Bố trí bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn: Vướng mắc tại một số địa phương ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chủ trương bố trí bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố được tỉnh Gia Lai triển khai thực hiện từ nhiều năm nay nhằm tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị cơ sở. Tuy nhiên, trong thực tế, việc thực hiện chủ trương này tại một số địa phương vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc.
Xã Tơ Tung là một trong những địa phương ở huyện Kbang thực hiện khá tốt chủ trương bố trí bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Đến nay, 10 bí thư chi bộ thôn, làng cũng đồng thời là trưởng thôn. Tuy gặp một vài khó khăn ban đầu khi đảm nhiệm cùng lúc “2 vai” nhưng dần dần, đội ngũ cán bộ này đã ổn định công việc nhờ có sự ủng hộ của đảng viên, người dân trong thôn. Ông Đinh Rới-Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Stơr-chia sẻ: “Tôi cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là giai đoạn đầu vì chưa nắm bắt được một số quy định trong điều hành cùng lúc ở cả 2 vai trò. Nhưng vừa làm vừa học hỏi, rồi được đảng viên trong chi bộ và nhân dân ủng hộ nên tôi cũng quen dần với công việc để hoàn thành nhiệm vụ được giao”.
 Ông Đinh Rới (thứ 2 từ trái sang)-Bí thư chi bộ  kiêm Trưởng thôn Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang) trao đổi công việc với người dân. Ảnh: L.N
Ông Đinh Rới (thứ 2 từ trái sang)-Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang) trao đổi công việc với người dân. Ảnh: L.N
Theo ông Đinh Bư-Bí thư Đảng ủy xã Tơ Tung: “Đại hội chi bộ các thôn, làng vừa qua là dịp để xã lồng ghép, đẩy mạnh thực hiện chủ trương bố trí bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Trong nhiệm kỳ này, xã đã kiện toàn đội ngũ cán bộ thôn, làng. Đặc biệt, 100% bí thư chi bộ thôn, làng đều kiêm trưởng thôn. Việc điều hành của đội ngũ cán bộ này đã dần ổn định nhờ có sự đồng thuận trong nhân dân”.
Hiệu quả của việc bố trí bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn là rất rõ nét. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều địa phương trong tỉnh vẫn chưa thực hiện được chủ trương này, nhất là ở khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Tính đến nay, sau khi đại hội chi bộ các thôn, làng đã hoàn thành, toàn tỉnh mới chỉ có 380 bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, chiếm 23,3% tổng số thôn, làng, tổ dân phố. Trong khi đó, toàn tỉnh hiện có hơn 1.000 trưởng thôn là đảng viên, chiếm tỷ lệ hơn 63%. Nguyên nhân được chỉ ra là ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều trưởng thôn là đảng viên nhưng năng lực vẫn còn hạn chế, không quen điều hành một lúc 2 vị trí. Bên cạnh đó, lãnh đạo một số địa phương cho rằng, 1 người làm 2 vai thì không công tâm; người đứng đầu thôn công việc áp lực nhiều, trong khi mức phụ cấp chưa tương xứng. Một số cán bộ, đảng viên có uy tín thì lớn tuổi, hạn chế về trình độ học vấn, một lúc làm 2 vai thì khó hoàn thành nhiệm vụ được giao. Các thôn, làng sau khi sáp nhập có sự thay đổi, dân cư đông, địa bàn rộng cũng là những trở ngại mà nhiều địa phương gặp phải khi lựa chọn nhân sự để thực hiện mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Ông Puih Rúc-Bí thư Đảng ủy xã Ia Bă (huyện Ia Grai) cho biết: “Việc bố trí bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn tại địa phương hiện đang còn khó. Xã mới chỉ có 2/8 thôn, làng có bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Một số nơi vẫn phải bố trí cán bộ cấp ủy xã tăng cường xuống làm bí thư chi bộ. Chúng tôi phải lựa chọn người đủ năng lực”.
Theo quy định, người giữ chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn được hưởng 100% phụ cấp cho chức danh thứ nhất và 85% cho chức danh kiêm nhiệm. Tuy nhiên, tổng thu nhập của họ chỉ khoảng trên dưới 2 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, số cán bộ này phải dành phần lớn thời gian cho công việc, chưa kể những va chạm trong quan hệ với nhân dân. Mức phụ cấp không đủ sống khiến họ khó có thể toàn tâm, toàn ý cho việc chung. Đây cũng là lý do khiến mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn đang gặp khó trong việc nhân rộng. Nếu bắt buộc thực hiện, nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong lựa chọn nhân sự có thể đảm nhiệm tốt 2 nhiệm vụ. Ông Y Bren-Bí thư Đảng ủy xã Hà Bầu (huyện Đak Đoa) cho biết: “Thực tế ở địa phương, vấn đề năng lực cán bộ vẫn còn hạn chế. Các đồng chí bí thư chi bộ đều là cán bộ tăng cường. Các đồng chí trưởng thôn lâu nay đảm nhận nhiệm vụ ở một mảng khác, khó điều hành được mảng công tác Đảng nên chúng tôi chưa thực hiện được mô hình. Xã có kế hoạch chọn 1 chi bộ để làm điểm nhưng phải bố trí người có năng lực mới làm được”.
Để giảm số lượng cán bộ không chuyên trách, tiến đến nâng mức phụ cấp tương xứng cho mỗi chức danh mà nhiệm vụ chính trị vẫn hoàn thành thì việc tăng cường thực hiện chủ trương bố trí bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn là giải pháp hữu hiệu nhất. Nhưng để làm tốt chủ trương này cần có sự chỉ đạo mạnh hơn nữa của cấp ủy, chính quyền các địa phương. Đặc biệt, cần tạo được sự đồng thuận trong nhân dân khi giới thiệu, lựa chọn người có năng lực, uy tín để bố trí bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn.
LÊ NA

Có thể bạn quan tâm

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên

(GLO)- Sáng 16-11, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai trao quyết định của Bộ Chính trị cho ông Trần Quốc Cường-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thôi giữ chức Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương, tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên nhiệm kỳ 2020-2025. Quyết định có hiệu lực từ 15-11.
Ông Đoàn Anh Dũng giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận

Ông Đoàn Anh Dũng giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận

Ban Tổ chức Trung ương công bố quyết định của Ban Bí thư về việc luân chuyển, chỉ định cán bộ tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đối với ông Đoàn Anh Dũng, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII.