm theo những gì mình muốn vì anh ta là trụ cột, là người trả tất cả hóa đơn”, Atmar nhớ lại.

“Tôi không hề có ý nghĩ rời đi. Tôi không biết cảnh sát hoặc bất cứ ai khác sẽ quan tâm. Nếu tôi biết mình có lựa chọn, tôi đã rời đi từ lâu rồi”, cô nói.

Atmar chỉ phát hiện mình có thể thoát khỏi cuộc hôn nhân như địa ngục nhờ sự giúp đỡ của cảnh sát và các nhà hoạt động xã hội, sau khi bị chồng cũ “giết hụt”. Cô quyết định ra đi và không bao giờ quay đầu lại.

Người chồng cũ sau đó bị kết án 12 năm tù, dù anh ta đủ điều kiện được thả tự do sau 5 năm.


 

 Phụ nữ yêu người đàn ông bạo hành họ, ít nhất là trong thời gian đầu. Ảnh: Domesticviol.
Phụ nữ yêu người đàn ông bạo hành họ, ít nhất là trong thời gian đầu. Ảnh: Domesticviol.


Mối tình bi kịch của Kay Schubach - đại sứ chống bạo lực gia đình tại tiểu bang New South Wales, Australia kiêm tác giả sách - cũng nhen nhóm khi bà “trúng tiếng sét ái tình” của người đàn ông “quyến rũ, tinh tế, gợi cảm” mình gặp gỡ cách đây 10 năm.

Schubach yêu ông ta nhiều và nhanh chóng bởi khi bước sang tuổi 40, bà mong mỏi có một mụn con. Khi hai người nói về điều đó, người đàn ông hứa họ sẽ là một gia đình hạnh phúc và khiến Schubach tin rằng đây là câu chuyện cổ tích giữa đời thực.

Ông ta luôn thu hút sự chú ý của đám đông, từ ngoại hình đến tính cách.

Tuy nhiên, cũng nhanh như cách bước vào cuộc sống của Schubach, ông ta lộ bản chất là kẻ rối loạn nhân cách và quá yêu bản thân mình.

Một phút trước, Schubach có thể cảm thấy “như ở trên mây xanh” vì sự ngọt ngào của người yêu, song chỉ một phút sau, ông ta lại lớn tiếng chỉ trích vì nghĩ bà làm sai điều gì đó.

Nhưng vì mải đắm chìm trong tình yêu, Schubach chịu đựng cho tới tháng thứ 2. Cảm thấy cuộc sống của mình bị đe dọa, bà nhờ tới sự giúp đỡ từ cảnh sát.

“Anh ta ghen tuông và chì chiết mỗi khi tôi nhận điện thoại từ bất cứ ai. Tôi bị cô lập rất nhanh vì anh ta không muốn tôi gặp gỡ cả người thân, bạn bè. Một ngày, anh ta gọi tới nơi tôi làm việc 70 lần và cuối cùng tôi bị mất việc. Tôi phát điên trong chính căn hộ của mình. Tôi hoang mang về mọi chuyện nhưng vì xấu hổ nên chẳng dám nói với ai”, Schubach nhớ lại.

Khi người phụ nữ mua vé máy bay đi Melbourne gặp bạn thân, ông ta tìm mọi cách ngăn cản như bỏ đường vào bình xăng, dọa đốt căn hộ, hay ném tất cả đồ đạc ra ngoài. Nhưng Schubach vẫn ra đi.

"Tôi đã không để nỗi sợ hãi, bối rối và xấu hổ cản đường", bà nói.


 

 Nạn nhân của bạo lực gia đình thường chọn cách “ngậm bồ hòn làm ngọt” bởi có quá nhiều nỗi sợ bủa vây. Ảnh: Lyndahinkle.
Nạn nhân của bạo lực gia đình thường chọn cách “ngậm bồ hòn làm ngọt” bởi có quá nhiều nỗi sợ bủa vây. Ảnh: Lyndahinkle.



Trang web của Women’s Aid - tổ chức hoạt động nhằm chấm dứt tình trạng bạo hành phụ nữ và trẻ em - cũng chỉ ra một số nguyên nhân phổ biến khiến nạn nhân chọn cách “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Nguy hiểm và sợ hãi. Nỗi sợ hãi, nguy hiểm họ cảm nhận được rất thật, bởi khả năng xảy ra bạo lực cao hơn sau khi chia tay. Năm 2017, 55% phụ nữ bị giết bởi chồng/người yêu cũ chỉ trong vòng một tháng ly thân, theo số liệu Tổng Điều tra Dân số năm 2018.

Cô lập. Kẻ bạo hành cố gắng cắt đứt liên hệ giữa nạn nhân với gia đình, bạn bè khiến việc tìm kiếm sự hỗ trợ trở nên khó khăn. Sự cô lập khiến phụ nữ trở nên phụ thuộc vào kẻ kiểm soát họ.

Xấu hổ và sợ bị đổ lỗi. Kẻ bạo hành thường che giấu bản chất dưới vỏ bọc lịch lãm, tử tế. Điều này ngăn cản người ngoài phát hiện hành vi lạm dụng và cô lập nạn nhân. Kẻ bạo hành thường giảm thiểu, phủ nhận hoặc đổ lỗi cho hành vi bạo hành của mình. Nạn nhân có thể vì xấu hổ mà kiếm cớ che giấu mình bị lạm dụng.

Tổn thương và tự ti. Nạn nhân thường bị hạn chế quyền đưa ra quyết định trong mọi chuyện. Họ tổn thương khi lúc nào cũng được “rót vào tai” câu: “Cô chẳng làm được trò trống gì nếu không có tôi”. Nỗi sợ hãi thường trực khiến họ như sống trong sự khủng bố hàng ngày, hàng giờ.

Lý do kinh tế. Kẻ lạm dụng thường kiểm soát mọi khía cạnh trong cuộc sống của nạn nhân, khiến họ không thể có công việc hay sự độc lập về tài chính. Bị kiểm soát tiền bạc, phụ nữ không thể tự nuôi sống bản thân hoặc con cái của mình. Họ sợ con cái bị cướp đi hoặc bị trục xuất vì tình trạng nhập cư không an toàn.

Women’s Aid khuyên thay vì đổ lỗi cho sự nhẫn nhịn của nạn nhân, mọi người nên hỗ trợ họ bằng cách tìm hiểu những rào cản bủa vây về mặt tâm lý, tình cảm, tài chính hoặc thể chất như đã kể trên.

Từ đó, nạn nhân được khích lệ để đưa ra quyết định tốt nhất cho họ và buộc kẻ lạm dụng phải chịu trách nhiệm về hành vi bạo lực.

    Thiên Nhi (zing)

Có thể bạn quan tâm

Mạnh dạn để con tự đứng lên

Mạnh dạn để con tự đứng lên

Quá trình vấp ngã, sai lầm, thất bại sẽ giúp trẻ nhận thức đầy đủ về vấn đề. Đồng thời trẻ sẽ tăng thêm sức mạnh ý chí và biết ứng biến trong nhiều tình huống
Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Gia Lai: Vì sự phát triển dân số bền vững

Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Gia Lai: Vì sự phát triển dân số bền vững

(GLO)- Năm 2023, ngành Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tỉnh Gia Lai đã đạt một số chỉ tiêu cơ bản trong công tác phát triển dân số. Đó là giảm mức sinh, tăng tỷ lệ các cặp vợ chồng chấp nhận sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại, các định hướng mô hình dân số với phát triển gia đình bền vững.

Mùa xuân đoàn tụ

Mùa xuân đoàn tụ

(GLO)- Nhân dịp Tết Nguyên đán 2024, Trại giam Gia Trung (Bộ Công an) đã tổ chức lễ công bố giảm hết thời gian chấp hành án phạt tù cho 36 phạm nhân. Đây là những phạm nhân có ý thức chấp hành kỷ luật, cải tạo tốt và mong muốn sớm được trở về đoàn tụ cùng gia đình.

Nhìn con sửa mình

Nhìn con sửa mình

(GLO)- Tôi đã chứng kiến câu chuyện của cậu bé học lớp 4 ở bên nhà hàng xóm. Mỗi lần phạm lỗi, bé thường bị mẹ mắng và trách phạt bằng roi.
Đak Pơ có 13 trường hợp tảo hôn trong năm 2023

Đak Pơ có 13 trường hợp tảo hôn trong năm 2023

(GLO)- Sáng 21-12, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) đã tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện Đề án năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.
Bữa cơm gia đình

Bữa cơm gia đình

(GLO)- Trong bữa cơm tối, con trai tôi kể: “Bạn Mận cùng lớp con không chỉ ăn sáng ở quán mà cả bữa trưa, bữa tối nữa, ngày nào cũng vậy mẹ ạ!”.
Ngăn chặn, đẩy lùi bạo lực gia đình

Ngăn chặn, đẩy lùi bạo lực gia đình

(GLO)- Với sự vào cuộc của các ngành, địa phương cũng như đa dạng hình thức tuyên truyền, công tác phòng-chống bạo lực gia đình (BLGĐ) năm 2023 có nhiều chuyển biến. Số vụ BLGĐ đã giảm rõ rệt, góp phần cải thiện đời sống của mỗi gia đình.
Chính phủ quy định mới về khung tiêu chuẩn xét tặng Gia đình văn hóa

Chính phủ quy định mới về khung tiêu chuẩn xét tặng Gia đình văn hóa

(GLO)- Để được xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa thì gia đình phải đáp ứng những tiêu chuẩn: Gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động, sản xuất, học tập, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội của địa phương; Gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; thường xuyên gắn bó, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ trong cộng đồng.