Chuyện thường ngày: Một chuyện cảm động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Rất tình cờ nhưng sao câu chuyện cứ vương vấn mãi trong đầu tôi. Hình ảnh người đàn ông 70 tuổi tận tụy bên mẹ già nơi phòng bệnh khiến không chỉ người viết mà nhiều bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, y-bác sĩ xúc động chứa chan.
 

 

Cho đến lúc ngồi uống với nhau ly cà phê hôm mẹ anh xuất viện, tôi cũng quên hỏi tên anh. Thôi, hãy cứ gọi anh là anh Hai theo cách gọi của người miền Nam, vì mẹ anh chỉ có mình anh. Anh bảo: “Biết sau này có gặp lại nhau, uống với nhau ly nước không?”. Tôi cười: “Trái đất bé nhỏ mà quay tròn, không khó gặp lại nhau đâu anh”. “Dễ như thế lắm”-anh à lên.

Quê anh ở một xã miền Trung gian khó. Khi anh khoảng 10-12 tuổi, trong đêm, ba anh từ căn cứ về đề nghị mẹ cho anh theo. Nhưng mẹ không chịu, nói: “Tui chỉ có cha con ông, nay ông đi thì còn nó là nguồn an ủi. Tôi không sống được nếu không có nó”. Sau này chiến tranh ác liệt, ba anh bặt tin. Mẹ anh vì có chồng làm cách mạng nên bị địch truy bức vô cùng khổ sở. Tuy vậy, bà vẫn âm thầm duy trì liên lạc và ủng hộ cơ sở cách mạng cho đến ngày giải phóng.

Sau đó, anh xa mẹ phiêu bạt tận Sài Gòn kiếm sống. Anh làm đủ nghề: bán nhật trình, bấm huyệt, đấm bóp, đánh giày..., lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm. Ngày làm, đêm ngủ bờ ngủ bụi, lấy vỉa hè, công viên làm nhà, sợ nhất là đám ma cô dắt gái, xì ke ma túy. Nhiều hôm đấm bóp cho khách mệt rã rời, anh còn phải đuổi muỗi cho họ ngủ. Bị khách trách hỏi: “Sao không kêu dậy?”, anh trả lời rụt rè: “Em sợ anh đánh”. Nhiều khi khách lăn ra ngủ say, ví tiền, đồng hồ vứt lăn lóc, anh lại phải canh chừng kẻo mất.

Siêng năng, lễ phép, anh lọt vào “mắt xanh” một ông chủ garage gần đó. Ông nhận anh vào học việc, vừa học nghề vừa học chữ, cứ thế tiến bộ dần lên. Rồi anh quen với cô gái nhà gần đó. Người ta lúc đầu ái ngại vì anh “tứ cố vô thân” nhưng sau cũng xiêu lòng, phần vì thương con, phần nữa do thấy anh chăm chỉ. Trước ngày cưới, mẹ vợ hỏi: “Cưới rồi 2 đứa sống ở đâu?”, anh chỉ biết cười trừ. Thương con thương rể, ba mẹ vợ dành cho anh chị phần chái bếp, lần hồi mới thuê mướn nhà trọ. Sau suốt mấy chục năm siêng năng, chịu khó, anh chị bây giờ là chủ một cơ sở sản xuất bao bì có tiếng ở quận Bình Thạnh, 2 đứa con anh cũng khôn lớn, thành đạt.

Mẹ anh năm nay đã 92 tuổi, đủ bệnh tật: cột sống, thận, tim, gan, phổi, thường xuyên vào viện nên anh về hẳn ở quê chăm sóc. Anh thường tâm sự, mẹ chỉ mỗi mình, bao năm khổ sở vất vả vì mình, giờ già yếu mình phải chăm lo. Mừng là vợ con hiểu được đạo lý ấy và ủng hộ. Thực ra, anh cũng không yêu cầu gì vợ con mà vui vẻ nhận lấy phần trách nhiệm. Tấm lòng vị tha ấy khiến ai biết được hoàn cảnh của anh càng thêm trân trọng và khâm phục. Sau ngày giải phóng, anh biết ba mình còn sống, đã lập gia đình, làm cán bộ ở một tỉnh. Thương mẹ một nhẽ song anh cũng nghĩ cho ba. Chiến tranh ác liệt, bao nhiêu điều có thể xảy ra, còn sống là may lắm rồi.

Vườn nhà anh rộng, có đám rau ngổ rất tốt. Mẹ vốn hay lam hay làm nên lúc khỏe hay ra cắt rau bó thành từng bó xếp vào thúng sai anh chở ra chợ bán. Có hôm đi công chuyện về, anh hốt hoảng vì không thấy mẹ. Anh đâu biết mẹ lúc cúc dưới tán tre nhổ cắt rau. Chiều lòng mẹ, anh lại cẩn thận đèo mẹ với thúng rau đó đi 7-8 cây số lên chợ bán. “Để cho mẹ vui, chứ bán cả thúng rau cũng đâu đủ tiền đổ xăng!”-anh cười nói.  

Mẹ già yếu nên tính tình thay đổi, thường giận dỗi, buồn phiền thất thường. Những lúc như thế anh lại lân la gần gũi tìm hiểu, an ủi. Biết mẹ một đời cực khổ, anh chạy xe lên tới phố để mua cho mẹ một món ngon. Khi mẹ ốm phải nhập viện, anh càng thương hơn, lo hơn, không rời một bước. Anh kể, chỉ riêng tháng rồi, mẹ anh nhập viện lần này là lần thứ 3; trước ở bệnh viện huyện, sau bệnh viện tỉnh, về nhà 4 ngày đã lại nhập bệnh viện khu vực. “Không biết lần này về được bao lâu. Tôi quen ở bệnh viện rồi. Bệnh viện là nhà thứ 2 của mẹ tôi mà”-anh cười nhẹ tênh. Riêng anh, mỗi ngày anh cũng tự tiêm 2 liều insulin cho mình (anh bị bệnh tiểu đường) để đủ sức chăm sóc mẹ!
 
…Uống vội ly cà phê, anh bắt tay chúng tôi rồi lên xe để về nhà với mẹ. Hình ảnh người đàn ông tất bật, yêu thương, hết lòng vì mẹ ấy khiến ai thương, cũng day dứt mãi trong lòng.

 THẤT SƠN
 

Có thể bạn quan tâm

Mạnh dạn để con tự đứng lên

Mạnh dạn để con tự đứng lên

Quá trình vấp ngã, sai lầm, thất bại sẽ giúp trẻ nhận thức đầy đủ về vấn đề. Đồng thời trẻ sẽ tăng thêm sức mạnh ý chí và biết ứng biến trong nhiều tình huống
Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Gia Lai: Vì sự phát triển dân số bền vững

Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Gia Lai: Vì sự phát triển dân số bền vững

(GLO)- Năm 2023, ngành Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tỉnh Gia Lai đã đạt một số chỉ tiêu cơ bản trong công tác phát triển dân số. Đó là giảm mức sinh, tăng tỷ lệ các cặp vợ chồng chấp nhận sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại, các định hướng mô hình dân số với phát triển gia đình bền vững.

Mùa xuân đoàn tụ

Mùa xuân đoàn tụ

(GLO)- Nhân dịp Tết Nguyên đán 2024, Trại giam Gia Trung (Bộ Công an) đã tổ chức lễ công bố giảm hết thời gian chấp hành án phạt tù cho 36 phạm nhân. Đây là những phạm nhân có ý thức chấp hành kỷ luật, cải tạo tốt và mong muốn sớm được trở về đoàn tụ cùng gia đình.

Nhìn con sửa mình

Nhìn con sửa mình

(GLO)- Tôi đã chứng kiến câu chuyện của cậu bé học lớp 4 ở bên nhà hàng xóm. Mỗi lần phạm lỗi, bé thường bị mẹ mắng và trách phạt bằng roi.
Đak Pơ có 13 trường hợp tảo hôn trong năm 2023

Đak Pơ có 13 trường hợp tảo hôn trong năm 2023

(GLO)- Sáng 21-12, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) đã tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện Đề án năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.
Bữa cơm gia đình

Bữa cơm gia đình

(GLO)- Trong bữa cơm tối, con trai tôi kể: “Bạn Mận cùng lớp con không chỉ ăn sáng ở quán mà cả bữa trưa, bữa tối nữa, ngày nào cũng vậy mẹ ạ!”.
Ngăn chặn, đẩy lùi bạo lực gia đình

Ngăn chặn, đẩy lùi bạo lực gia đình

(GLO)- Với sự vào cuộc của các ngành, địa phương cũng như đa dạng hình thức tuyên truyền, công tác phòng-chống bạo lực gia đình (BLGĐ) năm 2023 có nhiều chuyển biến. Số vụ BLGĐ đã giảm rõ rệt, góp phần cải thiện đời sống của mỗi gia đình.
Chính phủ quy định mới về khung tiêu chuẩn xét tặng Gia đình văn hóa

Chính phủ quy định mới về khung tiêu chuẩn xét tặng Gia đình văn hóa

(GLO)- Để được xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa thì gia đình phải đáp ứng những tiêu chuẩn: Gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động, sản xuất, học tập, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội của địa phương; Gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; thường xuyên gắn bó, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ trong cộng đồng.